Điều gì khiến cộng đồng mạng Việt Nam chú ý nhất trong năm 2013? Dù là thế giới ảo, nhưng có thể nói nó đã trở thành một luồng dư luận quan trọng trong đời sống của chúng ta hiện nay.

Dưới đây là 10 chủ đề được lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội, diễn đàn mạng trong năm 2013:

Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời

Khoảng 18h ngày 4/10, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Quân y 108, hưởng thọ 103 tuổi.

Ngay sau khi thông tin Đại tướng qua đời được thông báo chính thức, hàng loạt tờ báo và các hãng thông tấn trong và ngoài nước đã liên tục cập nhật và đăng tải những bài viết, hình ảnh về cuộc đời lừng lẫy của vị anh hùng dân tộc Việt Nam. Trái tim của hàng triệu người dân Việt Nam đã hướng về ngôi nhà 30 phố Hoàng Diệu - tư gia của Đại tướng.

Quốc tang của Đại tướng cũng là một trong số những sự kiện mà tầm ảnh hưởng đã lan sâu rộng tới truyền thông quốc tế, có lẽ bởi tầm vóc của vị Đại tướng mà họ gọi là anh hùng. Đặc biệt gây xúc động cho người dân thế giới đó là hình ảnh hàng trăm nghìn người dân xếp hàng dài tới hàng chục km để thăm viếng Tướng Giáp lần cuối trước khi Người trở về với đất mẹ.

Lần đầu tiên kể từ sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời hơn 40 năm trước, Việt Nam mới lại chứng kiến một lễ tang mà cả dân tộc dường như xích lại bên nhau để tưởng nhớ một trong những vị tướng lẫy lừng nhất trong lịch sử nhân loại. Trên Facebook, các thành viên treo cờ rủ, đăng ảnh Đại tướng trong niềm tiếc thương vị đại tướng của nhân dân.

Có thể nói, đây là sự kiện nổi bật nhất và ghi dấu ấn đậm nét nhất trên mạng xã hội Việt Nam trong năm qua. Hàng trăm ngàn lượt chia sẻ các bài viết về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp được lan truyền. Hàng trăm clip, hình ảnh ghi lại những hình ảnh xúc động về những đoàn người viếng Đại tướng, về lễ tang đã được truyền lên mạng từ các thiết bị ghi hình cá nhân trong thời đại bùng nổ về công nghệ hiện nay. Thế giới mạng đã phản ánh rất sống động về sự kiện lịch sử này.

Bill Gates "choáng" khi thấy cột điện ở Việt Nam

Hình ảnh những chiếc cột điện chằng chịt dây điện, dây cáp các loại đã không còn quá xa lạ với mỗi người dân Việt Nam. Nhưng nó lại khiến cộng đồng mạng Faebook Việt sôi sục khi tỉ phú, nhà từ thiện hào phóng nhất thế giới Bill Gates đăng trên status của mình.

Sáng ngày 9/6, Bill Gates đã đăng bức ảnh chụp một chiếc cột điện chằng chịt dây ở Việt Nam kèm link tới bài báo của tạp chí The Economist (Anh) trên trang Facebook cá nhân của ông. Cựu CEO tập đoàn Microsoft đặt ra câu hỏi: "Nhu cầu năng lượng tại Việt Nam tăng 14% một năm. Lưới điện cũ này bị quá tải. Những quốc gia như Việt Nam sẽ phải làm thế nào để giải quyết nhu cầu năng lượng tăng cao như hiện nay?".

Ngay sau đó, status này của ông đã thu hút hàng ngàn comment từ các thành viên Facebook đến từ Việt Nam. Nhiều người hỏi lại ông: Vậy theo ông nên phải làm gì?

Tất nhiên là Bill Gates không trả lời/không có câu trả lời. Bởi đây cũng là một câu hỏi hóc búa mà người dân đặt ra với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), vì cho đến nay, dường như đối với người dân, EVN chưa có câu trả lời khả thi ngoại trừ giải pháp tăng giá điện!

