Bộ TT&TT là một trong những Bộ đi đầu trong việc quan tâm và triển khai mạnh mẽ việc ứng dụng CNTT-TT khi điều hành và quản lí công việc.
Ứng dụng CNTT rất phức tạp, không chỉ là việc hô hào tuyên truyền hoặc đơn giản là mua sắm trang thiết bị, chuyển giao công nghệ, đầu tư kĩ thuật, vì nếu chỉ có vậy sẽ không mang lại hiệu quả, thậm chí rất lãng phí và tốn kém và nhiều thiết bị, máy móc được mua sắm có thể phải đắp chiếu chờ thanh lí. Do vậy, Bộ TT&TT đã chọn cách tiếp cận có trọng tâm, trọng điểm và đồng bộ theo công thức 12+1 (12 tỉnh + 1 Bộ).
Trọng tâm là chọn những mũi nhọn, những việc “cần làm ngay” để đi thẳng vào giải quyết. Đồng bộ là đi cùng với cơ quan Bộ tại 18 Nguyễn Du - Hà Nội, còn có 12 Sở TT&TT các địa phương cùng tiến quân để tạo ra hiệu ứng liên hoàn, biến việc ứng dụng trở thành thực tế từ địa phương đến Bộ, từ Bộ đến cơ quan ban, ngành khác có liên quan, từ đó mở rộng ra các ứng dụng, giao dịch trong toàn xã hội.
Bộ đi trước...
Khi triển khai các ứng dụng CNTT-TT thì nhân tố kĩ thuật, hạ tầng mạng lưới mới chỉ là điều kiện cần, còn nhân tố con người mới là nhân tố quan trọng nhất quyết định đến sự thành bại của việc phát triển CNTT-TT.
Hiểu được tầm quan trọng đó nên công tác đào tạo được coi là một trong những mảng quan trọng của Dự án Phát triển CNTT-TT tại Việt Nam do Ban Quản lí dự án - Bộ TT&TT điều phối. Đến nay, dự án đã tiến hành đào tạo trên 500 Lãnh đạo thông tin (CIO) của các Bộ, Ban, Ngành, các tỉnh, thành phố trên cả nước và một bộ phận doanh nghiệp; hơn 1000 cán bộ của Bộ TT&TT và một bộ phận các doanh nghiệp. Trong các hợp phần khác của Dự án (Tổng cục Thống kê, Hà Nội, Đà Nẵng), trên 1000 cán bộ được đào tạo và cấp chứng chỉ.
Thông qua các chương trình đào tạo, cán bộ, công chức của Bộ TT&TT đã được nâng cao năng lực, tri thức và kĩ năng về ứng dụng CNTT, về quản lí viễn thông, về Tần số vô tuyến điện, về quản lí CNTT,… Các khóa đào tạo này đã từng bước nâng cao năng lực chuyên môn, năng lực xây dựng chính sách và quản lí Nhà nước cho cán bộ, công chức của Bộ và các Sở TT&TT.
Song song với việc tăng cường và phát triển nguồn nhân lực, Bộ TT&TT cũng chú trọng những nội dung ứng dụng chữ kí số trong giao dịch hành chính nhằm góp phần giải quyết thử tục hành chính nhanh gọn, minh bạch, tiết kiệm thời gian.
Bộ đã triển khai xây dựng Trung tâm đo kiểm đánh giá các giải pháp CNTT để định lượng hiệu quả ứng dụng CNTT trong các cơ quan, doanh nghiệp; triển khai xây dựng hệ thống tích hợp thư điện tử để tăng hiệu quả, giải quyết công việc được thuận lợi và nhanh chóng; phát triển Cổng thông tin điện tử Bộ TT&TT nhằm nâng cao hiệu quả giải quyết công việc trong Bộ, xây dựng tòa nhà thông minh để tích hợp công nghệ và hệ thống thông tin trong thế giới mạng.
