"Mọi người vẫn thích những thứ không hoàn hảo", Nguyễn Hà Đông, tác giả của tựa game đình đám nhất thời gian qua Flappy Bird đã chia sẻ rất thật trên Twitter hồi tháng 3 năm ngoái như vậy.
Khi đó, chưa ai từng nghe nói đến Đông cũng như chơi game của anh. Đông cho rằng việc tung ra một tựa game còn lỗi là chuyện hoàn toàn bình thường và tác giả của game cũng rất cần những "bình luận có tính xây dựng" để hoàn thiện sản phẩm.
Chắc chắn, số lượng phản hồi mà Đông nhận được trong vài tuần qua là cực nhiều, chủ yếu dành cho Flappy Bird. Nhưng chỉ số ít trong đó là tích cực còn đa phần là tiêu cực. Chỉ số ít là từ các game thủ cảm thấy vui vẻ và yêu quý Flappy Bird, đa số là những người chơi giận dữ và tuyệt vọng vì không thể đạt được điểm cao trong trò chơi quá khó này. Và không thể không nhắc tới những phản ứng từ giới truyền thông, cả Việt Nam lẫn quốc tế.
Cho tới trước khi Flappy Bird bất ngờ trở thành một hiện tượng đình đám được báo chí lao vào mổ xẻ, Đông đã có khoảng thời gian khá vui vẻ trên Twitter. Anh trả lời những phản hồi nhận được với sự nhẹ nhõm, đôi lúc còn đùa trước những lời than vãn rằng nhiều game thủ đã phải đập đầu vào tường vì game quá khó.
"Chào tác giả. Tôi ghét anh. Xuống lỗ đi nhé", một người chơi post trên Twitter hồi cuối tháng 1, trước khi tin tức về Flappby Bird loang như bể dầu trên mặt báo. "Xin lỗi nhưng tôi không chết đâu", Đông trả lời.
"Anh là tác giả Flappy Bird hả? Anh có thể bày cách cho tôi thắng không?", một người khác hỏi. "Không, tôi không thể. Chỉ là một trò chơi thôi mà. Tôi không muốn game của mình phá hủy cuộc sống mọi người", Đông đáp.
Vài ngày sau, ai đó hỏi Đông "Anh nhận được bao nhiêu câu đe dọa tính mạng mỗi ngày?" để rồi nhận được câu trả lời là "Vài trăm".
Bước ngoặt bất ngờ
Nhưng sự thành công ngoài dự kiến của Flappy Bird dường như quá sức chịu đựng của Đông, và hệ quả là anh đã quyết định gỡ bỏ game của mình cùng lúc khỏi hai quầy ứng dụng iOS và Android. "Tôi không thể chịu đựng điều này thêm nữa", Đông giải thích trên Twitter.
Không ai rõ "điều này" là gì. Có thể đơn giản chỉ là mức độ chú ý quá cao mà dư luận, giới truyền thông đang dành cho Đông. Đó cũng có thể là sự chỉ trích từ những người hoài nghi game của Đông đã sao chép nhiều yếu tố từ các game khác, cũng như nghi ngờ Đông gian lận để Flappy Bird đột ngột leo lên đứng đầu Top ứng dụng iOS gần một năm sau ngày phát hành. Chưa hết, đó cũng có thể là những lời công kích nhằm vào phong cách thiết kế game đơn giản của Đông.
Đông từ chối trả lời mọi câu hỏi phỏng vấn của giới báo chí về lí do anh khai tử Flappy Bird, nhưng rất nhiều tờ báo uy tín như Forbes đã gọi đây là một "câu chuyện buồn", về một nhà phát triển game độc lập đạt được thành công một cách khác thường và không chịu nổi sức ép từ chính thành công đó.
Chuyên gia phát triển game Bennet Foddy, tác giả của nhiều game nổi tiếng như QWOP đánh giá Flappy Bird đã "loại bỏ tất cả những phức tạp không cần thiết để tập trung vào một cơ chế nhập liệu đơn giản nhất". Cơ chế chạm vào con chim đang bay để điều khiển nó lên, xuống trong không gian hẹp là quá đơn giản để bất cứ ai cũng có thể làm được. Phần lớn thời gian, người chơi không bay xa được, nhưng họ khó lòng cưỡng lại việc thử thêm lần nữa và đó chính là mục đích của tựa game.
