Theo luật sư Phạm Thành Long: Ngân hàng Đại chúng Việt Nam (PVcombank) hoàn toàn có thể kiện người sở hữu 3 tên miền gây nhầm lẫn nếu thỏa mãn 3 điều kiện.
PVcombank đang quản trị thương hiệu theo kiểu "Made in Vietnam"?
Có thể nói, thương hiệu được xem là tài sản vô hình, nó có thể chiếm hơn 60% giá trị tài sản của công ty. Khi uy tín thương hiệu càng cao, giá trị thương hiệu càng lớn. Việc các tập đoàn đa quốc gia đổ nhiều tiền vào chiến lược marketing nhằm quảng bá hình ảnh, giúp thương hiệu của mình mạnh hơn, định vị trong tâm trí người tiêu dùng sẽ tỉ lệ thuận với lượng khách hàng sử dụng dịch vụ hay sản phẩm đó rất nhiều.
Ông David Nguyễn, từng là chuyên viên tư vấn khối khách hàng doanh nghiệp JP Mogan Bank Úc nhận xét: “Quản lí tốt tên thương hiệu mình là 1 bài toán khó cho các doanh nghiệp nhưng có những quy tắc quản lí bất biến mà các doanh nghiệp nội vẫn cứng cổ không chịu thừa nhận mình đã không làm hoặc làm sai”.
Ông David Nguyễn đưa ra ví dụ về vấn đề bản quyền thương hiệu của các doanh nghiệp. Ở các tập đoàn đa quốc gia, khi họ hoạch định chiến lược thương hiệu, họ luôn xác định rõ ràng đó là tài sản có giá trị nhất, nên cấp thiết họ luôn phải bảo vệ hình ảnh sản phẩm hay thương hiệu bằng cách đăng kí tên thương hiệu và bằng sáng chế của họ ở mọi quốc gia mà họ hướng tới.
Điển hình như trường hợp của Apple khi cho ra đời sản phẩm iPad New, Apple đặt tên này để tạo ra sự khác biệt cho các các sản phẩm sau khi Steve Jobs rời ghế CEO mà không phải là iPad 3 như mọi người vẫn nghĩ. Trong khi có 1 người đã đang kí tên thương hiệu iPad 3 dù không phải tên sản phẩm chính của mình nhưng CEO vẫn kiện để đòi lại quyền lợi sử dụng tên iPad.
Khách hàng nước ngoài biết tới Legendee cofee của Trung Nguyên, nhưng khi vào website trên thì lại thấy đăng sản phẩm của Starbucks - hãng coffee đang cạnh tranh trực tiếp với Trung Nguyên tại Việt Nam. Điều này đã gây hiểu lầm cho sản phẩm và hình ảnh của Trung Nguyên rất nhiều.
Nguyễn Trọng Khoa cũng từng gây sóng gió rất nhiều khi lấy đi tên miền eurowindowholdings.com của Tập đoàn Eurowindow. Khi cả 2 không tìm được tiếng nói chung trong chuyện mua bán thì Tập đoàn này đã phải nhờ tới cơ quan có thẩm quyền để giải quyết với Khoa nhưng bất thành vì luật pháp Việt Nam chỉ cấm mua bán tên miền có đuôi.vn chứ không thể cấm mua bán tên miền quốc tế.
Gần đây, một ngân hàng khác cũng bị Nguyễn Trọng Khoa đăng kí mất một số tên miền có liên quan tới ngân hàng của mình. Đó là Ngân hàng Đại chúng Việt Nam của Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam, có website chính thức là PVcombank.com.vn. Ông Khoa đã đăng kí một số tên miền, trong đó có 3 tên miền khác gần tương tự với nhãn hiệu của ngân hàng này, dễ gây hiểu nhầm cho khách hàng gồm VietnamPublicBank.com, VPComBank.com, NganHangDaiChungVietnam.com.
