Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng CNTT Việt Nam 2014 được dự đoán sẽ tăng trưởng, bên cạnh đó vấn đề bảo mật cũng trở nên hết sức cấp thiết.

Khó nhưng vẫn có cơ hội cho doanh nghiệp CNTT

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT:

Năm 2014, tình hình kinh tế nhiều khả năng sẽ tiếp tục đi ngang. Mặc dù vẫn vẫn có nhiều cơ hội tăng trưởng cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT, đặc biệt là ở mảng cung cấp các dịch vụ theo xu hướng công nghệ mới.

Tại Việt Nam, ngành CNTT đang đứng trước cơ hội trở thành phương thức phát triển mới của đất nước, bất cứ đề án phát triển nào cũng đều dành ngân sách cho CNTT như giáo dục, giao thông ... Đây thực sự là một thị trường hết sức hấp dẫn.

Tuy nhiên khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn nhân lực còn rất thiếu, đặc biệt là đội ngũ chuyên gia công nghệ và chuyên gia công nghệ thông tin trong các lĩnh vực chuyên biệt như tài chính ngân hàng, bảo hiểm, tự động hóa...

Thị trường điện máy vẫn gặp nhiều khó khăn

Ông Đinh Anh Huân, Tổng Giám đốc Dienmay.com:

2013 là năm thị trường điện máy hầu như không tăng trưởng trong khi các nhà bán lẻ cạnh tranh nhau rất khốc liệt. Sức mua giảm mạnh do người tiêu dùng đã tiết kiệm chi tiêu nhiều hơn. Thị trường cũng phải chứng kiến nhiều doanh nghiệp phá sản hoặc khai tử bớt địa điểm bán hàng trong hệ thống.

Sang năm 2014, với tình hình kinh tế như hiện nay, người dân sẽ càng tiết kiệm hơn trong mua sắm vì vậy theo nhận định chung cũng không có gì khả quan, thị trường điện máy sẽ gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới.

Thương mại điện tử trên di động sẽ lên ngôi

Ông Trần Trọng Tuyến, Giám đốc Bizweb Việt Nam

Trong năm 2014, thương mại điện tử trên thiết bị di động sẽ phát triển mạnh, người tiêu dùng có thể mua sắm, sử dụng các dịch vụ dễ dàng hơn hiện nay. Quy mô của thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam sẽ bùng phát mạnh mẽ cùng xu thế chung của thế giới.

Các dịch vụ điện toán đám mây sẽ rất phát triển, đặc biệt là thương mại điện tử trên thiết bị di động, chỉ với một chiếc điện thoại thông minh người tiêu dùng có thể mua sắm, sử dụng các dịch vụ dễ dàng.

Nguy cơ hacker tấn công theo DDoS vẫn cao

Ông Vũ Quốc Khánh, Giám đốc VNCERT

Ông Khánh khẳng định Việt Nam phải chuẩn bị tổng lực cả về chính sách, biện pháp kĩ thuật, tổ chức để đối phó với nguy cơ DDoS trong năm 2014. Việc hacker tấn công theo phương thức DDoS là không thể loại trừ.

Còn nhớ, năm 2012, hàng loạt các tờ báo lớn trong nước như Tuoitre, VietNamNet, Dantri bị tấn công với cường độ cao, khiến các website này bị tê liệt. Tác vụ thông thường mà các botnet thực hiện bao gồm gửi thư rác hàng loạt, tấn công DDoS và gián điệp thông tin cá nhân hàng loạt.

Theo thông tin từ VNCERT hiện có ít nhất khoảng 500.000 - 1.000.000 máy tính tại Việt Nam đang bị lây nhiễm mã độc và nằm trong các mạng botnet toàn cầu.

Giá trị toàn thị trường CNTT và viễn thông sẽ đạt 13 tỉ USD

Ông Hà Ngọc Khương, Chuyên viên phân tích của IDC Việt Nam

Theo đó, chi tiêu cho CNTT và viễn thông trong năm 2014 sẽ tăng lên 15,5% và giá trị toàn thị trường CNTT và viễn thông sẽ đạt 13 tỉ USD. Nếu điều này trở thành hiện thực thì Việt Nam sẽ được xếp vào hàng các quốc gia chi tiêu nhiều nhất cho CNTT viễn thông tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Ông Khương cho rằng kinh tế sẽ tiếp tục khó khăn nhưng các doanh nghiệp sẽ tiếp tục tăng đầu tư cho CNTT và viễn thông nhằm gia tăng sức cạnh tranh của mình. Ngoài ra, các doanh nghiệp đang có xu hướng chuyển đổi quản trị trên nền CNTT nhiều hơn.

