Theo phân tích của một bài viết trên tạp chí Forbes, Google là người “được” thực sự trong cơn sốt Flappy Bird trên toàn cầu vừa qua.
Vào lúc khoảng 1h sáng 10/2 theo giờ Việt Nam, trò chơi gây sốt toàn cầu Flappy Bird đã bị tác giả là lập trình viên Nguyễn Hà Đông rút xuống khỏi 2 gian ứng dụng dành cho hệ điều hành iOS và Android. Việc “khai tử” Flappy Bird đã được Nguyễn Hà Đông thực thi đúng 24 tiếng kể từ khi anh bất ngờ lên tiếng thông báo về việc này.
Trong vòng mấy tuần ngắn ngủi vừa qua, Flappy Bird là một hiện tượng được nhắc đến khắp thế giới. Mức độ “nổi như cồn” của trò chơi này đem về cho Nguyễn Hà Đông mức thu nhập 50.000 USD mỗi ngày, và rất nhiều nhà lập trình khác đang nỗ lực học theo cách làm của anh nhằm gặt hái thành công tương tự.
Còn có rất nhiều điều “bí ẩn” chưa thể lí giải cặn kẽ xung quanh thành công của Flappy Bird. Chẳng hạn, điều gì đã thực sự đưa trò chơi một năm tuổi này lên đầu bảng các ứng dụng được tải nhiều nhất trên App Store và Google Play. Tuy nhiên, có một điều rõ ràng là Flappy Bird đúng là một “cỗ máy in tiền” cho tác giả của nó.
Và không chỉ “in tiền” cho Nguyễn Hà Đông, Flappy Bird còn đem tới vận may lớn cho Google.
Bài viết trên Forbes đánh giá rằng, Flappy Bird giống như một “tia chớp” làm cả thế giới lóe sáng, tạo ra một “người hùng”, và thu hút vô số các nhà lập trình tin tưởng sẽ tạo ra được một “chú chim” khác. Nhưng nhiều khả năng sẽ không ai lặp lại được thành công như Nguyễn Hà Đông, và họ sẽ bỏ cuộc với thu nhập ít ỏi từ quảng cáo hiển thị trong trò chơi sau thời gian miệt mài phát triển và quảng bá trò chơi của mình.
Và đây chính là lí do vì sao mà Flappy Bird lại quan trọng tới vậy đối với mảng quảng cáo hiển thị trên di động của Google, và đó là lí do vì sao mà tác giả bài viết lại tin rằng, “gã khổng lồ” tìm kiếm là “người thắng” thực sự trong thế giới của chú chim Flappy.
Google không công bố cụ thể tỉ lệ ăn chia doanh thu của dịch vụ quảng cáo AdSense trên di động. Tuy nhiên theo những gì được Google công bố,với dịch vụ AdSense nói chung, bên xuất bản được hưởng 68% về nội dung và 51% về tìm kiếm.
Sẽ là hợp lí nếu cho rằng, đối với quảng cáo AdSense trên di động, tỉ lệ “ăn chia” cũng là tương tự, và Google kiếm được số tiền ngang ngửa với Nguyễn Hà Đông từ Flappy Bird. Trong dài hạn, thậm chí Google còn “bỏ túi” nhiều hơn thế nhờ trò chơi này.
Đến nay đã có rất nhiều trò chơi “bắt chước” Flappy Bird trên các gian ứng dụng dành cho tất cả mọi hệ điều hành. Các game này đều đi theo công thức mà Nguyễn Hà Đông đã áp dụng với Flappy Bird, và đều có quảng cáo hiển thị đi kèm. Mặc dù những ứng dụng này đều khó có khả năng đem về doanh thu hàng triệu, thậm chí là hàng chục nghìn USD, nhưng Google vẫn sẽ đều có phần của mình từ bất kì game nào.
Nếu cộng lại tất cả những khoản tưởng chừng như nhỏ nhặt đó, có thể thấy Google sẽ được nhận một khoản không hề nhỏ.
Và thậm chí quan trọng hơn đối với lĩnh vực quảng cáo của Google, Flappy Bird đã tạo ra một câu chuyện kì diệu về việc một nhà lập trình đơn lẻ với một banner quảng cáo có thể trở nên giàu có và không cần phải làm việc thêm một ngày nào nữa nếu anh ta muốn như vậy. Nhưng thực tế có thể sẽ khó khăn hơn rất nhiều đối với các lập trình viên làm việc “tại gia”.
Câu chuyện về Flappy Bird đã khép lại với hàng nghìn lập trình viên công bố những ứng dụng dễ dùng và sử dụng quảng cáo hiển thị trong trò chơi để làm nguồn thu. Điều mà Google quan tâm không phải là ai trong số các lập trình viên này sẽ thành công, thay vào đó, Google chỉ quan tâm tới việc dịch vụ quảng cáo trên di động của mình ngày càng được mở rộng. Rồi đến một lúc nào đó, sẽ có một tác giả game thắng lớn, một cơn sốt mới được tạo ra, một làn sóng game và ứng dụng nữa được hình thành cho Android và iOS, và tất cả đều sử dụng Mobile AdSense.
Trong khi tất cả những lập trình viên giàu mơ ước cùng nỗ lực làm việc, Google sẽ tập hơn tất cả mọi nỗ lực của họ, “gọt” lấy tỉ lệ phần trăm doanh thu từ tất cả các ứng dụng từ chật vật nhất, và “bỏ túi” những khoản lớn.
Flappy Bird có thể đã “chết”, nhưng cuộc chơi lợi nhuận cho Google mà nó tạo ra mới chỉ thực sự bắt đầu.
Theo VnEconomy
Bình luận