Ngay sau khi Bill Gates đăng bức ảnh này, một lần nữa vấn đề đường dây điện chằng chịt gây mất an toàn và mĩ quan đô thị tại Việt Nam lại nóng lên trên các trang báo, mạng.

"Running Man" Vũ Xuân Tiến

Câu chuyện về "Running Man" bắt đầu vào khoảng giữa tháng 7/2013, trong chuyến du đấu của CLB Arsenal tại Việt Nam. Vũ Xuân Tiến khi đó đã quyết định chạy bộ theo xe của CLB Arsenal suốt một quãng đường dài (gần 8km). Bản lĩnh, sự quyết tâm của chàng trai 20 tuổi đã "lọt vào mắt xanh" của các cầu thủ Arsenal cũng như lãnh đạo đội bóng. Vũ Xuân Tiến đã được đích thân thầy trò Wenger mời lên xe chụp ảnh, được xuất hiện trên trang chủ của CLB và báo chí nước ngoài, thậm chí được mời đến Anh để xem một trận đấu của Arsenal.

Nhờ những tác động tích cực của internet, mạng xã hội mà Vũ Xuân Tiến từ một chàng trai vô danh đã nhanh chóng được báo chí tìm ra chỉ sau một ngày. Chàng trai Hải Dương trở thành hiện tượng trên mạng xã hội, được ca tụng là "người hùng" và có trong tay tất cả những thứ mà một CĐV mơ ước.

Giới truyền thông cũng nhảy vào cuộc để phỏng vấn, khai thác cuộc sống đời tư của Vũ Xuân Tiến như một người nổi tiếng đích thực. Thậm chí đã có hẳn một clip kể lại câu chuyện về "Running Man" được làm và tung lên kênh Youtube của tour đấu Arsenal. Câu chuyện được kể lại sinh động bằng hình ảnh khiến cả thế giới thích thú. Từ đây, Vũ Xuân Tiến chính thức trở thành nhân vật được cả thế giới "săn tìm".

"Hôi bia" tại Đồng Nai

Đầu tháng 12, hàng loạt hình ảnh ghi lại cảnh tượng hôi bia sau khi chiếc xe do tài xế Hồ Kim Hậu chở 1500 két bia gặp nạn tại địa phận TP. Biên Hòa (Đồng Nai). Thùng xe nghiêng, dây đai bị đứt khiến khoảng 90% số bia trên thùng xe rơi xuống đường và ngay sau đó hàng trăm người đi đường cũng như người dân ở xung quanh hiện trường ập tới hôi của, mặc cho tài xế van xin, gào khóc.

Ngay lập tức, hình ảnh những người dân - cả thanh niên lẫn người lớn tuổi - vui mừng mang xe đạp, xe máy thản nhiên vác bia về làm của mình - lan truyền trên mạng với tốc độ chóng mặt. Cư dân mạng bị sốc, "cảm thấy xấu hổ", tự hỏi đạo lí "thương người như thể thương thân", "nhặt được của rơi trả người đánh mất", thậm chí "nhân phẩm"... ở đâu?

Cảnh tượng đáng xấu hổ này khiến dư luận vô cùng bàng hoàng về thái độ vô cảm trắng trợn của người dân ở hiện trường vụ tai nạn. Thậm chí, một hãng truyền hình Nga khi phát sóng đoạn clip trên kèm theo những lời châm biếm hài hước, lại càng khiến dư luận choáng váng vì những gì mà con người làm với nhau khi xảy ra tai nạn.

Ảnh
hôi bia

Rất may, sau đó ít ngày, đại diện hãng bia Tiger đã ra thông cáo chính thức khẳng định tài xế vụ hôi bia sẽ không phải bồi thường thiệt hại, đồng thời anh vẫn sẽ tiếp tục làm việc bình thường tại công ty vận chuyển. Anh Hậu sau đó đã trả lại tiền ủng hộ của các nhà hảo tâm, kết thúc một vụ việc tốn nhiều giấy mực truyền thông cũng như sự theo dõi của cư dân mạng.

