Tiền quảng cáo, trả phí trong quá trình sử dụng hay các khoản tài trợ là những cách giúp một số ứng dụng miễn phí thu về những khoản tiền khổng lồ mà ít người biết đến.
Có một thực tế nhiều nhà phát triển ứng dụng phải thừa nhận là họ thu về được nhiều tiền hơn đối với một ứng dụng miễn phí, nhưng thu phí không bắt buộc bên trong (In-App Purchase) hơn là một ứng dụng được phát hành với giá khoảng 0,99 USD. Một lợi thế nữa của ứng dụng miễn phí là nó sẽ có lượng tải về nhiều gấp 10 lần so với ứng dụng có thu phí.
Dưới đây là những cách nhà phát hành thu tiền từ ứng dụng miễn phí:
2 ứng dụng song song
Nhiều nhà phát triển chọn cách phát hành 2 ứng dụng, một miễn phí và một có trả phí. Bản có trả phí thường có thêm những hậu tố như Pro, HD... Trên bản miễn phí, nhà phát hành thường đính kèm link dẫn đến bản có trả phí trên iTunes hoặc Play Store.
Ở đây, ứng dụng miễn phí thường đóng vai trò “chim mồi”. Người dùng có thể thử và nắm bắt các tính năng của bản miễn phí, sau đó nếu có nhu cầu sẽ nâng cấp lên bản trả phí với nhiều tính năng ưu việt hơn.
Money Lover của lập trình viên trẻ Ngô Xuân Huy là một ứng dụng như vậy. Ứng dụng này đã có khoảng hơn 600.000 lượt tải, trong đó có khoảng 7.000 người dùng bản trả phí (5 USD), mang về cho anh này 700 triệu đồng.
In-App Purchase
In-App Purschase cho phép người dùng mở khóa các tính năng mới hoặc mua vật phẩm trong game. Trên thực tế, 49/50 ứng dụng có tổng thu cao nhất trên App Store tại Mỹ (ở thời điểm ngày 13/2/2014) đều là ứng dụng dạng này. Chẳng hạn, ứng dụng đang dẫn đầu về tổng doanh thu trên App Store tại Mỹ là Clash of Clans có doanh thu trung bình khoảng 3 triệu USD/ngày trong năm 2013.
Khi viết một ứng dụng, nhà phát triển có thể chọn IAP (In-App Purchase) theo kiểu một lần duy nhất hoặc theo kiểu tiếp diễn (chẳng hạn, mua 20 vàng với giá 0,99 USD), tức là mua đi mua lại nhiều lần.
Quảng cáo
Banner ad – quảng cáo bằng banner là cách phổ biến nhất trên các ứng dụng miễn phí. Điểm mấu chốt của hình thức này chính là lượng truy cập. Nếu ứng dụng của bạn có một lượng truy cập đủ lớn, bạn sẽ có một nguồn thu cực kì khủng khiếp. Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông chính là ví dụ tiêu biểu nhất. Anh này chia sẻ trên The Verge, anh thu về 50.000 USD mỗi ngày từ ứng dụng có 50 triệu lượt tải nói trên.
2 hệ thống quảng cáo lớn nhất trên các ứng dụng là iAds và Admob, thuộc về Apple và Google. Theo các nhà phát triển, iAds là hệ thống giúp họ thu về nhiều hơn. Tính trung bình, nhà phát triển có thể thu về khoảng 2 USD cho 100 lượt tải về. Con số này không cố định, phụ thuộc vào lượt click trên các banner quảng cáo.
CPI (Cost Per Install)
Cost Per Install - tính phí cho mỗi lượt tải về - là hình thức trả phí tương đối mới trên di động, mặc dù nó đã có trên web từ lâu. Ví dụ cho loại hình này có thể kể đến Playhaven hay Chartboost - những bên thứ 3 cung cấp các phần mềm cần thiết liên quan đến ứng dụng miễn phí do bạn phát triển.
Người dùng sẽ gặp các “pop-up” trong game và ứng dụng, cho hiển thị một ứng dụng khác và dòng chữ “cài đặt ngay”. Với mỗi ứng dụng được cài đặt theo hình thức Cost Per Install, bạn (nhà phát triển ứng dụng miễn phí) sẽ nhận được một khoản tiền nhất định. Thông thường, bên ứng dụng đích đến sẽ phải trả 0,8 – 3 USD trên mỗi lượt tải cho các công ty CPI.
Các khoản tài trợ
Kiếm được các khoản tài trợ khi viết ứng dụng luôn là điều tuyệt vời với các nhà phát triển. Công thức của hình thức này thường là: nhà phát triển tìm đến một công ty nào đó và nói “tôi có một ý tưởng về ứng dụng abc, tôi sẽ đưa nhãn hiệu của bạn lên đó với XXX USD” hoặc “tôi đã phát triển ứng dụng này vài tháng trước và đạt 50.000 lượt tải, tôi sẽ cập nhật đồ họa của nó với nhãn hiệu của bạn với XXX USD”.
Theo Zing
Bình luận