Mảng phần mềm đang được chú trọng và đạt doanh thu tốt nhưng mảng phần cứng vẫn chưa có bước đột phá.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Bình, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho hay CNTT Việt Nam muốn đi bằng cả hai chân, tức cả về phần cứng lẫn phần mềm nhưng lại phát triển không đồng đều.

"Từ khi thành lập năm 1989, Hội Tin học Việt Nam (VAIP) đã họp và nêu các việc cần làm. Chúng ta muốn phát triển song song ngành công nghiệp phần cứng và phần mềm. Đến nay Việt Nam đã có 90 triệu dân nhưng chúng ta vẫn chưa chế tạo được linh kiện điện tử nào. Đó là cái đau của chúng ta. CNTT đang đi trên đôi chân khập khiễng", ông Bình chia sẻ trong Lễ kỉ niệm 25 năm ngày thành lập Hội tin học Việt Nam.

Nhiều chuyên gia cũng nhận định, CNTT đang được coi là nền tảng của phương thức phát triển mới nhằm nâng cao toàn diện năng lực cạnh tranh quốc gia. Chính phủ cũng đã có chủ trương xác định CNTT là một trong những động lực quan trọng nhất của sự phát triển, góp phần làm biến đổi sâu sắc đời sống kinh tế xã hội. Trong đó, mảng phần mềm đang rất được coi trọng nhưng mảng phần cứng thời gian qua lại gần như bị bỏ quên.

Tuy lĩnh vực phần cứng đã có những tín hiệu tốt từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Chẳng hạn, Samsung đã xuất khẩu hơn 20 tỉ USD trong năm 2013, chủ yếu là điện thoại di động... Dù vậy, ngành này vẫn đa phần là kiểm thử, lắp ráp, đóng gói,... tức phần có giá trị gia tăng thấp nhất.

Ông Nguyễn Long, Tổng thư kí VAIP, trăn trở: "Những ước mơ đầu tiên, từ thời trước khi hình thành VAIP, về lắp ráp và sản xuất máy tính điện tử nhưng đến nay đi đến đâu? Sản xuất phần cứng đến nay chuyển sang các doanh nghiệp FDI. Trông các đề án, dự án có vẻ chúng ta thành công. Nhưng nhìn tỉ lệ của nửa trên - công nghiệp phần cứng với nửa dưới - công nghiệp phần mềm, nội dung số thì đấy là bức tranh chưa đẹp".

Trong khi đó, ông Mike MacDonald, Giám đốc Công nghệ của Huawei, nhận xét CNTT vẫn thường được nhìn nhận dưới dạng phần cứng - phần mềm. Nhưng để CNTT ở một quốc gia thành công thì cần có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa 3 yếu tố là chính sách, con người và các cơ chế cần thiết. Do đó, MacDonald cho rằng Chính phủ Việt Nam cần phát triển nguồn nhân lực, các tài năng công nghệ, tạo môi trường, cơ chế khuyến khích sáng tạo, phát triển và ứng dụng, xây dựng các sân chơi cho sáng tạo và phổ cập ứng dụng công nghệ và có cơ chế hợp tác - tham vấn quốc tế.

Theo VnExpress




Bình luận

  • TTCN (0)