Smartphone giá rẻ lên ngôi

Ông Ngô Nguyên Kha, Giám đốc điều hành Mobiistar

Trong năm 2013 vừa qua, sự cạnh tranh trên thị trường điện thoại rất khắc nghiệt và điều này sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2014. Mặc dù vậy xu hướng người dùng đã bắt đầu chuyển từ điện thoại phổ thông sang smartphone sẽ mở ra nhiều cơ hội để thị trường này tăng trưởng trong năm mới.

Dự đoán smartphone giá rẻ ở mức dưới 2 triệu đồng sẽ có sự cạnh tranh khốc liệt nhất trong thời gian tới. Một mặt các hãng điện thoại sẽ liên tục hạ giá sản phẩm của mình, mặt khác nhiều mẫu smartphone giá rẻ như trên sẽ được tung ra. Khi đó, thậm chí chỉ với 1,2 triệu đồng người dùng đã có thể sở hữu một chiếc smartphone.

Thị trường bán lẻ công nghệ vẫn khó khăn

Ông Nguyễn Đức Tài, Tổng giám đốc Thegioididong

Tiếp tục tình trạng của 2013, ông Tài nhận định năm 2014 thị trường bán lẻ hàng công nghệ vẫn sẽ rất khó khăn. Bên cạnh lí do người dùng bắt đầu thắt chặt chi tiêu thì thói quen mua sắm cũng dần thay đổi. Giá và dịch vụ khách hàng là hai yếu tố được khách hàng quan tâm hàng đầu. Và đây cũng sẽ là những điểm cạnh tranh chính của các nhà bán lẻ trong năm nay.

Ảnh
nguyen duc tai

Tuy thị trường sẽ gặp khó khăn chung nhưng ông Tài cho biết cơ hội tăng trưởng là vẫn có. Trong năm 2014, Thegioididong sẽ triển khai mô hình bán lẻ tại các vùng nông thôn và vùng xa, nơi mà người tiêu dùng đã bắt đầu chi tiêu nhiều hơn cho các mặt hàng công nghệ, đặc biệt là điện thoại.

Phần mềm gián điệp sẽ là xu hướng trong năm 2014

Ông Ngô Tuấn Anh, Phó chủ tịch phụ trách An ninh mạng Bkav

Phát tán vi rút đã thực sự trở thành một ngành "công nghiệp" trong hoạt động gián điệp năm 2013. Hoạt động gián điệp này không chỉ tồn tại ở những nước phát triển như Mỹ, Đức, Pháp… mà còn hiện hữu ngay tại Việt Nam.

Trong năm qua, theo ghi nhận của Bkav, phần mềm gián điệp đã xuất hiện tại hầu hết các cơ quan quan trọng từ các cơ quan Chính phủ, Quốc hội tới Bộ Quốc phòng, Bộ Công an hay các ngân hàng, viện nghiên cứu, trường đại học… Các phần mềm gián điệp này lợi dụng lỗ hổng an ninh trong file văn bản (Word, Excel, PowerPoint) để phát tán.

Cuối năm 2013, việc lợi dụng các file văn bản để cài phần mềm gián điệp đã tiến thêm một bước, không cần thông qua lỗ hổng mà chuyển sang sử dụng hình thức phishing. Mã độc ẩn dưới hình thức 1 ảnh thu nhỏ được nhúng trực tiếp vào file văn bản. Để đọc nội dung, chắc chắn người dùng sẽ click để mở ảnh lớn hơn, như vậy sẽ kích hoạt mã độc.

Ông Ngô Tuấn Anh cho biết: “Với hình thức này, bất kì máy tính nào cũng sẽ bị cài phần mềm gián điệp mà không cần lỗ hổng. Phishing để cài đặt phần mềm gián điệp sẽ được sử dụng rộng rãi và sẽ là xu hướng trong năm 2014”.

Theo VTC




Bình luận

  • TTCN (0)