Trận mưa sao băng đầu tiên và lớn trong năm 2014 Quadrantids sẽ đạt cực điểm vào rạng sáng 4/1 với tần suất lên đến 50 vệt/giờ.
Theo anh Đặng Tuấn Duy, thành viên Câu lạc bộ thiên văn nghiệp dư TP HCM (HAAC), thời gian diễn ra trận mưa sao này là từ ngày 28/12 tới 12/1 hàng năm và cực điểm thường vào ngày 3 đến 4/1.
Theo đó, thời điểm quan sát tốt nhất trận mưa sao này trong năm 2014 là từ sau nửa đêm tới rạng sáng ngày 4/1/2014, nhìn về vùng trời hướng Bắc- Đông Bắc. Năm nay, mặt trăng sẽ lặn sớm, hoàn toàn không ảnh hưởng nhiều tới khả năng quan sát các vệt sao của trận mưa sao này.
Theo dự đoán, năm nay, khu vực quan sát tốt nhất trận mưa sao băng này là khu vực Đông Á trong khoảng vài giờ trước rạng sáng (2 giờ đến 5 giờ sáng).
Cũng theo theo anh Đặng Tuấn Duy, mưa sao băng Quadrantids diễn ra khi Trái đất trên quỹ đạo của nó đi ngang qua vùng đá bụi vật chất để lại bởi tiểu hành tinh 2003 EH1 (được quan sát lần đầu vào năm 1825, theo NASA). Dựa theo một số nghiên cứu, vật thể này có thể là một trong các mảnh còn sót lại của một sao chổi khi nó vỡ tan hàng thế kỷ trước, có thể là sao chổi C/1490 Y1 được quan sát năm 1490 bởi các nhà thiên văn học Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Dự đoán, tại các nơi quan sát gần xích đạo trên bắc bán cầu (như Việt Nam), xa các nơi vĩ độ Bắc cao, tần suất chỉ dao động khoảng 30-50 vệt sao băng/giờ, còn phía Nam xích đạo rất khó quan sát trận mưa sao này.
Một số lưu ý khi quan sát mưa sao băng từ HAAC:
- Luôn chú ý thời tiết, tránh xa nơi ô nhiễm sáng và khói bụi, chọn nơi quan sát trống hướng Bắc- Đông Bắc.
- Quan sát mưa sao băng là một hoạt động mà bạn chỉ cần dùng mắt thường bởi các sao băng di chuyển với vận tốc quá nhanh (vài chục km/s) để có thể được quan sát và theo dõi qua kính thiên văn hay thậm chí là cả ống nhòm. Cách tốt nhất để quan sát chúng là bạn phải mặc đủ ấm và nằm ngả lưng trên một ghế võng hay một chiếc ghế dài (trường kỷ) để có thể có một tầm nhìn rộng và bao quát nhất có thể lên bầu trời đêm.
- Không cần thiết bạn phải xác định tâm điểm xuất phát của trận mưa sao băng này nằm ở đâu, bởi các sao băng có thể được quan sát ở bất nơi nào trên bầu trời khi nó xuất hiện. Điều quan trọng nhất chỉ là bạn phải chờ tới khi tâm điểm này lên cao hơn so với chân trời mà thôi.
- Bạn sẽ thấy nhiều sao băng hơn sau nửa đêm do sự chuyển động của Trái đất. Hãy chắc rằng bạn đã bảo vệ mắt của mình khỏi ánh sáng trực tiếp (tránh nhìn ánh sáng trực tiếp) và để cho mắt có nhiều thời gian thích ứng bóng tối, ít nhất là 20 phút trước khi bắt tay vào quan sát.
Theo Người Lao Động
Bình luận