Càng ngày càng có nhiều thiết bị hỗ trợ Wi-Fi Direct. Nhờ có công nghệ này, 2 thiết bị có thể kết nối trực tiếp với nhau một cách dễ dàng mà không cần tới bộ định tuyến hay các thiết bị mạng khác.

Khái niệm Wi-Fi Direct

Thông thường, trong ngôi nhà của bạn, bộ định tuyến (router) là trung tâm của mạng nội bộ. Điều đó có nghĩa rằng tất cả các thiết bị (smartphone, tablet, máy vi tính…) phải kết nối với bộ định tuyến để có thể liên lạc với nhau (và truy cập vào mạng Internet). Nếu không có bộ định tuyến, bạn sẽ không thể kết nối không dây giữa các thiết bị, hoặc phải thiết lập kết nối ngang hàng (ad hoc) cho các thiết bị này qua nhiều bước cài đặt phức tạp.

Wi-Fi Direct là câu trả lời cho vấn đề trên. Chuẩn Wi-Fi này cho phép 2 thiết bị có thể dễ dàng kết nối với nhau mà không cần trải qua nhiều bước cài đặt, không cần tới bộ định tuyến độc lập. Có thể bạn đã đang sử dụng một thiết bị Wi-Fi Direct mà chưa biết về công nghệ này. Các phiên bản Android từ 4.0 Ice Cream Sandwich trở lên đều có hỗ trợ Wi-Fi Direct, và ngay cả tính năng AirDrop trên iOS 7 cũng được xây dựng dựa trên chuẩn Wi-Fi Direct.

Ngoài ra, công nghệ phát sóng Wi-Fi từ smartphone cho các thiết bị khác truy cập Internet, hoặc công nghệ in không dây trên các máy in của bạn rất có thể đã được xây dựng dựa trên Wi-Fi Direct. Càng ngày, số lượng thiết bị hỗ trợ Wi-Fi Direct ngày càng xuất hiện nhiều trên thị trường.

Wi-Fi Direct giúp các thiết bị và phụ kiện có thể tự kết nối với nhau

Trong ảnh minh họa trên, bạn có thể thấy một mạng Wi-Fi có tên "DIRECT-roku-894". Bạn sẽ không thể truy cập vào mạng Wi-Fi này do không có mật khẩu. Thực tế, đây là mạng Wi-Fi Direct giữa đầu giải mã TV Roku và bộ điều khiển từ xa của đầu giải mã này. Khi điều khiển từ xa kết nối với đầu giải mã thông qua mạng "DIRECT-roku-894", mật khẩu sẽ được 2 thiết bị tự động trao đổi với nhau.

Như vậy, Wi-Fi Direct cho phép 2 thiết bị có thể kết nối trực tiếp với nhau thông qua mạng Wi-Fi mà không cần phải qua các bước cài đặt rườm rà. Bạn không phải nhập mật khẩu thủ công cho điều khiển và đầu giải mã, do kết nối được thực hiện hoàn toàn tự động. Quan trọng nhất, cả đầu giải mã và điều khiển từ xa đều không cần phải kết nối với bộ định tuyến để có thể liên lạc với nhau.

Các lợi ích khác của Wi-Fi Direct

Chuẩn phát màn hình không dây Miracast được xây dựng dựa trên Wi-Fi Direct. Rất tiếc, hiện tại Miracast chưa thực sự thành công, do các nhà sản xuất chưa đưa ra được nhiều thiết bị Miracast có khả năng tương thích.

Các phụ kiện cho máy vi tính như chuột, bàn phím hay máy in cũng có thể kết nối trực tiếp với máy vi tính mà không cần thông qua bộ định tuyến. Hiện tại, kết nối Wi-Fi đã có mặt trên rất nhiều thiết bị. Nếu Wi-Fi Direct trở nên phổ biến, chúng ta sẽ không cần tới các kết nối khác (như Bluetooth) và các đầu thu phát chuyên dụng để có thể kết hợp các thiết bị với nhau.

