TS. Mai Liêm Trực, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính - Viễn thông (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng thị trường viễn thông Việt Nam đã cạnh tranh nhưng chưa hoàn chỉnh.
Thị trường viễn thông với "Một ông bố và 3 đứa con"
Chia sẻ tại buổi Tọa đàm về tái cơ cấu thị trường viễn thông Việt Nam vừa diễn ra tại Hà Nội, TS. Mai Liêm Trực thẳng thắn bình luận về những vấn đề còn tồn tại của thị trường viễn thông. “Thị trường viễn thông Việt Nam toàn doanh nghiệp nhà nước và vẫn cạnh tranh, nhưng thực sự chưa phải là cuộc cạnh tranh hoàn chỉnh bởi về nguyên tắc không nên tổ chức nhiều đơn vị cạnh tranh trong 1 chủ sở hữu. Cạnh tranh ở Việt Nam như ông bố cho 3 con ra ở riêng".
3 đứa con theo ý chỉ của TS. Mai Liêm trực là ba nhà mạng lớn VinaPhone, MobiFone và Viettel đều trực thuộc sự quản lí của Nhà nước. Theo ông Trực, nếu 3 đứa con hoàn toàn tự chủ về tài chính thì khác, nhưng ông bố lại vẫn làm chủ khối tài sản, nên cạnh tranh chưa hoàn chỉnh.
Ông Trực lấy dẫn chứng ở thương vụ sáp nhập giữa công ty viễn thông EVN Telecom và Viettel năm 2011. “Cơ quan ra quyết định hành chính và ngay lập tức tuyên bố sáp nhập EVN Telecom và Viettel. Đáng lẽ ra nên để đấu thầu thì lúc đó bức tranh doanh nghiệp và thị trường sẽ khác”.
Ông Trực cho rằng thị trường viễn thông chỉ cần 1 - 2 doanh nghiệp Nhà nước, còn 1 - 2 doanh nghiệp khác là cổ phần hoặc tư nhân. Lúc này thị trường sẽ cạnh tranh lành mạnh hơn. “Nếu có DN không phải của Nhà nước thì rõ ràng trong hoạt động kinh doanh sẽ hiệu quả hơn. Các DN nhà nước nhiều khi không chú ý đến hiệu quả”. TS. Trực cảm thấy việc quản lí nhà nước còn vấn đề chưa ổn khi tất cả các nhà mạng lớn, VinaPhone, Viettel và sau này khi MobiFone tách khỏi VNPT để thành lập Tổng Công ty cũng sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng, làm đường trục, gây lãng phí tài sản của Nhà nước. “Nếu DN không phải nhà nước thì sẽ đi thuê cơ sở hạ tầng chứ không nhất thiết phải đi xây tất cả các yếu tố”. Ông Trực cho rằng quản lí Nhà nước cần mạnh tay hơn trong quản lí cơ sở hạ tầng.
Tham dự buổi tọa đàm, ông Nguyễn Trung Chính, Tổng Giám đốc công ty CMC cũng cho rằng thị trường viễn thông Việt Nam chưa thực sự cạnh tranh vì hàm lượng doanh nghiệp của Nhà nước chiếm phần lớn, nhất là trong lĩnh vực di động, còn trong lĩnh vực Internet đỡ mất cân đối hơn.
Ông Chính đặt câu hỏi tại sao, các doanh nghiệp thế giới hùng mạnh khi đầu tư vào Việt Nam vẫn thua? Đó là biểu hiện rất chưa ổn về cái cạnh tranh theo lối quy tắc mà chúng ta quyết định gia nhập và ông Chính cho rằng các doanh nghiệp viễn thông nhỏ rất khó khăn trong cạnh tranh vì thị trường chưa thực sự cạnh tranh, có cạnh tranh nhưng chưa tự do. Giá cước viễn thông Việt Nam hiện tại có thể rất rẻ, đó là dấu hiệu của cạnh tranh, nhưng doanh nghiệp tư nhân phải cạnh tranh dựa trên hiệu quả.
“Khi thị trường viễn thông có thể đưa tiềm lực mạnh bù sang chỗ yếu thì những ông mới mon men ra sẽ không bao giờ gia nhập được thị trường”, ông Chính nhấn mạnh.
