Với việc Facebook vừa thông báo mua lại WhatsApp với giá lên tới 19 tỉ USD, một trong những vị Tổng giám đốc kín tiếng nhất của thung lũng Silicon đột nhiên biến thành tâm điểm của giới truyền thông.
Nhà đồng sáng lập kiêm CEO Jan Koum của WhatsApp không phải là kẻ khoe khoang, dù ông có quá nhiều điều để tự hào và "chém gió":
Chỉ trong vòng 5 năm, Koum và nhà sáng lập còn lại Brian Acton đã tạo ra một trong những ứng dụng nhắn tin lớn nhất thế giới. Sau khi thương vụ hoàn tất, Koum sẽ gia nhập ban giám đốc của Facebook nhưng WhatsApp sẽ vẫn hoạt động độc lập với Facebook, giống như mô hình của Instagram.
Koum nổi tiếng là người sống khép kín, kiệm lời. Ông hay chỉ thề, căm ghét quảng cáo và có xu hướng nói giảm, nói tránh về thành công của mình. Tài khoản Twitter của Koum hết sức đơn giản, cũng không nhắc gì đến chức vụ CEO hiện tại.
Trong phần tiểu sử bản thân, Koum chỉ dẫn lại một câu hát của rapper Kaney West rằng "Chúng ta sống trong một thiên hà mà những kẻ ghét bỏ không thể ghé thăm". Koum năm thỉnh mười thoảng mới vào post bài một lần và cũng chỉ theo dõi một tài khoản duy nhất là Jesus Christ Silicon Valley, vốn là một blog chuyên tếu táo của làng công nghệ thế giới.
Tài khoản LinkedIn của Koum thậm chí còn sơ sài hơn nữa khi chỉ vẻn vẹn vài dòng mô tả hời hợt về bản thân. Tước vị trong công việc được mô tả là "Giám đốc Tweet" của WhatsApp, và kinh nghiệm làm việc trong quá khứ được miêu tả là "làm vài việc" cho Yahoo. Koum nói ông "về cơ bản tốt nghiệp" phổ thông năm 1995 và "bỏ học" khỏi Đại học San Jose.
Koum di cư từ Ukraine sang Mỹ khi còn là một thiếu niên. Vài năm sau khi nhập học tại Đại học San Jose, ông xin được việc tại Yahoo và làm ở đó 9 năm trong hệ thống bảo mật và kĩ sư hạ tầng. Yahoo chính là nơi Koum gặp Brian Acton lần đầu. Năm 2007, hai người quyết định rời bỏ Yahoo và đến năm 2009 thì lập ra WhatsApp.
Cùng với nhau, Koum và Acton xây dựng WhatsApp như một lựa chọn đơn giản thay thế cho tin nhắn SMS. Ý tưởng của họ là tạo ra một dịch vụ nơi người dùng có thể tiếp cận bạn bè và gia đình của họ tại khắp noi trên thế giới bằng bất cứ loại smartphone nào mà không cần phải trả cước cho mỗi tin nhắn. Nhưng khác với các ứng dụng nhắn tin đối thủ hiện hành, WhatsApp yêu cầu người dùng đóng phí 99 cent/năm trên iOS và miễn phí trên Android trong năm đầu.
Tiến hành gửi hàng tỉ tin nhắn mỗi ngày, thu hút hơn 450 triệu người dùng thường xuyên mỗi tháng, WhatsApp tương đương, thậm chí là qua mặt nhiều mạng xã hội hay dịch vụ nhắn tin phổ biến khác như Skype, Twitter. Bản thân Facebook Messenger cũng không phải là đối thủ của WhatsApp.
Dù hiện diện trước công chúng khá lặng lẽ nhưng Koum lại không ngần ngại chỉ trích công khai, không khoan nhượng về quảng cáo. Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 4 năm ngoái, Koum tuyên bố ông muốn tiếp tục tập trung vào nhắn tin, coi đó là dịch vụ cốt lõi chứ không thể biến WhatsApp thành trò hề quảng cáo.
