Sẽ có cách sạc không dây hiện đại hơn.

Đây là một công nghệ mang tính đột phá và hứa hẹn sẽ thay đổi hoàn toàn cách thức sạc pin thông thường.

Sạc không dây không còn là một khái niệm quá đỗi xa lạ đối với các tín đồ công nghệ. Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất còn tồn tại của công nghệ này chính là vấn đề về khoảng cách sạc. Các công cụ sạc không dây chuẩn Qi hiện nay hoạt động dựa trên cơ chế cảm ứng điện từ để truyền tải điện năng, vì thế phạm vi hoạt động khá hạn chế và thường thì thiết bị phải được đặt cố định lên trên tấm sạc. Có thể nói, đây chưa hẳn là một bước cải tiến vượt bậc so với việc sử dụng dây sạc hay cáp USB thông thường.

Tin vui dành cho các tín đồ công nghệ khi đại học Duke vừa phát triển thành công một loại siêu vật liệu mới với cấu trúc “siêu thấu kính” giúp cho các thiết bị di động có thể được sạc không dây ở khoảng cách xa hơn gấp nhiều lần. Siêu thấu kính sử dụng trong nghiên cứu này có đường kính 2 cm và được tạo nên từ loại siêu vật liệu có khả năng vượt qua giới hạn truyền dẫn năng lượng thông thường. Theo đó, điện năng truyền tải trong quá trình sạc không dây có thể đi xa hơn gấp 12 lần đường kính của siêu thấu kính. Nói cách khác, nếu đường kính của siêu thấu kính được tăng lên thành 5 cm, khoảng cách truyền dẫn có thể lên tới 60 cm.

Đây là một công nghệ mang tính đột phá và hứa hẹn sẽ thay đổi hoàn toàn cách thức sạc pin thông thường. Trong tương lai, rất có thể các tấm sạc này sẽ được phát triển một cách toàn diện hơn, thậm chí là tích hợp luôn vào mặt bàn để giúp người dùng có thể sạc điện thoại mọi lúc mọi nơi, dù là đang trong phòng làm việc hay ngồi cùng bạn bè ở quán café. Nếu điều này trở thành hiện thực, chúng ta sẽ không còn phải bực mình vì đang chơi game hay nghe nhạc mà phải tạm dừng để cắm sạc cho dế yêu.

Theo Genk/ExtremeTech




Bình luận

  • TTCN (0)