Không chỉ đơn thuần là vài ván game để vui chơi, giải trí vào giờ nghỉ trưa; giờ đây không khó để bắt gặp cảnh dân văn phòng mê game đến bỏ bê công việc.
Không ít người đã từng cho rằng game là những trò dành cho những cô cậu bé học sinh, ăn chưa no lo chưa tới; tuy nhiên giờ đây giới văn phòng đang là đối tượng khách hàng mục tiêu cũng nhiều nhà sản xuất game tên tuổi.
Game thủ chốn văn phòng
Game len lỏi trong giới văn phòng vào những giờ nghỉ trưa nhàm chán - thời gian mà họ cần nghỉ ngơi để tiếp tục làm việc vào đầu giờ chiều. Những game đơn giản, đầy màu sắc và ngộ nghĩnh như xếp kim cương, picachu, nông trại vui vẻ, nuôi thú ảo,Angry Birds, Plants of Zombies, flappy bird,…đang khiến dân văn phòng mê như điếu đổ, thậm chí quên luôn nhiệm vụ chính của mình đến văn phòng là để làm việc.
Là một người mê mẩn các trò chơi nuôi thú ảo với âm thanh sống động, hình dáng vật nuôi dễ thương, chị Phương, nhân viên chăm sóc khách hàng ở TP.HCM thật tình chia sẻ: “Game này chơi cực dễ nhưng lại cực tốn thời gian. Tôi đã không ít lần tự nhủ sẽ hạn chế vào game nhưng chỉ việc cho ăn, cho ngủ, tập thể dục,…để cho thú cưng chóng lớn cũng tốn khá nhiều thời gian. Có lần vì mải mê cho thú cưng ăn mà tôi để khách hàng phản ánh dịch vụ không tốt và bị trừ lương”.
Đứng đầu về điểm số trong trò chơi đình đám flappy bird, Dũng khiến nhiều người ngường mộ xin chia sẻ kinh nghiệm. Thế nhưng, để đạt được điểm số cao ngất ngưỡng như thế thì mấy ai biết Tuấn phải cày ngày, cày đêm với những chiếc ống màu xanh và con chim khó tính. Không chỉ là trò chơi giải trí đơn thuần mà anh dường như đã nghiện game này đến mức khi làm báo cáo cũng thỉnh thoảng dừng lại chơi vài ván. Hậu quả nhãn tiền, các báo cáo của anh sai liên tiếp, sếp đã cảnh cáo trước toàn công ty. Và có lẽ lần này anh cũng nổi tiếng không kém so với khi được điểm kỷ lục của trò flappy bird.
Trong bài phỏng vấn độc quyền với tạp chí Forbes (Mỹ) mới đây, Nguyễn Hà Đông, tác giả trò chơi đình đám Flappy Bird, đã có lời giải thích gây bất ngờ về lý do vì sao anh gỡ bỏ trò chơi này khỏi kho ứng dụng trực tuyến: "Flappy Bird được thiết kế để chơi trong vài phút khi bạn đang cảm thấy thư thái. Nhưng nó lại trở thành một sản phẩm gây nghiện. Tôi nghĩ nó trở thành một rắc rối..."
Quản lý của một mạng xã hội lớn tại Việt Nam tiết lộ, qua khảo sát trên hệ thống của họ, lượng người thường xuyên truy cập vào các trò chơi tích hợp trên trang của họ khoảng thời gian từ 10 giờ - 20 giờ chiếm hơn 40% (khoảng thời gian làm việc buổi chiều), độ tuổi truy cập từ 22 - 35 (độ tuổi đi làm) chiếm ưu thế.
Cấm đầu này, ta “lách” đầu khác
Dường như lý do biện minh giải trí, xả stress, tạo động lực thúc đẩy cho công việc tốt hơn không còn thuyết phục được lãnh đạo của nhiều doanh nghiệp. Tác động tích cực đâu không thấy nhưng nhìn vào camera thấy cảnh nhân viên của mình lúc căng thẳng, đăm chiêu, khi lại cười sảng khoái khi chơi game trong giờ làm việc khiến các sếp không khỏi bực mình.
Nhắc nhở, đưa ra mức phạt cũng chẳng ăn thua, nhiều doanh nghiệp đã chọn cách dùng biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn việc chơi game. Thế nhưng, hành động này dường như không làm khó các game thủ được bao lâu. Thông thạo internet, lại đam mê game, chỉ cần một vài thao tác nhỏ họ lại có thể vô tư chơi game.
Cách thức đơn giản mà dân văn phòng hay làm để được chơi game đó là tự tạo một website có thể truy cập vào các website yêu thích. Việc này không hề phức tạp và không đòi hỏi nhiều kiến thức chuyên môn. Chỉ cần đăng ký một hosting miễn phí để khai báo tên miền sau đó download Glype - một dự án mã mở có khả năng tự động thực hiện các thao tác thay đổi proxy và một vài thao tác, họ đã có ngay một website thay đổi proxy để truy cập đến bất cứ trang web yêu thích.
Một cách dễ dàng hơn, anh Huy, nhân viên kinh doanh ở TP.HCM, cho biết: “Phần mềm chặn truy cập các trang cung cấp game khiến tôi khá gò bó, không còn được tự do giải trí với những game yêu thích. Nhưng mọi việc lại khá đơn giản khi chỉ cần đầu tư một cái USB 3G với giá khá mềm là tôi có thể vi vu rồi”.
Biện minh cho hành động “lách luật” chơi game của mình, Huy cho rằng: "Thời buổi kinh tế khó khăn, việc tìm kiếm khách hàng chẳng hề đơn giản. Vậy nên, anh em trong công ty mới chơi game để giết thời gian thôi, ngồi không mãi cũng chán. Sắp tới, chắc phải kiếm công việc khác để cải thiện thu nhập thôi, chứ lê lết với tình trạng này mãi cũng phát chán".
Không đơn giản là việc giải trí thông thường, việc chơi game có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng công việc nhưng như một thói quen và lực hút họ vẫn tìm đến game.
Theo các chuyên gia thuộc Hiệp hội Tâm thần Mỹ, nghiện chơi trò chơi điện tử hoàn toàn có đủ bằng chứng để xếp vào các chứng rối loạn tâm thần hoặc các hội chứng nghiện tâm lý. Các thí nghiệm quét MRI não người đều cho thấy, khi chơi điện tử, não người bị kích thích tương tự như khi chúng ta sử dụng ma túy và chất gây nghiện.
Theo Dân Việt
Bình luận