Cũng nhờ có dư luận mạng và truyền thông vào cuộc mà nạn hôi của đã hạn chế đáng kể. Sau vụ xe chở bia bị đổ, nhiều xe chở mì tôm, sữa, bia... khác cũng bị đổ nhưng rất may là tình trạng hôi của đã không diễn ra.

"Anh không đòi quà"

Khoảng 1 tuần sau khi xuất hiện trên YouTube, video ca nhạc "Anh không đòi quà" của Karik và OnlyC đã thu hút hơn 1,5 triệu lượt xem. Bản nhạc này được cộng đồng mạng quan tâm bởi ngoài lời hát chế giễu chuyện "chia tay đòi quà", clip còn có màn cởi đồ của nữ diễn viên chính.

Ảnh
"Anh không đòi quà" là video được những người Việt trẻ cover lại nhiều nhất năm 2013

Chưa đầy 2 tuần sau khi clip ban đầu có mặt trên mạng, hàng loạt "Anh không đòi quà" phiên bản đến từ Vĩnh Phúc, Nam Định, Hà Nội, Gia Lai, Nha Trang, Nghệ An, Vũng Tàu... cũng xuất hiện như nấm mọc sau mưa. Để hoàn thành vai nữ chính phản cảm này, nhiều bạn gái trẻ sẵn sàng "hi sinh vì nghệ thuật", cởi quần áo chỉ còn lại nội y và dũng cảm đi lại giữa nơi công cộng.

Điều đáng ngạc nhiên là các clip này đều bị dư luận "ném đá" vì trò nhảm khoe thân phản cảm nhưng xem ra, càng bị chê thì số lượng clip nhái "Anh không đòi quà" càng xuất hiện nhiều. Xem ra, độ "trơ" của nhiều bạn trẻ, trong đó có các bạn nữ, đã ở mức không thể trơ hơn được nữa, buộc nhà chức trách phải ra tay. Một nhóm bạn trẻ tại Cần Thơ đã bị công an địa phương lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính vì nhân vật nữ chính lột đồ, hiên ngang đi giữa phố phường ban ngày.

"Người thừa kế" Kim Tan

Sức ảnh hưởng của "cơn bão" Kim Tan không chỉ ở Hàn Quốc mà còn lan rộng đến nhiều nước khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam. Góp phần đưa hình ảnh Kim Tan - chàng công tử nhà giàu khao khát tìm đường đi cho riêng mình trong bộ phim The Heirs – "Những người thừa kế" đến với khán giả chính là nam diễn viên Lee Min Ho.

Khi bộ phim phát sóng trên mạng, nhiều cô gái trẻ đã dành không ít tình cảm cho anh chàng Kim Tan này. Nhiều người hàng tuần chỉ trông ngóng chờ mong phim trình chiếu tập tiếp theo. Kim Tan trở thành hình mẫu lí tưởng cho các nàng thơ đặt ra để tìm kiếm người yêu cho mình. Tuy nhiên nhiều chàng trai Việt khi chứng kiến các cô gái mê đắm Kim Tan đã quay sang tẩy chay, chế giễu nhân vật này bằng những ảnh chế, status chửi bới và vào thẳng fan page của Kim Tan để bài xích, lên án.

Phản ứng của các chàng trai đã khiến phái đẹp nóng mặt và nhảy vào cuộc khẩu chiến trên mạng nhằm bênh vực cho thần tượng. Vậy là một cuộc tranh cãi tiếp tục nổ ra trên các trang mạng và càng làm cho tên tuổi của chàng trai Kim Tan không có thật thêm ồn ào, ầm ĩ. Rất may là cho đến hiện tại, khi bộ phim The Heirs đã "hạ màn" thì cơn sốt này mới mới từ từ hạ nhiệt.

