Việc nhiều người dùng Viber, WhatsApp bị dội bom tin nhắn quảng cáo, tin nhắn rác thời gian gần đây khiến cho câu hỏi về việc phải quản lý các ứng dụng OTT như thế nào trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Một chuyên gia về bảo mật phân tích rằng, do đặc trưng của dịch vụ OTT luôn yêu cầu người dùng phải cung cấp hoặc cho dịch vụ tiếp cận với thông tin cá nhân trong máy, việc số điện thoại của họ trở thành mục tiêu "dội bom" tin nhắn rác cũng là chuyện tất yếu. Bên cạnh tin nhắn rác thì các cuộc gọi quảng cáo thông qua Viber cũng đã bắt đầu xuất hiện, gây nhiều phiền toái cho người dùng.

Mặc dù vậy, đại diện của Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp sự cố quốc gia VNCERT chia sẻ với VietNamNet rằng phản ánh của người dùng về tin nhắn OTT rác chưa nhiều nên cơ quan này chưa xây dựng các biện pháp kỹ thuật để đối phó. Tuy nhiên, mỗi một công nghệ, dịch vụ mới ra đời đều kéo theo những nguy cơ mới, những hệ lụy mới mà tin tặc có thể lợi dụng vào những mục đích xấu. Do đó, VNCERT đề nghị người dùng nhận diện những nguy cơ này và phản ánh về cho cơ quan quản lý để sớm có đối sách phù hợp.

Các nhà mạng thì cho rằng, tình trạng tin nhắn SMS rác qua mạng di động truyền thống còn khó triệt hạ vì vướng SIM rác, SIM kích hoạt trước và thuê bao trả trước, thì tin nhắn rác qua OTT càng khó quản lý gấp bội. Chưa có một khung pháp lý nào để quản lý các ứng dụng OTT, kéo theo việc không có chế tài để xử phạt những hành vi dội bom tin rác quảng cáo. Đây chính là một kẽ hở mà cơ quan quản lý rất cần lấp đầy khi xem xét tới câu chuyện OTT.

Không cấm, nhưng phải có trách nhiệm!

Sức nóng của cuộc chiến OTT đã lan đến bàn nghị sự của cơ quan quản lý, thậm chí còn là một trong những trọng tâm công tác của Bộ TT&TT trong năm 2014 như chính khẳng định của Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son. Sau khi lắng nghe tất cả những than vãn, phản ứng của nhà mạng cũng như tham khảo ý kiến từ các doanh nghiệp OTT và kinh nghiệm quốc tế, Bộ TT&TT đã thẳng thừng loại bỏ phương án "cấm đoán" đối với các ứng dụng nhắn tin, gọi điện miễn phí.

Thay vào đó, Bộ đã lựa chọn một cách tiếp cận mềm dẻo hơn, linh hoạt hơn và bám theo thị trường hơn, đó là cho phép các ứng dụng OTT tiếp tục hoạt động, miễn sao họ kinh doanh "có trách nhiệm" với nhà mạng và đảm bảo lợi ích cao nhất cho người dùng.

Câu hỏi đặt ra, là phải hiểu khái niệm "có trách nhiệm" này như thế nào?

Đại diện Viettel chia sẻ rằng, mô hình hợp tác giữa nhà mạng và các doanh nghiệp OTT hiện vẫn đang ở giai đoạn rất sơ khai, tuy nhiên, quan điểm của nhà mạng là cố gắng cởi mở, tìm kiếm mọi cơ hội có thể. Đối với phương án quản lý tối ưu đối với các ứng dụng nhắn tin, gọi điện miễn phí, nhà mạng này kiến nghị Bộ nên quản lý theo những góc độ như bảo vệ người dùng, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng. Cụ thể, ông Dũng cho rằng hiện thông tin về OTT đang bị lạm dụng khi các ứng dụng cứ mạnh ai nấy quảng cáo, không theo bất cứ một lề lối kinh doanh nào và cũng không có ai kiểm chứng. Các ứng dụng nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam rất nhiều nhưng chúng ta lại chưa có quy định về đặt máy chủ, về cấp phép, về thuế suất... do đó, môi trường kinh doanh đang chưa có sự bình đẳng giữa doanh nghiệp OTT trong nước với quốc tế, cũng như giữa doanh nghiệp OTT với nhà cung cấp hạ tầng.

