Trong khi hệ điều hành iOS 7 đã được Apple tùy chỉnh và tối ưu hóa để có thể tương thích hoàn toàn với hệ sinh thái 64 bit, thì Android có vẻ như vẫn chưa được trang bị gì nhiều.

Thậm chí ngay cả khi iPhone 5s trở thành chiếc smartphone đầu tiên trên thế giới sử dụng vi xử lí 64 bit thì Google vẫn tỏ ra khá im hơi lặng tiếng về kế hoạch nâng cấp cho thế hệ smartphone kế tiếp của mình.

Google liệu thật sự chậm chân hơn đối thủ hay đây chỉ là chiêu bài “lùi một bước để tiến hai bước”? Liệu Google có thể bắt kịp bước tiến “64 bit” của Apple hay không?

1. Bước đệm chuyển mình vững chắc

Nhiều người tỏ ra lo lắng khi Google chưa hề tung ra bất kì một động thái nào để nhập cuộc sau khi bị Apple “vượt mặt”. Tuy nhiên, người khổng lồ tìm kiếm lại có một lợi thế rất lớn mà rõ ràng là Apple không thể coi thường: Android được xây dựng trên cơ sở vững chắc là Linux, và ắt hẳn ai cũng biết rằng Linux đã hỗ trợ 64 bit từ lâu. Nói cách khác, xuất phát điểm của Google hoàn toàn không phải là con số 0 và việc bắt kịp bước tiến 64 bit của Apple chẳng phải là quá khó đối với người khổng lồ tìm kiếm.

Không những thế, Android còn nhanh chóng nhận được sự ủng hộ từ phía các nhà sản xuất phần cứng. Phát súng đầu tiên phải kể đến hãng sản xuất di động Hàn Quốc Samsung. Chỉ vài ngày sau khi Apple trình làng thành tựu mới, CEO JK Shin đã chính thức xác nhận việc Samsung sẽ bắt đầu sử dụng vi xử lí 64 bit trên thế hệ smartphone cao cấp tiếp theo của mình vào năm 2014 với dòng chip cao cấp mới mang tên Exynos 64 bit.

Hiện tại, các nhà sản xuất vi xử lí nổi tiếng thế giới như Qualcomm, Nvidia hay Broadcom cũng đang nỗ lực chạy nước rút nhằm mang lại giải pháp 64 bit đến với Android sớm nhất có thể.

2. Nhiệm vụ khó khăn của Google

Các ứng dụng dành cho Android đều chạy trên cơ sở máy ảo Dalvik, và mới đây là ART, nên nếu Google không muốn để rơi miếng bánh béo bở mang tên “thị phần smartphone” vào tay Apple thì nhiệm vụ cấp thiết nhất mà ông lớn này phải làm ngay lúc này chính là nâng cấp “máy ảo” lên phiên bản hỗ trợ điện toán 64 bit.

Apple kiểm soát rất tốt iOS và công cụ phát triển ứng dụng nên ông lớn di động này có thể dễ dàng nâng cấp hệ sinh thái của mình lên thành 64 bit trong thời gian ngắn một cách đáng ngưỡng mộ. Đây chính là điều mà Google cần học hỏi thêm nếu muốn nhanh chóng bắt kịp xu thế này.

Cả Dalvik và ART đều đươc xây dựng trên cơ sở 32-bit và thực tế là các ứng dụng Android hiện nay đều được viết dành riêng cho hệ sinh thái này. Điều đáng mừng là các ứng dụng này hoàn toàn có thể chạy được trên con chip 64 bit, chỉ có điều không được tối ưu hóa mà thôi. Nói cách khác, trước khi được trải nghiệm các ứng dụng dành riêng cho hệ thái mới thì người dùng Android vẫn có thể tiếp tục tận dụng được kho ứng dụng khổng lồ trên Google Play Store.

Trong thời gian đó, các lập trình viên sẽ phải nhanh chóng viết lại các ứng dụng để khai thác khả năng của CPU 64 bit. Chuyện đó không phải là quá khó nhưng cần phải có thời gian, dù là về phía Apple hay Google.

3. Con đường đầy chông gai

Khi mới ra mắt, không ai nghĩ “rô bốt màu xanh lá cây” lại có thể giành được danh hiệu quán quân trên đấu trường di động. Để có được vị thế vững chắc như bây giờ, hệ điều hành này đã phải trải qua rất nhiều lần cập nhật để dần dần cải tiến, bổ sung các tính năng mới và sửa các lỗi trong những lần phát hành trước nhằm mang đến trải nghiệm tốt nhất cho người dùng.

Khó khăn thật sự mà Google phải đối mặt hiện nay cũng giống như lúc mới ra mắt: làm thế nào để các nhà phát triển cũng như các công ty sản xuất phần cứng tuân theo lộ trình có lợi nhất cho sự phát triển của hệ điều hành Android? Trong thời đại mà công nghệ phát triển nhanh một cách chóng mặt như hiện nay, rõ ràng là các nhà sản xuất phần cứng sẽ không đời nào chịu ngồi yên chờ cho Google từ từ hoàn thiện Android 64 bit rồi mới tung ra các phần cứng hỗ trợ.

Tuy nhiên, nếu hệ điều hành chưa được nâng cấp lên phiên bản hỗ trợ 64 bit thì việc nhồi nhét vi xử lí 64 bit vào những chiếc smartphone sắp ra lò chẳng khác nào một chiêu trò marketing nhằm tăng doanh số. Air Gestures, Face Unlock hay Siri đều là những cái tên được tung hô và quảng bá rầm rộ nhưng khi thật sự trải nghiệm thì lại chẳng mấy gây được ấn tượng mạnh mẽ cho người dùng.

Nói cách khác, chúng ta cần cả phần cứng và phần mềm để đảm bảo rằng khi các điện thoại 64 bit đầu tiên xuất hiện, hệ điều hành Android đã sẵn sàng để được tích hợp trên chúng. Và sự thật là nếu không thể đồng thời nâng cấp cả hai một cách đồng bộ thì kết quả sẽ chẳng khác gì một sự khập khiễng kệch cỡm.

4. Khi nào sẽ có Android 64 bit?

Đây là thắc mắc chung của tất cả người dùng Android khi Qualcomm, Nvidia, Broadcom và Samsung đều đã lần lượt tuyên bố sản xuất vi xử lí 64 bit hỗ trợ Android. Tính đến thời điểm hiện tại thì chưa có bất kì một thông tin nào về việc Google đã hoàn thiện phiên bản 64 bit của Android để đáp ứng nhu cầu này.

Tuy nhiên, CPU 64 bit đang dần trở thành xu thế chủ đạo trên các smartphone cao cấp và chắc chắn Google sẽ không thể cho phép mình đứng ngoài làn đua quá lâu. Rất có thể là các tín đồ công nghệ sẽ nhanh chóng được trải nghiệm một chiếc Nexus 64 bit với hiệu năng sử dụng tuyệt vời trong năm 2014 này.

Theo Genk




Bình luận

  • TTCN (0)