Camera kép, chụp hình kèm âm thanh, hiệu ứng Parallex, cuộn trang bằng mắt là những tính năng được các nhà sản xuất điện thoại quảng cáo rầm rộ nhưng trải nghiệm thực tế lại không như mong đợi.

Hầu hết smartphone cao cấp hiện nay đều có cấu hình tương đương nhau và phần mềm chính là điểm tạo nên sự khác biệt. Chẳng hạn Samsung được đánh giá cao khi hỗ trợ chạy đa nhiệm song song hai cửa sổ. Hay mẫu điện thoại của LG cho phép dịch tiếng nước ngoài bằng camera với tính năng QTranslate.

Tuy vậy, không phải tính năng nào cũng thật sự hữu dụng. Một số nhà sản xuất đã cố gắng "nhồi nhét" thật nhiều trải nghiệm, nhưng thực tế lại không tốt như những gì hãng giới thiệu.

Dưới đây là 10 tính năng không thật sự thiết thực trên smartphone theo tổng hợp của Laptopmag:

Tính năng camera kép cho phép người dùng chụp hình đồng thời bằng camera trước và camera sau. Được giới thiệu lần đầu tiên trên mẫu điện thoại của Samsung, tiếp đó là LG hay HTC, tính năng này ít được sử dùng do tính thiết thực của nó không cao.

Ngoài widget và launcher, Android còn có ảnh nền động rất phong phú. Riêng người dùng iPhone phải chờ đến phiên bản iOS 7 mới được bổ sung tính năng ảnh nền nổi khối nhờ hiệu ứng Parallax. Tuy vậy, tính năng này được phản hồi gây cảm giác như say xe. Ngoài ra, đây cũng là điểm khiển thiết bị iOS 7 tốn pin hơn.

Trả lời điện thoại không cần chạm lên màn hình được kì vọng sẽ hỗ trợ người dùng khi lái xe. Có nhiều tình huống cần đến tính năng này nhưng trải nghiệm thực tế không được tốt. Thay vì vẫy tay một lần như quảng cáo, người dùng có thể phải vẫy tay vài ba lần khá vất vả.

Dựa trên nhận diện của camera, tính năng cuộn thông minh được giới thiệu với khả năng duyệt web mà không cần dùng tay cuộn trang. Tuy nhiên, trải nghiệm mà Samsung đem lại khá tệ và ứng dụng chỉ hoạt động trên trình duyệt mặc định của hãng Hàn Quốc này.

Việc LG mang phím nguồn ra phía sau trên G2 nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Thiết kế mới giúp máy có phần viền màn hình mỏng hơn nhưng đồng thời cũng gây khó khăn cho người sử dụng. Theo LG, thay đổi này giúp dùng máy một tay dễ dàng nhưng trải nghiệm thực tế lại không hay khi so với việc đặt phím nguồn ở cạnh bên đặc biệt khi đặt máy trên bàn.

Group Play cho phép những chiếc điện thoại Samsung Galaxy cùng chơi một bản nhạc khi cùng kết nối chung mạng Wi-Fi. Tính năng này có lẽ chẳng bao giờ được dùng đến bởi chất lượng âm thanh của thiết bị di động không được đánh giá cao, các thao tác rườm rà, ít tính thực tiễn. Một chiếc loa bluetooth sẽ thiết thực hơn Group Play.

Các dịch vụ chia sẻ video trực tuyến trên di động đã rất phát triển như Vine hay Instagram. Tuy vậy HTC vẫn muốn trang bị tính năng tương tự cho một vài mẫu điện thoại của mình với tên gọi HTC Zoe. Ứng dụng cho phép chụp hình liên tiếp và quay một video ngắn khoảng 3 giây nhưng ít được sử dụng do không được thuận tiện như hai phần mềm Vine và Instagram.

Camera là tính năng được các nhà sản xuất di động chú trọng. Một trong số đó là khởi động máy ảnh thật nhanh bằng phím cứng hay phần mềm dễ dùng. Tuy nhiên, Motorola lại mang đến tính năng xoay hai vòng chiếc điện thoại của mình để kích hoạt camera. Hoạt động của chức năng này chưa tốt và còn rườm rà hơn việc mở khóa và chọn ứng dụng chụp hình.

Sound and Shot lại cho phép chụp hình đồng thời ghi lại âm thanh trong vòng 8 giây tại thời điểm chụp. Nhiều người vẫn tự hỏi trong khi camera có quay video riêng, ghi âm riêng thì tại sao cần đến Sound and Shot. Tính năng này đã nhanh chóng bị lãng quên.

Smart Stay được Samsung ra mắt cùng chiếc Galaxy với lời giới thiệu "thức ngủ cùng bạn" - tức là khi bạn dùng điện thoại và tiếp tục nhìn vào máy thì màn hình sẽ tiếp tục sáng hoặc khi xem video và quay mặt đi thì đoạn phim sẽ dừng phát. Đây là một ý tưởng khá hay nhưng về phần trải nghiệm chưa được tốt. Tính năng này chỉ phát huy khi khoảng cách giữa điện thoại và người dùng đủ gần và gần như không hoạt động trong điều kiện thiếu sáng.

Theo Số Hóa




Bình luận

  • TTCN (0)