Chính vì vậy, đã có nhà mạng ấm ức kêu rằng doanh nghiệp OTT chỉ coi mình như "đại lý", một kênh bán hàng, khi họ chỉ muốn tiếp tục duy trì miễn phí tin nhắn và nhà mạng chỉ được phép thu phí/ăn chia doanh thu đối với những ứng dụng/nội dung bán được trên tin nhắn.

Vốn quen với vị thế ông lớn, kèo trên nên các nhà mạng hiển nhiên không chấp nhận được hình thái này. Họ cho rằng, hợp tác phải theo kiểu liên kết hữu cơ, hai bên cùng "win". Nếu đơn vị OTT chỉ coi nhà mạng như người thu tiền hộ thì đó không phải là hình thức hợp tác mang lại giá trị, tôn trọng lẫn nhau. "Các dịch vụ OTT hiện đã phát triển quá đa dạng nên nhà mạng không thể cản được. Chỉ mong cơ quan quản lý tạo ra một sân chơi bình đẳng về trách nhiệm, nghĩa vụ và bảo vệ quyền lợi cho người dùng".

Theo kế hoạch, Cục Viễn thông sẽ phải trình được phương án quản lý ứng dụng OTT lên Bộ trong quý I/2014. Từ nay cho tới khi đó, Bộ vẫn khuyến nghị các nhà mạng chủ động nghiên cứu, thử nghiệm mô hình hợp tác cùng doanh nghiệp OTT, thí dụ như tung ra các gói cước liên kết với những dịch vụ OTT ăn khách.

Gói cước OTT - chắc gì không ế?

Tuy nhiên, các nhà mạng vẫn tỏ ra nghi ngại về khả năng thành công của gói cước OTT này. Ông Dũng cho rằng trên thực tế, giải pháp này không hấp dẫn như người ta tưởng. "Nếu một gói cước yêu cầu phải đóng từng này tiền chỉ để dùng Viber thì chưa chắc bạn đã đăng ký. Tương tự, nếu bạn đang dùng 5 dịch vụ nhắn tin, gọi điện khác nhau thì sẽ phải đăng ký tới 5 gói cước khác nhau, chắc chắn là tốn nhiều tiền và phiền toái hơn hẳn so với chỉ đăng ký một gói Max", đại diện Viettel phân tích. Bản thân nhà mạng của quân đội cũng đang triển khai gói cước BlackBerry nhưng số lượng thuê bao rất ít, chỉ khoảng hơn chục nghìn người sử dụng.

"Nhà mạng phục vụ khách hàng nhưng cũng cần cân đối các lợi ích. Anh bày ra cả trăm gói cước mà người dùng chỉ chọn 1,2 gói thì hiệu quả ở đâu?", ông Dũng nêu vấn đề. Rõ ràng, trong câu chuyện OTT, tất cả các bên đều vẫn đang tìm kiếm cách thức kinh doanh tối ưu nhất. Gói cước OTT, theo ông Dũng, không phải là một phát kiến quá đặc biệt, cũng không đem lại lợi ích nào quá đặc biệt cho người dùng. Bản chất của chúng vẫn là nhà mạng cho người dùng một data và data đấy sử dụng dịch vụ OTT mà thôi. Nếu gói cước chỉ có vài nghìn thuê bao thì chẳng giải quyết được gì. Nói cách khác, phương án kinh doanh nào cũng phải đi vào thực chất.

Rõ ràng, với rất nhiều vấn đề được đặt ra về quản lý, về nguy cơ tiềm ẩn, về mô hình hợp tác, câu chuyện OTT và nhà mạng chắc chắn sẽ còn khiến báo giới tốn nhiều giấy mực trong năm 2014.

Theo Vietnamnet




Bình luận

  • TTCN (0)