“Nền Khoa học công nghệ (KHCN) chưa được coi trọng, kinh phí giao cho hoạt động KHCN chiếm 2% trong tổng chi ngân sách nhà nước nhưng chưa được sử dụng đúng mức, hiệu quả kinh phí đầu tư của toàn xã hội cho KHCN còn khiêm tốn”.
Đó là những chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Nguyễn Quân trong buổi đối thoại với các tài năng trẻ Việt Nam chiều 23/12 tại Hà Nội.
Kinh phí eo hẹp
Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam chưa quan tâm đến KHCN, cơ quan nhà nước gần như chưa làm tròn trách nhiệm với KHCN, việc sử dụng kinh phí trong hoạt động KHCN chưa hiệu quả và không đúng mục đích.
Nhiều địa phương không có kinh phí phải sử dụng tiền của KHCN để làm vành đai, khắc phục hậu quả thiên tai lũ lụt…
Trên thực tế, cán bộ khoa học Việt Nam là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi trong giới làm công ăn lương của nhà nước, ngoài lương cơ bản không có thêm bất kì phụ cấp nào dẫn đến còn nhiều khó khăn.
“Làm khoa học ở đất nước ta còn nhiều khó khăn lắm, ai cũng nói quan trọng phải trọng dụng, ưu đãi nhưng hầu như không có ai làm gì. Chính chúng ta phải tạo niềm tin và bằng thành tựu chúng ta sẽ làm cho Nhà nước tin vào khả năng của chúng ta” - Bộ trưởng Quân nói.
Dẫn chứng về những tồn tại trong KHCN, bộ trưởng thống kê Việt Nam có 18.000 tiến sĩ, 10.000 phó giáo sư, hơn 36.000 thạc sĩ nhưng số lượng bài báo đăng trên tạp chí quốc tế về nghiên cứu khoa học của ta chưa cao, còn thua nhiều nước.
Nguyên nhân chính là do kinh phí để thực hiện quá cao, không phải nhà khoa học nào cũng có đủ nguồn lực để đăng kí sáng chế. Như ở Hoa Kì muốn đăng kí sáng chế phải tốn kém đến 3000 USD từ thuê công ty tư vấn đến giúp làm hồ sơ...
Nguyên nhân nữa dẫn đến khó khăn trong hoạt động KHCN chính là đầu tư xã hội cho KHCN còn thấp. So với các nước trong khu vực ASEAN, cụ thể đầu tư xã hội cho KHCN của Trung Quốc gấp 6 - 7 lần đầu tư xã hội cho KHCN ở Việt Nam.
Đổi mới cơ chế quản lí
Theo bộ trưởng, để phát triển KHCN, Bộ Khoa học - công nghệ đã xây dựng bộ luật KHCN mới được Quốc hội thông qua, trong đó đổi mới cơ chế quản lí KHCN, trọng tâm là đổi mới cơ chế tài chính, hạn chế đề tài nghiên cứu nằm trên ngăn kéo, chuyển sang cơ chế đặt hàng các đề tài có tính ứng dụng cao. Đồng thời đổi mới hoạt động theo cơ chế quỹ, có quỹ phát triển KHCN, khoán chi đến sản phẩm cuối cùng.
Ngoài ra, cần có chính sách ưu đãi cụ thể với cán bộ khoa học. Các tài năng trẻ được nhận giải thưởng Quả cầu vàng cũng như các giải thưởng quốc gia khoa học kĩ thuật khác đều đáp ứng tiêu chí để ưu đãi. Được Nhà nước ưu tiên trong việc giao nhiệm vụ KHCN cấp nhà nước, ưu tiên thành lập nhóm nghiên cứu mạng, giao kết quả nghiên cứu, quyền sở hữu quyền sử dụng, hỗ trợ kinh phí để công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí quốc tế, đăng kí sở hữu trí tuệ để được bảo hộ…
“Với đổi mới này sẽ có thay đổi lớn mang tính đột phá giúp các nhà khoa học có thể sống bằng trí tuệ của mình, sống bằng kết quả nghiên cứu của mình; có cổ phần không khiêm tốn trong các doanh nghiệp và có thể dùng luôn sản phẩm của mình để làm vốn tự sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, tinh thần đổi mới của KHCN đòi hỏi không chỉ có sự thay đổi nỗ lực của bộ mà những người quản lí đầu tư, quản lí về nhân lực và sự quan tâm đồng bộ của hệ thống chính trị là yếu tố cần thiết” - ông Quân khẳng định.
Theo Tuổi Trẻ Online
Bình luận