Nhà xuất bản tạp chí khoa học Springer và IEEE (Viện kĩ sư điện và điện tử) cho biết sẽ gỡ 120 bài báo khoa học sau khi một nhà nghiên cứu người Pháp phát hiện những tác giả của bài báo sử dụng phần mềm máy tính viết ra thay vì nghiên cứu thật sự.
Vụ việc xấu hổ trong giới khoa học này lộ ra nhờ sự phát hiện của nhà khoa học máy tính người Pháp Cyril Labbé (41 tuổi) của ĐH Joseph Fourier, Grenoble. Ông đã phát triển được 1 phương pháp dò tự động những bài viết được soạn bởi phần mềm chuyên chắp vá những từ ngữ, câu văn, đoạn văn lấy một cách ngẫu nhiên từ những bài báo khác có tên là SCIgen. Phần mềm này được phát minh vào năm 2005 bởi 3 sinh viên tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) ở Cambridge.
Vào tháng 4/2010, Labbé đã thử sử dụng SCIgen để tạo ra một tác giả ảo có tên Ike Antkare với 102 bài báo để thêm vào cơ sở dữ liệu của Google Scholar. Sau một thời gian, cái tên Ike Antkare đã được xếp ở vị trí 21 trong danh sách các nhà khoa học được trích dẫn nhiều nhất trên thế giới, trong khi Einstein chỉ xếp ở vị trí 36.
Trong hơn hai năm qua, nhà khoa học Pháp này đã tìm ra 16 bài báo “rởm” được công bố trên Tạp chí Springer có trụ sở ở Heifelberg (Đức) và hơn 100 bài đăng trên IEEE có trụ sở tại New York (Mỹ) từ năm 2008 đến năm 2013. Theo ông Labbé, hầu hết những hội nghị đều diễn ra ở Trung Quốc và hầu hết những bài báo giả đều có tác giả người Trung Quốc.
Monika Stickel - Giám đốc truyền thông của IEEE - cho biết nhà xuất bản này đã gỡ bỏ ngay lập tức các bài báo "vô nghĩa" trên và trong tương lai sẽ sử dụng quy trình của Labbé để ngăn chặn các bài báo tương tự không đủ tiêu chuẩn xuất bản.
Phía Springer cũng đã liên hệ với phía biên tập và tác giả để giải quyết các vấn đề liên quan để gỡ bỏ những bài báo không đạt chất lượng.
Theo Người Lao Động/The Guardian
Bình luận