Đáp lại cho sự nhắc nhở của báo giới và sự e ngại của người dùng thì ngân hàng này lại tuyên bố 3 tên miền này không có liên quan tới ngân hàng mình. Và ngân hàng Đại chúng cũng không có ý định lấy 3 tên miền này về dù Nguyễn Trọng Khoa đã có nhã ý tặng lại.
Theo ông David Nguyễn, điều này đã đặt ra câu hỏi lớn: “Nếu có đối tượng nào đó mua lại và dùng nó để làm xấu đi thương hiệu của ngân hàng này trong ngành tài chính thế giới thì sẽ thế nào? Nếu đối tượng nào đó dùng nó để lừa đảo và khai thác thông tin khách hàng của ngân hàng trên để rút tiền thì sẽ ra sao? Và ai là người chịu trách nhiệm cho những vấn đề trên? Hay ngân hàng này lại đổ lỗi cho khách hàng không chú ý tới nhận diện thương hiệu của ngân hàng trên?”.
Hiện tại, "trùm" tên miền Nguyễn Trọng Khoa đang rao bán 3 tên miền có liên quan tới ngân hàng PVcombank với mức giá 10 tỉ đồng.
Hét giá 10 tỉ đồng, trùm tên miền có nguy cơ bị kiện
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề trên, luật sư Phạm Thành Long (Văn phòng Luật Gia Phạm - 133 Thái Hà - Hà Nội) cho biết: Việc tên miền trùng tên nhãn hiệu trên thực tế đã xảy ra rất nhiều.
Ngân hàng Đại chúng Việt Nam (PVcombank) hoàn toàn có thể khởi kiện Nguyễn Trọng Khoa và khả năng thắng là có, nhưng cần đảm bảo 3 điều kiện:
Thứ nhất, PVcombank phải đăng kí nhãn hiệu hàng hóa cho thương hiệu của mình tại Việt Nam cũng như Thế giới, tức là có quyền và lợi ích hợp pháp liên quan tới nhãn hiệu, đồng nghĩa với việc nhãn hiệu phải đăng kí trước.
Thứ hai, nhãn hiệu trùng và gây nhầm lẫn với tên miền thì phải xem tên miền đó đăng kí vào thời gian nào, nó là tên miền loại gì. Trong trường hợp của ngân hàng PVcombank nêu trên, tên miền của Nguyễn Trọng Khoa là .com, đây là tên miền cấp 1, cấp quốc tế (Top-level Domain - TLD) thuộc cơ quan chủ quản là Công ty quản lí tên và số hiệu cấp phát Internet (Internet Corporation for Assigned Names and Numbers, viết tắt là ICANN). Cơ quan tổ chức quản lí tên miền này có một quy chế thống nhất để giải quyết tranh chấp tên miền quốc tế, đồng thời cũng là luật giải quyết tranh chấp tên miền. Tổ chức ICANN này lại thuộc sở hữu của tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới WIPO. Cơ quan giải quyết tranh chấp tên miền sẽ là cơ quan trọng tài thuộc WIPO.
Thứ ba, PVcombank cần chứng minh việc cá nhân Nguyễn Trọng Khoa chiếm hữu tên miền thương hiệu trùng lắp gây nhầm lẫn với thương hiệu mình là hành vi cạnh tranh không lành mạnh và ảnh hưởng không tốt đến thương hiệu.
“Khi thỏa mãn 3 yếu tố này, phía ngân hàng mới có quyền yêu cầu hủy hoặc chuyển đổi tên miền gây nhầm lẫn của Nguyễn Trọng Khoa. Yêu cầu cơ quan trọng tài của WIPO làm trọng tài giải quyết việc này. Còn nếu website của anh Khoa quảng bá hoặc đăng tải một thông tin khác không liên quan gì tới ngân hàng thì không sao cả” – luật sư Long nhấn mạnh.
Theo Lao động
Bình luận