Chỉ thực sự bùng nổ mạnh mẽ từ năm 2010 nhưng khái niệm máy tính bảng đã có từ khá lâu và được nhiều công ty theo đuổi như GRiD, Palm, Microsoft, Compaq...
The Dynabook (1968)
Dynabook không phải là một sản phẩm được hiện thực hóa nhưng đây có thể coi là ý tưởng đầu tiên liên quan đến máy tính bảng, thiết bị ngày nay đang rất được ưa chuộng. Vào năm 1968, Alan Kay đang làm việc tại Xerox PARC đã nảy ra ý định về một máy tính có hình dạng một chiếc bảng có cân nặng khoảng dưới 1,8 kg, giao tiếp qua màn hình cảm ứng và có bàn phím, kết nối Internet, giá khoảng 500 USD. Tuy không thực hiện được kế hoạch của mình nhưng Kay vẫn đang là người có ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của máy tính với vai trò thành viên tích cực của dự án One Laptop Per Child.
GRiDPad (1989)
Nhà phân tích Andrew Seybold từng cho rằng GRiDPad là một bước đột phá trong thiết kế máy tính vào năm 1989. Đây là sản phẩm của công ty GRiD Systems. Máy chạy hệ điều hành MS-DOS, hỗ trợ bút viết (kết nối bằng dây với máy), màn hình 10 inch đơn sắc và thời lượng pin khoảng 3 tiếng. Tuy nhiên, giá bán của nó lại quá cao, lên tới 2370 USD.
Tandy Zoomer (1992)
PDA là một phần quan trọng trong sự phát triển của máy tính bảng. Sau khi GRiDPad không đạt được thành công, kĩ sư của công ty là Jeff Hawkins vẫn tiếp tục theo đuổi dòng thiết bị này nhưng ở kích thước nhỏ hơn nhiều. Ông thành lập Palm Computing và theo đuổi dự án mới cùng với Tandy và Casio. Sản phẩm sau sự hợp tác này là Zoomer với kiểu dáng khá nhỏ gọn. Tuy nhiên, Jeff cùng các cộng sự của mình vẫn chưa thể đưa ra lí do thực sự hợp lí khiến người dùng bỏ tiền sắm một thiết bị tính toán dựa trên bút bất tiện vào thời điểm đó.
Apple Newton MessagePad (1993)
John Sculley, Giám đốc điều hành của Apple trong những năm 1990 đã đặt ra cụm từ Personal Digital Assistant (PDA) để mô tả Newton MessagePad. Thiết bị cầm tay dạng này đã xuất hiện một năm sau khi ý tưởng được công bố với bộ vi xử lí ARM 610 tốc độ 20 MHz, RAM 640K và màn hình độ phân giải 336 x 240 pixel.
Nhiều chuyên gia cho rằng nền tảng Newton của Apple đã đi trước thời đại dù chưa đạt được những thành công đáng kể. Nó đánh dấu sự khởi đầu của kỉ nguyên PDA và kết thúc tạm thời cho tham vọng của thiết bị kiểu máy tính bảng.
Microsoft Tablet PC (2000)
Thiết bị chào đón thiên niên kỉ mới của Microsoft thực ra không ấn tượng bằng những phát biểu của Bill Gates sau khi tung nó ra thị trường vào năm 2002. Người đứng đầu hãng phần mềm Mỹ dự đoán máy tính bảng là một máy tính không có giới hạn và trong vòng 5 năm, đây sẽ là sản phẩm máy tính phổ biến nhất bán ra tại Mỹ. Bill Gates đúng khi nói về tương lai của tablet nhưng ít nhất phải tới năm 2010, người ta mới thấy sự bùng nổ của tablet nhờ iPad.
Sự sai lầm về thời điểm của ông một phần là bởi những nhận định sai về hướng phát triển cũng như sự thay đổi của người dùng. Gates cho rằng Tablet PC phải là thiết bị chính, thay thế hoàn toàn các máy tính trên bàn làm việc và chạy hệ điều hành Windows đầy đủ. Thực tế hiện nay cho thấy tablet phần nhiều được dùng cho các nhu cầu giải trí.
Compaq TC1000 (2003)
Tiên đoán của Bill Gates không thành hiện thực nhưng lúc đó, nhiều người cũng tin rằng thời của máy tính bảng đã đến. Đó là kho Compaq ra mắt TC1000 với kiểu dáng khá đẹp, màn hình cảm ứng 10,4 inch có thể tháo rời. Tuy nhiên, nó khá nặng, cồng kềnh, chỉ sử dụng để lướt web và hiệu suất là tệ hại.
Amazon Kindle (2007)
Trong khi người tiêu dùng chờ đợi một máy tính bảng có thể sử dụng với nhiều tiện ích như máy tính, Amazon chọn hướng riêng khi ra mắt Kindle. Hãng sau đó đã chứng minh được rằng, đây là mô hình thích hợp cho sự phát triển của sách điện tử với màn hình chống lóa tốt, đọc sách không kém sách vật lí. Kindle cũng có các phiên bản phần mềm cho nền tảng khác nên người dùng có thể đọc sách của mình trên nhiều thiết bị khác nhau.
Apple iPad (2010)
Apple cho ra mắt iPad vào tháng 4/2010 với màn hình hiển thị 9,7 inch, pin 10 tiếng và bộ xử lí A4 tốc độ 1 GHz và truy cập vào kho ứng dụng lớn nhất thế giới. Nhận được nhiều dấu hỏi lớn của giới chuyên gia trong lễ ra mắt nhưng cuối cùng sản phẩm lại được người tiêu dùng đón nhận nhiệt tình nhờ khả năng làm tốt mọi tính năng mà nó hỗ trợ mà quan trọng nhất là giải trí.
iPad có thể coi là sản phẩm định nghĩa lại máy tính bảng một cách toàn diện nhất và gặt hái được nhiều thành công nhất trong lịch sử. Sau gần 4 năm, dòng sản phẩm này vẫn giữ ngôi vương chắc chắn và giúp thị trường máy tính bảng vượt qua máy tính xách tay truyền thống.
Samsung Galaxy Note 10.1 2014
Trong các nhà sản xuất tham vọng lật đổ iPad, Samsung luôn tỏ ra là đối thủ đáng gờm nhất. Ngay năm 2010 khi iPad ra mắt, thay vì cạnh tranh trực tiếp như HP, Archos bằng các sản phẩm tương tự... Samsung chọn cách ra mắt Galaxy Tab kích thước nhỏ gọn và đã đạt được những thành công nhất định.
Note 10.1 phiên bản 2014 là một bước tiến lớn của Samsung trong việc tìm hướng đi riêng trên thị trường máy tính bảng. Sau nhiều thập kỉ bút cảm ứng xuất hiện, S Pen của Samsung tỏ ra xuất sắc và hữu dụng vượt trội với nhiều tính năng hấp dẫn. Ngoài ra, khả năng hỗ trợ đa nhiệm và hoạt động 2 cửa sổ cùng lúc, sản phẩm đã giúp mở ra một kỉ nguyên mới khi tablet đã có thể hỗ trợ công việc tốt hơn, trở thành thiết bị cá nhân đúng nghĩa thay vì chỉ hỗ trợ giải trí như trước đây.
Theo Số Hoá
Bình luận