Trang Kotaku thì khẳng định, chưa có bất cứ một bằng chứng nào xác minh cho lời cáo buộc rằng Đông đã sử dụng bots - tức những chương trình được lập trình sẵn để tải đi tải lại liên tục hay tạo ra các ý kiến bình luận tự động về một game nào đó nhằm tăng hạng cho ứng dụng trên quầy ứng dụng - để giúp Flappy Bird chiếm ngôi số 1. Trang này nghiêng về ý kiến tự bảo vệ mình của Đông, rằng "Nếu như tôi gian lận, liệu Apple có để yên cho Flappy Bird sống suốt nhiều tháng qua?".
Một lời xin lỗi
Nhưng kể cả trong trường hợp xấu nhất là Đông đã tìm ra cách nào đó để đánh lừa hệ thống xếp hạng ứng dụng đi chăng nữa, thì kết quả cuối cùng vẫn là tựa game của anh đã chinh phục người chơi toàn thế giới. Thành công này dù là tự nhiên hay có sự tác động thì cũng là xứng đáng, bởi nó được người chơi quan tâm, say mê. Đông đã có một lượng công chúng đông đảo yêu mến sản phẩm của mình.
Chính Kotaku là trang đã chê trách nặng lời về phong cách đồ họa của Flappy Bird khi giật tít "Flappby Bird kiếm 50.000 USD mỗi ngày từ phong cách sao chép" và trang này đã không ngần ngại công khai xin lỗi Đông sau đó. "Chúng tôi xin lỗi vì những gì mình viết đã góp phần gây ra sự bức xúc mà bạn phải nhận. Chúng tôi ước rằng mình có thể làm lại". Tác giả bài báo đó, Jason Schreier cũng tâm sự anh đã dành nhiều thời gian những ngày sau đó để đọc các phản ứng, phản hồi về bài báo và chừng ấy thời gian để "hối hận". "Đó là bài viết ác ý, thấp hơn mọi chuẩn mực nghề nghiệp thông thường của chính tôi. Xin lỗi về những gì đã xảy ra. Xin lỗi Dong-Nguyen về những từ ngữ thiếu chọn lọc mà tôi đã sử dụng. Hi vọng anh có thể tìm thấy sự thanh thản".
Ngay cả Nintendo cũng đã phủ nhận có vướng mắc với Flappy Bird. Đại diện của hãng này đã tuyên bố với Wall Street Journal rằng "không có chuyện hãng này định kiện Đông 6 tỉ USD như lời đồn".
Việc cộng đồng phát triển game yêu mến các game cổ điển và học hỏi từ đó là hết sức phổ biến, một chuyên gia game nhấn mạnh.
Đồng thời, trong mắt báo chí quốc tế, Đông cũng phải là người tham kiếm tiền từ trò game của mình. Anh từ chối rất nhiều lời mời phỏng vấn, phản bác trước gợi ý rằng nên thu phí tải game cũng như đăng tải quảng cáo trong game để tăng doanh thu. Đông nói "Tôi không nghĩ mình lại có thể tính tiền người chơi cho một sản phẩm đơn giản đến vậy".
Lật lại Twitter, có thể thấy từ tháng 4 năm ngoái, Đông có tuyên bố "Mỗi người chỉ sống một lần trong đời và chiến lược tốt nhất là luôn tận hưởng nhiều nhất có thể. Thành công không phải lí do tồn tại duy nhất".
Điều éo le là Đông đã tìm thấy thành công từ một tựa game mà anh viết cho vui chỉ trong vài ngày. Liệu có phải chính sự "mổ xẻ" của giới truyền thông đã khiến mọi việc trở nên tệ hại? Liệu những lời giận dữ trên Twitter khiến Đông cảm thấy mệt mỏi? Liệu thu nhập quá khủng dồn đến khiến Đông bối rối? Thật khó để nói điều gì đã khiến Đông quyết định kết liễu thành công lớn đầu tiên của mình theo cách bất ngờ như vậy.
"Chúng tôi mong Dong Nguyen sẽ được bình lặng và yên thân khi tung ra những game tiếp sau, dù chúng tôi sẽ vẫn chơi chúng và đưa tin về chúng với sự tôn trọng. Thành công không phải lí do duy nhất để tồn tại, nhưng nếu bạn tạo ra một tựa game được mọi người yêu mến, hiển nhiên là bạn xứng đáng được hưởng thành công đó", trang Kotaku kết luận.
Theo Vietnamnet
Bình luận