Về dịch vụ, Bộ TT&TT đang tiến hành triển khai việc cấp phép trực tuyến trong 3 lĩnh vực: Tần số, Xuất bản, các ấn phẩm nhập khẩu nước ngoài. Nằm trong hợp phần thuộc tiểu dự án của Bộ TT&TT với sự điều phối của Ban Quản lí dự án - Bộ TT&TT, việc triển khai hệ thống quản lí cấp thị thực trực tuyến của Bộ Ngoại giao đã rút ngắn thời gian cấp phép cho du khách khi vào và ra khỏi Việt Nam.
Bộ cũng chú trọng khâu xây dựng những văn bản pháp luật có liên quan đến các ứng dụng CNTT-TT cụ thể, đảm bảo phù hợp theo Pháp luật Việt Nam và các tiêu chí/ tiêu chuẩn quốc tế khi giao dịch trên mạng ứng dụng toàn cầu.
12 Sở TT&TT địa phương cùng nâng cấp hiện đại hóa cơ sở hạ tầng
Để đảm bảo việc triển khai các ứng dụng CNTT-TT có hiệu quả, đồng bộ và thống nhất, trung tuần tháng 12/2012, Ban Quản lí dự án Phát triển CNTT-TT đã tổ chức Lễ kí kết gói thầu “Nâng cấp hiện đại hóa cơ sở hạ tầng CNTT cho các Sở TT&TT” - MIC 2.2 với Công ty Cổ phần dịch vụ công nghệ tin học HPT.
Theo ông Nguyễn Minh Hồng, Thứ trưởng Bộ TT&TT: “Lễ kí kết dự án này được khẩn trương triển khai trong 110 ngày, kết thúc vào ngày 30/4/2013. Gói thầu này giúp giải quyết những khó khăn về xây dựng cơ sở hạ tầng và thúc đẩy Chính phủ điện tử tại 12 địa phương Hải Phòng, Hưng Yên, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Điện Biên, Hà Giang, Phú Thọ, Đắc Nông, Bình Thuận, Kiên Giang, Hậu Giang”.
Tính đến thời điểm này, hạ tầng CNTT của 12 Sở TT&TT đã được nâng cấp và đưa vào sử dụng với những hiệu quả vô cùng to lớn.
Theo đà thành công của gói thầu MIC 2.2 thuộc Dự án Phát triển CNTT-TT tại Viêt Nam, tại Hà Giang, năm 2013, hạ tầng kĩ thuật CNTT đã tiếp tục được quan tâm triển khai, tỉ lệ máy tính trên cán bộ công chức tại các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố của Hà Giang đã đạt 85,6%; tỉ lệ máy tính kết nối Internet đạt 89,7%; hơn 90% cán bộ công chức được cấp hộp thư điện tử để trao đổi công việc; 100% các Sở, Ban, Ngành của tỉnh và 82% UBND các huyện, thành phố đã triển khai hệ thống quản lí văn bản và điều hành công việc.
Có thể nói, khi cán bộ Bộ TT&TT biết ứng dụng và vận hành thành thục, các hạng mục thuộc tiểu dự án được hiện thực hóa như đã nêu trên thì trong quá trình tác nghiệp, ứng dụng CNTT trong thực tế sẽ trở nên dễ dàng hơn khi trao đổi công việc, nắm bắt và giải quyết nhanh các nhiệm vụ công tác.
Điều đó khẳng định cách làm có mục tiêu rõ ràng, biết chọn trọng tâm trong việc ứng dụng CNTT-TT tại Bộ TT&TT cũng như các Sở liên quan, góp phần tô điểm thêm điểm sáng theo công thức 12 + 1 và khi có đủ điều kiện và kinh phí, việc đồng bộ trên cả nước sẽ cùng về một đích. Đó là những bước đi vững chắc, hướng tới hiện thực hóa lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam, phát triển nhanh và mạnh CNTT-TT Việt Nam, tiến tới bắt kịp và vượt các nước trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương.
Theo ICTnews
Bình luận