Dưới đây là 4 con số làm nên câu chuyện về WhatsApp: 450, 32, 1 và 0.
450. WhatsApp hiện có hơn 450 triệu người dùng thường xuyên hàng tháng và con số này đang tăng trưởng nhanh hơn bất cứ công ty nào khác trong lịch sử cộng nghệ. Chỉ mới 9 tháng trước, WhatsApp còn công bố cán mốc 200 triệu người dùng thường xuyên (bản thân con số này đã cao hơn Twitter rồi). Mỗi ngày, hơn 1 triệu người dùng mới lại cài đặt ứng dụng và họ cũng tỏ ra gắn bó với WhatsApp hơn bất cứ dịch vụ nào khác. Thật khó tin khi số lượng người dùng hàng ngày của WhatsApp chiếm tới 72% tổng người dùng tháng, tương phản rõ rệt với tỉ lệ trung bình 10-20% của cả ngành. Số công ty vượt qua được mốc 50% cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay mà thôi.
32. Với vẻn vẹn 32 kĩ sư, một nhà phát triển của WhatsApp sẽ phải hỗ trợ tới 14 triệu người dùng thường xuyên, một tỉ lệ chưa từng nghe nói đến trong ngành công nghệ. (Ekip hỗ trợ kĩ thuật của WhatsApp thậm chí còn ít người hơn). Đội ngũ "huyền thoại này" vẫn thành công trong việc duy trì một dịch vụ đáng tin cậy, xử lí tới 50 tỉ tin nhắn mỗi ngày trên 7 nền tảng khác nhau.
1. Jan vẫn trưng bày một tờ ghi chú từ Brian trên bàn làm việc với dòng chữ: "Không quảng cáo! Không game! Không màu mè!". Nó giống như lời nhắc nhở mỗi ngày về lời cam kết của họ, rằng chỉ tập trung vào việc xây dựng một trải nghiệm nhắn tin thuần túy mà thôi. Nguyên tắc này được phản ánh rõ rệt trong cách tiếp cận lạ thường của WhatsApp với kinh doanh. Sau một năm đầu sử dụng miễn phí trên Android, ứng dụng này sẽ thu tiền 1 USD/năm và cho phép người dùng gửi SMS thoải mái trong suốt 12 tháng đó.
Để so sánh, hơn 12 ứng dụng nhắn tin đối thủ của WhatsApp - tuy vận hành hoàn toàn miễn phí nhưng tất cả đều chèn quảng cáo để bù doanh thu. Jan và Brian đã phớt lờ tất cả quan niệm thông thường. Thay vì dội bom quảng cáo tới người dùng - một thủ phạm mà họ đã rất ghét từ hồi còn làm ở Yahoo - bộ đôi lựa chọn giải pháp đối lập là thu tiền sử dụng một cách tối thiểu. WhatsApp cũng không thu thập thông tin cá nhân như tên tuổi, giới tính, địa chỉ hay tuổi tác người dùng. Việc đăng kí được xác thực thông qua số điện thoại, một phát minh đầy sáng tạo giúp loại bỏ sự phiền toái của username và mật khẩu. Một khi được đọc, các tin nhắn sẽ lập tức được xóa khỏi máy chủ của WhatsApp.
0. Không ai có thể tưởng tượng được rằng WhatsApp đạt được tất cả những thành tựu này mà không phải chi lấy một đồng cho marketing. Khác với các đối thủ nhỏ hơn, hãng không bỏ bất cứ xu nào cho việc lôi kéo người dùng. WhatsApp không tuyển cả nhân viên PR hay tiếp thị. Nhưng khác với những thương hiệu lớn nhất thế giới, WhatsApp lại tạo được sự kết nối cảm xúc mạnh mẽ chưa từng thấy với người dùng. Tất cả sự tăng trưởng của WhatsApp đều đến từ những khách hàng hài lòng và thuyết phục bạn bè của họ dùng thử dịch vụ.
Theo Vietnamnet
Bình luận