Theo báo cáo của trang SocialMediaToday, Facebook đang theo dõi cả những nội dung mà bạn đã nhập vào khung trạng thái hay bình luận nhưng sau đó lại quyết định không đăng.

Ảnh

Một tình huống mà hẳn ai sử dụng Facebook cũng từng trải qua, đó là nhập vài dòng nội dung vào khung đăng trạng thái mới hay khung bình luận nhưng suy nghĩ lại thì quyết định không đăng mà xoá đi.

Những nội dung đã viết nhưng không đăng (được Facebook gọi là self-censorship) tưởng chừng như chỉ mình bạn biết song Facebook vẫn có thể ghi lại và phân tích các thông tin ấy từ nhiều người dùng thông qua một đoạn mã JavaScript. Cách thức hoạt động của đoạn mã này cũng tương tự như Gmail sử dụng cho tính năng lưu email đang soạn hoàn toàn tự động, dữ liệu được lưu gần như theo kịp tốc độ gõ phím của người dùng. Không chỉ trạng thái, nội dung mà bạn gõ vào khung bình luận cũng được Facebook ghi lại.

Loại dữ liệu self-censorship mà Facebook đã thu thập được thống kê chi tiết thông qua báo cáo từ Sauvik Das – nghiên cứu sinh tại Đại học Carnegie Mello, kĩ sư phần mềm thực tập mùa hè tại Facebook, và Adam Kramer – nghiên cứu dữ liệu tại Facebook.

Báo cáo dựa trên dữ liệu đã thu thập từ 5 triệu người dùng Facebook sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính, trong suốt 17 ngày vào mùa hè năm 2012. Xem chi tiết báo cáo tại đây. Qua đó, có thể thấy Facebook đã thu thập và phân tích dữ liệu như thế nào về những nội dung mà người dùng không chia sẻ.

Tuy vậy, Facebook không thu thập chính xác những từ, cụm từ chính xác như bạn đã nhập vào, mà chỉ lấy thông tin dưới dạng siêu dữ liệu (metadata) để từ đó thống kê ra những đặc điểm chung, nhận biết vì sao người dùng quyết định không chia sẻ nội dung đã soạn.

Theo điều khoản về việc sử dụng dữ liệu của người dùng (Terms of Service và Data Use Policy) do Facebook công bố, hãng có quyền thu thập thông tin mà bạn “chia sẻ lên mạng xã hội và những nội dung khác mà bạn đã xem và có tương tác với nó”, chứ không có điều khoản nào cho biết hãng thu thập những dữ liệu mà bạn chưa chia sẻ. Dù vậy, người phát ngôn của Facebook cho rằng những dữ liệu mà bạn đã nhập dù có chia sẻ hay không cũng được gom vào nhóm “có tương tác”, vì thế Facebook vẫn có quyền thu thập.

Dù cùng sử dụng công nghệ lưu dữ liệu tự động song cách làm của Facebook lại không mang đến sự tiện dụng cho người dùng như Gmail, mà trái lại, những thông tin của bạn không có tính bảo mật. Những dữ liệu mà Facebook thu được có thể giúp mạng xã hội này hiển thị quảng cáo chính xác hơn đối với từng người, đem lại nguồn thu lớn cho công ty.

Chưa rõ Facebook có áp dụng chế độ theo dõi đối với từng thành viên hay không, nhưng để tăng tính an toàn cho dữ liệu khi gõ vào Facebook, bạn nên sử dụng các tiện ích giúp bất hoạt đoạn mã JavaScript thu thập thông tin trên trình duyệt web đang dùng.

Bạn có thể dùng add-on NoScript cho Firefox hay extension NotScripts cho Google Chrome.

Theo Một Thế Giới




Bình luận

  • TTCN (0)