Năm 2013 tiếp tục là một năm sôi động của thị trường smartphone với sự xuất hiện của nhiều xu thế mới, thu hút sự quan tâm của người dùng lẫn các hãng sản xuất. Dưới đây là những xu thế công nghệ nổi bật nhất trên thị trường smartphone trong năm qua.

Vi xử lí 64 bit

Apple một lần nữa được xem là người tạo ra xu thế mới trên thị trường di động khi trình làng chiếc smartphone iPhone 5s với vi xử lí A7, bộ vi xử lí di động đầu tiên trên thế giới sử dụng cấu trúc 64 bit.

Mặc dù không ít người cho rằng thực tế vi xử lí cấu trúc 64 bit của Apple nhằm mục đích quảng cáo hơn là tính hiệu quả, tuy nhiên trên thực tế nhờ vào bộ vi xử lí mới này, iPhone 5s được đánh giá là một trong những chiếc smartphone có hiệu suất tốt nhất thị trường hiện nay.

Bên cạnh đó, nhiều hãng công nghệ lớn cũng đã nhanh chóng bắt tay vào phát triển những thế hệ vi xử lí 64 bit của riêng mình để có thể cạnh tranh và bắt kịp với Apple trên thị trường smartphone, trong đó tích cực nhất là Qualcomm và Samsung. Hứa hẹn năm 2014 sẽ chứng kiến sự ra đời của thế hệ smartphone mới được trang bị vi xử lí với cấu trúc 64 bit.

Cảm biến vân tay

Bên cạnh vi xử lí cấu trúc 64 bit, iPhone 5s còn gây ấn tượng với tính năng bảo mật bằng vân tay. Mặc dù trên thực tế cảm biến bằng vân tay đã từng xuất hiện từ lâu trên smartphone, trước khi iPhone 5s ra đời, tuy nhiên kể từ khi Apple trang bị tính năng này cho sản phẩm của mình, cảm biến vân tay đã nhanh chóng trở thành một xu thế.

Sau iPhone 5s, nhiều hãng sản xuất smartphone khác cũng đã trang bị tính năng cảm biến vân tay cho sản phẩm của mình, nổi bật trong đó là HTC với chiếc smartphone cỡ lớn One Max, gần đây nhất là Vivo Xplay 3S, chiếc smartphone có màn hình độ phân giải 2K đầu tiên trên thế giới, cũng được tích hợp cảm biến bảo mật bằng vân tay.

Không dừng lại ở đó, nhiều hãng công nghệ được cho là sẽ tích hợp cảm biến vân tay vào các sản phẩm của mình trong tương lai, ngoài ra nhiều tính năng bảo mật sử dụng sinh trắc học khác, như bảo mật bằng tròng mắt, võng mạc… nhiều khả năng cũng đang được các hãng sản xuất smartphone nghiên cứu và phát triển để trang bị cho các sản phẩm của mình trong tương lai không xa.

Camera “khủng” cho smartphone

Có thể nói hiếm có năm nào chứng kiến sự xuất hiện của nhiều smartphone với camera “khủng” như trong năm 2013, nhất là khi xu thế sử dụng camera trên smartphone để thay thế cho máy ảnh truyền thống đang dần trở nên phổ biến.

Lần lượt các “ông lớn” đều cho ra mắt những smartphone “siêu camera” của riêng mình, như Nokia với Lumia 1020 trang bị camera “khủng” 42 megapixel, Sony với Xperia Z1 cùng camera 20.7 megapixel kèm theo hàng loạt công nghệ chụp ảnh mới hay Samsung với Galaxy S4 Zoom, chiếc smartphone “lai” camera…

Không chạy đua về độ phân giải, HTC cũng cho giới thiệu công nghệ UltraPixel được trang bị trên những mẫu smartphone mới của hãng (HTC One, One Max, One Mini) mà kích cỡ của các điểm ảnh lớn hơn giúp chụp ảnh tốt hơn, đặc biệt ở các điều kiện thiếu sáng.