Huyền Chip và scandal "Xách balô lên và đi"

Huyền Chip từng được giới truyền thông nhắc đến khi cô kể về câu chuyện đi xuyên 25 quốc gia với 700 USD làm lộ phí ban đầu. Khi thông tin này xuất hiện, đã có những luồng ý kiến khác xung quanh câu chuyện của Huyền Chip rằng đó là trải nghiệm thật hay bịa?

Thế nhưng, phải đến khi Huyền Chip quyết định thực hiện hai cuốn sách liên tiếp với tên gọi "Xách ba lô lên và đi - Châu Á là nhà. Đừng khóc" (tập 1) và "Xách ba lô lên và đi - Đừng chết ở châu Phi" (tập 2)… thì cơn bão trên mạng mang tên Huyền Chip mới xuất hiện. Nhiều diễn đàn mạng đã đăng những nhận xét chỉ ra những điểm vô lí và không logic trong câu chuyện của Huyền Chip.

Câu chuyện trở càng trở nên nghiêm trọng khi Trần Ngọc Thịnh, một cựu du học sinh đã biến trang mạng cá nhân của mình thành diễn đàn về vấn đề Huyền Chip. Cách phản ứng, câu chữ và đặc biệt đơn kiến nghị 21 trang của cựu du học sinh này lên Cục Xuất bản đề nghị đình bản sách của Huyền vì có những chi tiết thiếu trung thực, lại càng thổi bùng cơn bão dư luận tấn công vào Huyền Chip.

Mặc dù Huyền Chip đã lên tiếng khẳng định "tôi không lừa dối", nhưng sau đó, tác giả "Xách ba lô lên và đi", công ty sách và NXB đã đưa ra một bản giải trình dài 31 trang. Kết thúc vụ việc, Cục trưởng Cục Xuất bản Chu Văn Hòa cho biết chưa có đủ căn cứ để cấm hay dừng xuất bản cuốn sách này.

Bà Tưng làm loạn showbiz

Từ một clip "thả rông" nhảy Gentlemen được lan truyền nhanh chóng trên mạng, Lê Thị Huyền Anh với nick name bà Tưng nhanh chóng trở thành cái tên được cộng đồng mạng săn tìm và là tâm điểm trong hàng loạt bài viết của giới truyền thông.

Bà Tưng không chỉ nhận được những lời khen xinh đẹp về ngoại hình mà nhận không ít "gạch đá" của cư dân mạng khi tự đánh bóng bản thân bằng "độc chiêu" xưa nay chưa ai dám thử: Muốn nổi tiếng phải cởi đồ.

Với đủ các chiêu trò, bà Tưng liên tục hóa thân thành các nhân vật đa tính cách, lúc ngỗ ngược, lúc ngoan hiền, ngây thơ… thậm chí viết cả "tâm thư" mong muốn được mọi người hiểu và thông cảm. Lâu dần, những hình ảnh phản cảm, chiêu trò lố bịch này dần dần lộ rõ mưu đồ bước vào làng giải trí Việt của bà Tưng.

Cũng chính từ đây, sự phẫn nộ của dư luận trở nên dữ dội hơn. Người ta không đơn thuần "ném đá" bà Tưng bằng những lời chê trách thông thường, thay vào đó là những lời chỉ trích cay độc, tẩy chay ngay khi phát hiện ý đồ thực sự của bà Tưng.

Trai đẹp bị trục xuất

Từ một bài báo kể về 3 chàng trai bị trục xuất khỏi hội chợ Ả Rập vì quá đẹp trai, cơn sốt "trai đẹp" bất ngờ lan tỏa trên mạng xã hội Việt Nam. Lần lượt tung tích và dung mạo của các trai đẹp Ả Rập được cư dân mạng "đào xới", và Omar Borkan Al Gala chính là người được tìm ra đầu tiên.