Thị trường không lấy việc bảo vệ người chơi làm chính
Cũng cùng chung với quan điểm của TS. Mai Liêm Trực, ông Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lí kinh tế Trung ương - cho rằng, thị trường viễn thông Việt Nam thời gian qua ì ạch, phát triển còn chậm.
Ông Thành đánh giá: “Ngành Viễn thông - CNTT Việt Nam đang ở thời khắc cực kì quan trọng. Tái cơ cấu thị trường và doanh nghiệp viễn thông không chỉ bắt buộc mà là còn sống còn với sự phát triển đất nước về dài hạn”.
Ông Thành viện dẫn 4 lí do để thấy việc tái cấu trúc thị trường là điều rất quan trọng.
Thứ nhất là về công nghệ, chúng ta thường tự hào đi ngang thế giới về ứng dụng, nhưng bây giờ đang đi sau, giờ người ta đã triển khai 4G, thậm chí đang nhen nhóm 5G.., trong khi Việt Nam vẫn chỉ dừng lại ở công nghệ 3G.
Thứ 2 là Nghị quyết số 13 của BCH Trung ương Đảng xác định vai trò của CNTT nền tảng của CNTT đối với sự phát triển, hiện đại hóa của từng ngành, từng lĩnh vực và toàn bộ nền kinh tế. CNTT sẽ tạo sức vì lan tỏa phát triển đất nước, trong đó có 2 điểm, sức cạnh tranh của DN Việt Nam và lợi ích của người tiêu dùng Việt Nam.
Thứ 3 là về hội nhập. Trong Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương - TPP mà Việt Nam sắp sửa tham gia có nhiều khía cạnh liên quan CNTT, trong đó có cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, đấu thầu điện tử, cải cách DN Nhà nước,…
Thứ tư là nhu cầu tiêu dùng, tầng lớp trung lưu ở Việt Nam sẽ tăng nhanh, đi kèm nhu cầu đồi hỏi sẽ cao.
Do đó, theo ông Thành, cải cách là điểm mấu chốt nhất, tạo ra cấu trúc thị trường cạnh tranh và tái cấu trúc một số ông lớn, đặc biệt là VNPT, trong đó tách MobiFone và VinaPhone.
Tuy vậy, vị chuyên gia kinh tế này cho rằng cạnh tranh của thị trường viễn thông Việt Nam là hạn chế vì số lượng thành viên không vô hạn như taxi hay lúa gạo… “Đặc biệt khi mà thị trường viễn thông với hình ảnh “một ông bố và 3 người con” được bao bọc nên không lấy việc bảo vệ người chơi trên thị trường làm chính mà lấy việc tạo áp lực cạnh tranh để buộc họ phải thay đổi”, ông Thành nhấn mạnh về thực tế của thị trường viễn thông Việt Nam.
Ông cho rằng những thị trường hạn chế như viễn thông thì việc gia nhập thị trường rất tốn kém. Do đó, cần phải tạo áp lực cạnh tranh cho những người đang chơi trên thị trường. Có nhiều cách, thứ nhất là phải sửa đổi quyền lực của người quản lí cạnh tranh và quyền lực của cơ quan quản lí cạnh tranh. Thứ hai, chúng ta thường quên áp lực cạnh tranh từ chính người tiêu dùng. Cần phải thực thi tốt luật bảo vệ người tiêu dùng nhằm thúc đẩy sức cạnh tranh của thị trường từ đánh giá của người tiêu dùng.
Đặc biệt, ông Thành cho rằng cổ phần hóa MobiFone là để tìm các nhà đầu tư có chiến lược tốt, có công nghệ tốt, từ đó sẽ tạo áp lực cạnh tranh cho 2 doanh nghiệp còn lại là VinaPhone và Viettel.
“Còn rất nhiều điều mà thị trường viễn thông chưa phải cạnh tranh dù biết số lượng thành viên còn hạn chế. Thứ nhất, vấn đề minh bạch. Thông tin không đầy đủ thì không có thị trường cạnh tranh. Ngay cách giải trình của Cục Quản lí cạnh tranh về tăng giá 3G đợt vừa qua là chưa thỏa đáng”, ông Võ Chí Thành nhắc lại về câu chuyện 3 nhà mạng đồng loạt tăng cước 3G từ tháng 10/2013.
Theo Dân Trí
Bình luận