Cách hoạt động của Wi-Fi Direct

Wi-Fi Direct sẽ sử dụng nhiều chuẩn công nghệ khác để thực hiện nhiệm vụ của mình:

- Wi-Fi: Wi-Fi Direct sử dụng công nghệ Wi-Fi quen thuộc, vốn thường được sử dụng để kết nối máy vi tính và các thiết bị di động với các bộ định tuyến. Nếu có hỗ trợ Wi-Fi Direct, thiết bị của bạn sẽ có thể hoạt động như một bộ định tuyến thực thụ: Các thiết bị khác có thể kết nối trực tiếp tới mạng Wi-Fi do thiết bị này "làm chủ". Bạn có thể thực hiện kết nối ngang hàng (ad-hoc) giữa các thiết bị có hỗ trợ Wi-Fi với nhau, song kết nối ad-hoc tương đối phức tạp và khó sử dụng so với Wi-Fi Direct.

- Wi-Fi Direct Device and Service Discovery (Giao thức Phát hiện Thiết bị và Dịch vụ qua Wi-Fi Direct): giao thức này cho phép các thiết bị tìm và nhận diện các dịch vụ mạng và các thiết bị khác có hỗ trợ Wi-Fi Direct. Ví dụ, smartphone Galaxy S4 của bạn có thể tìm thấy danh sách tất cả các thiết bị thông minh có hỗ trợ Wi-Fi Direct ở gần, tất cả các máy in có hỗ trợ Wi-Fi v…v…

- Wi-Fi Protected Setup: Khi 2 thiết bị kết nối với nhau, chúng sẽ trải qua quá trình cài đặt có tên gọi WPS (Wi-Fi Protected Setup).

- WPA2: Wi-Fi Direct sử dụng mã hóa WPA2, loại mã hóa Wi-Fi mạnh nhất.

Wi-Fi Direct cũng có thể được gọi tên Wi-Fi P2P (peer-to-peer), do đây là một kết nối ngang hàng. 2 thiết bị có hỗ trợ Wi-Fi Direct sẽ kết nối không cần thông qua router.

Tương lai của Wi-Fi Direct?

Ngay từ bây giờ bạn đã có thể sử dụng Wi-Fi Direct hay chưa? Câu trả lời là tùy vào các thiết bị mà bạn đang sở hữu. Nếu các thiết bị và phụ kiện của bạn được trang bị Wi-Fi Direct, chúng sẽ tự sử dụng Wi-Fi Direct mà không cần tới sự trợ giúp của bạn.

Tuy vậy, hiện tại số lượng thiết bị hỗ trợ Wi-Fi Direct vẫn còn là khá ít. Ngoài ra, vấn đề tương thích cũng chưa được các nhà sản xuất giải quyết tốt. Ví dụ, 2 chiếc laptop của 2 nhà sản xuất khác nhau, cùng có kết nối Wi-Fi Direct vẫn chưa thể chia sẻ file một cách dễ dàng. Bạn cũng chưa có cách nào để có thể kết nối từ smartphone Android tới laptop Windows một cách tiện lợi theo đúng như mục tiêu ban đầu của Wi-Fi Direct cả.

Hiện tại, Wi-Fi Direct đã hoạt động khá tốt trên một số thiết bị, song chuẩn kết nối này vẫn còn một chặng đường dài mới có thể trở thành một tiêu chuẩn thực sự phổ biến và tiện dụng như Bluetooth. Cho dù mới chỉ hoạt động như mong đợi trên các thiết bị được thiết kế để tương thích với nhau (ví dụ như phụ kiện của cùng một nhà sản xuất), nhưng chúng ta hãy cùng chờ đợi chuẩn kết nối này trở nên phổ biến hơn trong tương lai.

Theo VnReview/How to Geek




Bình luận

  • TTCN (0)