Mặc dù sau khi những tin tức "bị trục xuất vì quá đẹp trai" được truyền đi, Omar đã lên báo đính chính rằng thông tin này không chính xác, nhưng vẻ đẹp quyến rũ, cuốn hút cùng nụ cười "chết người" của Omar vẫn gây bão trong cộng đồng mạng Việt Nam nhiều ngày sau đó. Từ khóa "trai đẹp bị trục xuất" liên tục được tìm kiếm, Facebook của Omar thường xuyên có các facebooker người Việt vào tán dương, thể hiện sự hâm mộ và thậm chí là... làm loạn, có những lời lẽ khiếm nhã, thiếu lịch sự.

"Cơn cuồng" trai đẹp bị trục xuất ngay lập tức được khai thác. Một doanh nghiệp đã bỏ tiền mời Omar đến Việt Nam, tổ chức tiệc đấu giá từ thiện vào tháng 9/2013. Tuy nhiên, qua sự kiện này cho thấy dư luận mạng nhiều lúc chỉ là "nói vậy chứ không phải vậy", hay "nhanh lên, nhanh xẹp". Bằng chứng là mặc dù vẫn xuất hiện với vẻ ngoài manly cùng nụ cười "chết người", kèm một số bài PR thế nhưng số lượng người hâm mộ tới đón anh tại sân bay lèo tèo, bữa tiệc đấu giá từ thiện nhạt thếch và Omar ra về "không kèn không trống".

Mr Đàm "khoá môi" nhà sư

Tối ngày 4/11/2012, Đàm Vĩnh Hưng góp mặt trong đêm nhạc từ thiện để lấy tiền ủng hộ ca sĩ Wanbi Tuấn Anh phẫu thuật điều trị bệnh. Ngoài việc hát hai ca khúc, Mr Đàm còn mang đến chương trình một chai rượu quý để bán đấu giá. Chai rượu có giá khởi điểm là 20 triệu đồng. Sau một hồi vận động, hai nhà sư ngồi ở hàng ghế đầu đã quyết định mua với giá 55 triệu đồng.

Ảnh
Mr Đàm khoá môi nhà sư

Trước đó, Đàm Vĩnh Hưng có hứa hẹn sẽ tặng một nụ hôn cho vị khách nào mua chai rượu này. Vì vậy, khi lên sân khấu nhận rượu, vị sư thầy đã yêu cầu Mr Đàm thực hiện lời hứa. Nam ca sĩ không ngần ngại hôn sư thầy thay lời cảm ơn vì đã đến ủng hộ chương trình. Nụ hôn này ngay sau đó đã bị dư luận "ném đá" không thương tiếc vào sáng hôm sau.

Mặc dù sau đó, Đàm Vĩnh Hưng có giải thích anh chỉ là "nạn nhân" vì nhà sư cố tình; còn nhà sư buộc phải hoàn tục cùng với những hình ảnh trần tục của nhà sư bị cư dân mạng lật tẩy nhưng rõ ràng là khi đã là người của công chúng, mọi hành động, cử chỉ đều không thể tùy tiện, bừa bãi.

Kết

Khép lại một năm với quá nhiều sự kiện, có thể thấy thế giới mạng/cộng đồng mạng hiện nay đang hiện diện rất sôi động và gắn liền với đời sống thực tại, phản ánh những trạng thái, cung bậc cảm xúc của con người trong thế giới thực.

Dù phần lớn trong các sự kiện kể trên đều bị thổi phồng và đẩy lên cao trào do những phản ứng đôi khi thái quá, thậm chí là a dua theo tâm lí đám đông và có sự góp phần không nhỏ của các trang mạng, báo chí lá cải, nhưng tất cả đều cho thấy xu hướng online và truyền thông xã hội đang tác động mạnh mẽ vào đời sống như thế nào.

Theo VnReview




Bình luận

  • TTCN (0)