Phần lớn đóng góp cho sự phát triển công nghiệp phần cứng - điện tử Việt Nam đến từ doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài. Ảnh minh họa. Ảnh: Internet.

Nhiều chuyên gia bày tỏ sự thất vọng khi doanh nghiệp phần cứng – điện tử Việt Nam vẫn còn èo uột sau gần 30 năm phát triển ngành công nghiệp điện tử. "Người trong cuộc" lí giải do có nhiều rào cản từ phía "người nhà"

Vẫn nhường sân cho người ngoài

Ông Trần Quang Hùng, Phó Tổng thư kí Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam cho biết "ngành công nghiệp điện tử Việt Nam hiện nay không có nhiều sự đóng góp của doanh nghiệp nội địa. Tổng doanh số xuất khẩu phần cứng - điện tử năm qua đạt hơn 30 tỉ USD, nhưng trong đó hơn 20 tỉ USD thu được từ hoạt động xuất khẩu điện thoại di động và linh kiện điện thoại của Samsung cùng một số doanh nghiệp nước ngoài khác, còn lại hơn 10 tỉ USD thu được từ hoạt động xuất khẩu các linh kiện điện tử khác và máy tính (chủ yếu từ các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài). Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chỉ tập trung vào hoạt động gia công để tận dụng lợi thế nhân công giá rẻ, chứ chưa đầu tư vào công nghệ nguồn. Rõ ràng, công nghiệp điện tử ở Việt Nam đã có thị trường nhưng hoạt động đầu tư cho doanh nghiệp điện tử nội địa sản xuất ra các sản phẩm cạnh tranh vẫn không được như mong muốn".

Nhìn lại quá trình phát triển gần 30 năm qua của ngành công nghiệp điện tử, ông Nguyễn Ngọc Bình, Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội chua xót nói: "Từ khi thành lập Tổng cục Điện tử và Kĩ thuật Tin học (năm 1983), chúng ta đã muốn và kì vọng rất nhiều vào sự phát triển ngành công nghiệp phần cứng và phần mềm. Thế nhưng đến nay, với thị trường quy mô 90 triệu dân, chúng ta vẫn chưa chế tạo được linh kiện điện tử, mới chỉ làm được hộp các tông và một số sản phẩm đơn giản khác. Đó là cái đau của chúng ta. Đáng lẽ phải đi bằng 2 chân thì chúng ta đang đi khập khiễng. Đến giờ, từ lãnh đạo các cấp đến từng doanh nghiệp, cơ quan đào tạo,... chúng ta vẫn chưa làm được những gì từng mong muốn cách đây 30 năm".

Đồng tâm trạng, ông Nguyễn Long, Tổng Thư kí Hội Tin học Việt Nam chia sẻ: "Cá nhân tôi cho rằng ngành điện tử và một số ngành công nghiệp phụ trợ, tự động hóa đang dần dần mất đi những tên tuổi doanh nghiệp Việt, cần phải làm sao để sớm "trả lại tên cho em"".

Ông Phan Anh, Chủ tịch Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam lưu ý: "Công nghiệp điện tử, nói chi tiết hơn là thiết kế, chế tạo vi điện tử là mảng rất quan trọng trong sự phát triển CNTT-TT. Nếu bỏ qua mảng này thì Việt Nam sẽ chỉ là khách hàng sử dụng các sản phẩm của quốc tế, khó có thể phát triển thành một nước mạnh".

Rào cản từ chính người nhà

Theo ông Trần Quang Hùng, số lượng doanh nghiệp Việt Nam sản xuất sản phẩm phần cứng - điện tử còn quá ít là do 3 nguyên nhân. Thứ nhất, còn bất cập trong việc chi tiêu mua sắm của các cơ quan Chính phủ và doanh nghiệp. Nhiều dự án đấu thầu đề ra yêu cầu doanh nghiệp dự thầu phải có 10 - 15 năm kinh nghiệm sản xuất thiết bị điện tử công nghệ cao, trong khi doanh nghiệp Việt mới chỉ nghiên cứu vài năm, không thể đáp ứng yêu cầu.

Thứ hai, kể từ khi trách nhiệm quản lí lĩnh vực điện tử được chuyển từ Bộ Công nghiệp cũ sang Bộ Bưu chính Viễn thông, nay là Bộ TT&TT thì hầu hết các chính sách về điện tử được nhập chung với chính sách CNTT, công nghiệp CNTT và mấy năm gần đây, hầu như không được nhắc đến trong các văn bản pháp quy, chính sách của Nhà nước. Chính sách về điện tử vẫn bỏ trống rất nhiều mảng, ví dụ như mảng thiết bị điện tử dân dụng, gia dụng có thị trường rất lớn nhưng không có chính sách khuyến khích nào.

Thứ ba, chính sách thuế hiện có nghịch lí là nhìn vào biểu thuế nhập khẩu thì thấy thuế suất thuế nhập khẩu các linh kiện để sản xuất ra sản phẩm điện tử trong nước rất cao, mấy chục phần trăm, trong khi sản phẩm nguyên chiếc đều rất thấp, chỉ 0% hoặc 5%. Trong khi chính sách vĩ mô khuyến khích sản xuất trong nước thì chính sách thuế lại khuyến khích nhập thiết bị nguyên chiếc, hạn chế hoạt động sản xuất trong nước.

Đại diện cho các doanh nghiệp sản xuất phần cứng - điện tử Việt Nam, ông Trần Quang Hùng đề xuất một loạt kiến nghị. Về chính sách vĩ mô, đề nghị Chính phủ và Bộ TT&TT đề ra các chính sách về phát triển công nghiệp điện tử một cách độc lập, riêng rẽ, không nhập chung vào chính sách phát triển công nghiệp CNTT để đảm bảo đặc thù ngành của ngành điện tử.

Về đầu tư hỗ trợ Nhà nước, kiến nghị thành lập một chương trình khoa học công nghệ cấp Nhà nước do Bộ TT&TT kết hợp Bộ Khoa học Công nghệ quản lí, đặt tại Bộ TT&TT để khuyến khích nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm điện tử trong nước. Đồng thời, xem xét thành lập một số phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia để thử nghiệm, hỗ trợ nghiên cứu sản xuất các sản phẩm trong nước. Mặt khác, nên nghiên cứu đưa một số sản phẩm điện tử vào danh sách các sản phẩm trọng điểm quốc gia, xây dựng chính sách đồng bộ để phát triển các sản phẩm đó.

Về phát triển thị trường, đề nghị Bộ TT&TT nghiên cứu thành lập Ban Chỉ đạo cấp Bộ về triển khai chương trình "người Việt Nam dùng hàng Việt Nam", khuyến khích mua sắm hàng nội địa; nghiên cứu đưa ra danh mục các sản phẩm về điện tử, CNTT ưu tiên sản xuất trong nước để làm cơ sở cho doanh nghiệp định hướng đầu tư nghiên cứu sản xuất.

Theo Infonet




Bình luận

  • TTCN (0)