Theo khảo sát về các rào cản trong triển khai IPv6, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nhập khẩu thiết bị mạng cho rằng việc triển khai IPv6 vẫn gặp nhiều rào cản. Cơ quan quản lý chưa có hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan và các chính sách ưu đãi rõ ràng, cụ thể đối với hoạt động sản xuất và nhập khẩu thiết bị tương thích với IPv6. Các doanh nghiệp nội dung số cho biết rào cản trở lớn nhất là sự không tương thích với IPv6 trong các ứng dụng phần mềm, trong khi tỷ lệ phần mềm do doanh nghiệp tự phát triển chiếm tới trên 50% tổng số lượng phần mềm trong các hệ thống CNTT-TT.
Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 Quốc gia cho biết hiện tại VNPT vẫn chưa có kế hoạch triển khai thử nghiệm IPv6 cho dịch vụ truy cập, mà chỉ mới hỗ trợ IPv6 cho website vnpt.com.vn và mic.gov.vn của Bộ TT&TT. Tháng 10/2013, VNPT đã triển khai IPv6 trên mạng lưới thực tế quy mô nhỏ để đánh giá hiệu năng thiết bị và các tính năng khác như xác thực, tính cước.
Các doanh nghiệp lớn khác như FPT Telecom hay Viettel cũng đã có các hoạt động thử nghiệm và triển khai IPv6. Viettel được đánh giá là một trong những doanh nghiệp viễn thông - CNTT đi đầu về triển khai IPv6 tại Việt Nam. Viettel đã kết nối đến mạng IPv6 quốc gia và đang duy trì kết nối đến 9 đối tác quốc tế gồm HKIX, AKAMAI, HE, Google, Microsoft, Yahoo… Viettel đã cung cấp thử nghiệm các dịch vụ kết nối IPv6 ở mức độ thử nghiệm cho 1.000 thuê bao ADSL chạy song song cả IPv4 và IPv6, 1.000 thuê bao USB 3G chạy IPv6 tại Hà Nội. Trong năm 2013, Viettel đã nâng cấp hệ thống thiết bị phân mạng truy nhập của các dịch vụ băng rộng có dây và dịch vụ 3G để hỗ trợ IPv6.
FPT Telecom đã thiết lập, duy trì 10 kết nối IPv6 đến các đối tác cung cấp dịch vụ quốc tế như Tata, Yahoo, Google,… và kết nối đến mạng IPv6 Quốc gia. Hiện toàn bộ hệ thống truyền tải mạng đã triển khai xong việc chạy song song IPv4 – IPv6, chuẩn bị 1 lượng thiết bị đầu cuối phù hợp để có thể sẵn sàng triển khai cho khách hàng băng rộng, FTTX ngay khi có nhu cầu. Về dịch vụ nội dung, FPT Telecom đang hỗ trợ chuyển đổi sang IPv6 đối với các dịch vụ nội dung số như website vnexpress.net và 1 số trò chơi trực tuyến.
Netnam đã sẵn sàng cung cấp dịch vụ truy cập Internet IPv6 nếu khách hàng có nhu cầu sau khi đã kết nối IPv6 tới mạng IPv6 Quốc gia tại Hà Nội và TP.HCM với dung lượng 2Gbps và băng thông trung bình giờ hành chính đạt 50Kbps; kết nối thuần IPv6 tới NTT Hồng Kông với dung lượng 1Gbps và băng thông quốc tế trung bình trong giờ hành chính đạt 5 Mbps.
Nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai IPv6 tại Việt Nam, Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 Quốc gia dự kiến năm 2014 sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp Internet xây dựng kế hoạch, lộ trình triển khai IPv6 phù hợp và kiểm tra tình hình chuyển đổi sang IPv6 trong mạng lưới, dịch vụ tại các doanh nghiệp. Ban công tác cũng sẽ xúc tiến công tác nghiên cứu, lên phương án xây dựng phòng đo kiểm để chứng nhận thiết bị sản phẩm hỗ trợ IPv6 tại Việt Nam, triển khai chương trình công bố chứng nhận IPv6 Ready Logo cho các sản phẩm, dịch vụ. Ngoài ra, sẽ tập trung xây dựng, ban hành bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn về IPv6, điều chỉnh bổ sung vào Kế hoạch hành động quốc gia mảng nội dung dành cho doanh nghiệp sản xuất thiết bị, phần mềm và cung cấp nội dung số nhằm tạo hiệu ứng đồng bộ trong triển khai thúc đẩy phát triển IPv6.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng nhấn mạnh lộ trình triển khai IPv6 không chỉ có sự tham gia của các doanh nghiệp mà cần có cả sự đồng tình, hỗ trợ của người sử dụng trong các cơ quan, doanh nghiệp cũng như người dùng cá nhân. Chẳng hạn trong các cơ quan Nhà nước thì đội ngũ cán bộ công nhân viên cũng phải nắm được kiến thức cơ bản về IPv6. Thời gian tới cần đặt ra những mốc thời gian và mục tiêu cụ thể và đẩy mạnh công tác tuyên truyền để tăng tốc triển khai IPv6 tại Việt Nam.
Theo báo cáo của Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 Quốc gia, hiện tại mạng IPv6 Quốc gia đang được duy trì với 10 ISP đã kết nối tới hệ thống trung chuyển lưu lượng kết nối Internet trong nước (VNIX) và hàng chục hướng kết nối đi quốc tế. Thống kê năm 2013, tỷ lệ truy vấn bản ghi IPv6 trên hệ thống máy chủ tên miền quốc gia (DNS) là 17,6%, tăng 4,2% so với năm 2012.
Theo ICTNews
Bình luận