Bên cạnh đó, smartphone với camera 13 megapixel đã dần trở nên phổ biến và trở thành một chuẩn mới cho các smartphone được ra mắt gần đây, chứ không phải chỉ được trang bị cho những smartphone cao cấp như trước đây.

Chạy đua cấu hình

Trên thực tế việc chạy đua cấu hình smartphone đã từng là xu thế từ những năm về trước, tuy nhiên trong năm 2013, xu thế này càng trở nên rõ rệt hơn. Giờ đây, việc smartphone mới xuất hiện được trang bị màn hình Full HD, bộ nhớ RAM lớn (2 hoặc 3 GB RAM) hay vi xử lí lõi tứ đã trở nên phổ biến và không còn quá đặc biệt.

Bên cạnh đó, các nhà sản xuất vi xử lí cho ra mắt những thế hệ vi xử lí lõi tứ giá rẻ nên người dùng không cần phải bỏ ra những số tiền quá lớn để có thể sở hữu những chiếc smartphone màn hình Full HD hay dùng chip lõi tứ.

Khi vi xử lí lõi tứ và màn hình Full HD đã dần trở thành chuẩn mới trên smartphone, các hãng sản xuất vi xử lí đang tập trung để phát triển thế hệ vi xử lí lõi 8 mới với khả năng sử dụng đồng thời cả 8 lõi cũng như khả năng hỗ trợ màn hình với độ phân giải lớn hơn Full HD (độ phân giải 2K hoặc 4K). Năm 2014 chắc hẳn sẽ chứng kiến sự xuất hiện của những thế hệ smartphone mới “khủng” như vậy.

Xu thế smartphone màn hình lớn

Khái niệm phablet (smartphone màn hình cỡ lớn) xuất hiện cách đây 2 năm khi Samsung ra mắt chiếc Galaxy Note phiên bản đầu tiên (2011). Vào thời điểm đó, phablet ít được các hãng sản xuất smartphone quan tâm vì cho rằng có kích thước lớn gây bất tiện cho người dùng khi bỏ vào túi quần.

Tuy nhiên đến năm 2013 phablet trở thành phân khúc smartphone sôi động khi xuất hiện hàng loạt sản phẩm mới với kích thước màn hình từ 5 inch trở lên. Hàng loạt các “ông lớn” đều gia nhập vào thị trường này với nhiều mẫu sản phẩm thuộc nhiều phân khúc khác nhau, từ phablet cao cấp đến phablet tầm trung giá rẻ.

Ngay cả Nokia vốn được xem là “bảo thủ” cũng đã gia nhập vào thị trường phablet với 2 mẫu smartphone Lumia 1520 (cao cấp) và Lumia 1320 (tầm trung) với màn hình rộng 6 inch.

Dự đoán thị trường phablet vẫn sẽ tiếp tục sôi động trong năm 2014, nhất là khi người dùng đang có xu thế sử dụng smartphone màn hình lớn, mang lại trải nghiệm về giải trí tốt hơn, so với những chiếc smartphone màn hình nhỏ.

Smartphone màn hình cong

Ý tưởng về smartphone màn hình cong không phải là mới và đã từng xuất hiện cách đây vài năm tuy nhiên đến năm 2013, smartphone màn hình mới thực sự được ra mắt với Galaxy Round của Samsung và G Flex của LG.

Mặc dù trên thực tế những chiếc smartphone màn hình cong chưa khai thác sức mạnh thực sự của màn hình cong và không có nhiều khác biệt so với những chiếc smartphone thông thường, tuy nhiên sự xuất hiện của những chiếc smartphone này được xem như là tiên phong để mở đường cho smartphone màn hình cong trong tương lai.

Nhiều người dùng kì vọng smartphone màn hình cong trong tương lai không chỉ có thiết kế cong mà còn có khả năng uốn dẻo để giúp tăng độ bền cho sản phẩm cũng như giúp smartphone sở hữu màn hình cong theo đúng nghĩa.

Theo Dân Trí




Bình luận

  • TTCN (0)