Ngành công nghiệp ứng dụng trên các thiết bị di động trên thế giới đã bùng nổ từ vài năm nay. Tại Việt Nam, thị trường đang đón những đợt gió xuân đầu mùa...

...Khởi đầu nan

Quyết định khởi nghiệp của anh Hoàng Văn Hậu gắn với một sản phẩm duy nhất là phần mềm tương tác giữa khách hàng và tài xế taxi. Sau khi thành lập công ty ở Hà Nội có tên giống như sản phẩm vào tháng 6/2013, PingTaxi được đưa lên các gian hàng ứng dụng (apps store) phổ biến nhất như Apple Store, Google Play, Windows Phone. Đến nay, người sử dụng điện thoại thông minh có thể tải ứng dụng này miễn phí để dễ dàng tìm kiếm, đặt và gọi taxi có vị trí gần mình nhất trên bản đồ.

Thế nhưng những rào cản gặp phải của một ứng dụng non trẻ và “thuần Việt” như PingTaxi bắt đầu nảy sinh. “Ở phía người sử dụng taxi, chúng tôi có lượt tải ứng dụng đang ngày càng gia tăng, nhưng ở phía ngược lại, rất ít tài xế taxi sử dụng ứng dụng này. Như thế, PingTaxi không khai thác được thế mạnh chính và điểm khác biệt của nó, trong khi khách hàng cũng như các hãng taxi vẫn phải tương tác thông qua tổng đài theo cách thức truyền thống”, anh Hậu kể.

Một ứng dụng khác của Việt Nam là Whiteboard do Công ty Greengar ở TP HCM phát triển cũng gặp phải vấn đề như PingTaxi là đồng bộ hóa để thay đổi thói quen của công chúng. Đây là ứng dụng cho phép người dùng viết, vẽ, truyền đạt thông tin trên màn hình thiết bị cầm tay qua thao tác chạm. Một trong những tiện ích nổi bật nhất của Whiteboard là khi được khai thác trong môi trường tập thể. Ví dụ, trong lớp học, cả thầy giáo và học viên đều có thiết bị cầm tay được cài ứng dụng miễn phí này thì thông điệp từ thầy giáo có thể đồng loạt gửi đến các học viên trên màn hình.

Tính năng kết nối (collaboration) theo nhóm của ứng dụng này giúp cho khoảng cách của các thành viên trong lớp học, công sở, gia đình... được rút ngắn lại thông qua những thông điệp, hình ảnh sinh động. Và cũng giống như PingTaxi, chỉ khi có tương tác hai chiều với thiết bị tương thích của từ hai phía thì ứng dụng mới phát huy hết tác dụng.

Tuy nhiên, hai câu chuyện trên chỉ là những ví dụ nhỏ trong giai đoạn khởi đầu của thị trường ứng dụng tiện ích trên di động còn khá mới mẻ tại nước ta. Trong thực tế đã có rất nhiều sản phẩm “made in Vietnam” có mặt trên các kho ứng dụng lớn, nhưng chưa có nhiều người dùng trong nước biết tới và khai thác. Chỉ đến khi thế giới bùng lên cơn sốt Flappy Bird, một ứng dụng trò chơi đóng mác nội địa mang về hàng chục ngàn đô la Mỹ mỗi ngày nhờ doanh thu quảng cáo, thì việc phát triển một ngành công nghiệp ứng dụng di động (mobile apps industry) mới được quan tâm nhiều hơn.

Có thể kể đến một sản phẩm có tên “Fuzel” do Not A Basement, một studio của Việt Nam phát triển. Đây được coi là một trong những ứng dụng mới tốt nhất tại 40 nước trong cuộc bầu chọn hồi tháng 11-2013... Và đến nay, Fuzel đã có trên hai triệu lượt tải về. Nếu so sánh với ứng dụng rất nổi tiếng về xử lí ảnh là Instagram hay Camera360 thì con số người dùng này còn thấp. Nhưng nếu nói về chất lượng sản phẩm, tính năng và sự thú vị ở cùng góc độ xử lí, sắp xếp, lắp ghép hình ảnh thì có thể nói sản phẩm của Việt Nam có sự nổi trội riêng. Bằng chứng là người sử dụng đã để lại những lời bình luận rất tích cực và hiện ứng dụng vẫn đang được đánh giá 5 sao trên các apps store.

Ảnh
Fuzel” của Not A Basement

Ngoài Fuzel, công ty khởi nghiệp Not A Basement với đội ngũ là những người còn rất trẻ còn sở hữu một ứng dụng khác cũng được đánh giá rất cao là Manga Rock 2, mang đến trải nghiệm đọc truyện tranh miễn phí.

Riêng về ứng dụng game - lĩnh vực sôi động nhất, Việt Nam cũng có rất nhiều công ty tham gia phát triển. Có thể kể đến là VNG, Naisorp Colorbox, Bluesea, TeaMobi, Pine Entertainment... với rất nhiều ứng dụng đã có mặt trên các apps store trong và ngoài nước.

...Đến ngành công nghiệp mới?

Không còn sớm để nói đến chuyện ngành công nghệ ứng dụng di động có thể hình thành ở Việt Nam nay mai bởi đây đã là xu thế đang bùng nổ trên thế giới. Kể từ khi ra mắt vào tháng 7-2008 cho đến tháng 6/2013, Apple Store đã có 900.000 ứng dụng, theo Wall Street Journal. Hãng Apple cũng công bố con số ấn tượng là 5 tỉ lượt tải về và số tiền mà Apple đã trả cho nhà lập trình phát triển (developer) là gần 10 tỉ đô la Mỹ từ lợi nhuận của việc bán các ứng dụng có trả phí (tức là chưa tính doanh thu từ chia sẻ quảng cáo). Theo Canalys, quí đầu năm 2013, riêng iOS có đến 74% tổng lợi nhuận từ việc bán ứng dụng. Còn theo dự báo của ABI Research, doanh thu từ ứng dụng di động trên toàn thế giới sẽ đạt 46 tỉ đô la Mỹ vào năm 2016, tăng 8,5 tỉ đô la so với năm 2011. Tại Việt Nam, với sự gia tăng mạnh mẽ số lượng người dùng điện thoại thông minh và truy cập 3G như hiện nay thì thị trường game và ứng dụng tiện ích chắc chắn đang có mảnh đất màu mỡ để phát triển.

Những cơ hội mới đã đến với những người nhanh nhạy “mở cửa đón gió”, cho dù ở phía trước còn nhiều cơn bão cạnh tranh cùng những thách thức của nền công nghệ ứng dụng đang thay đổi đến chóng mặt!

Có thể hình dung một phần xu hướng bùng nổ phát triển ứng dụng di động tại Việt Nam trong thời gian tới khi nhìn vào sự nở rộ các khóa đào tạo lập trình ứng dụng iOS, Android, Windows Phone... và sự gia tăng các công ty khởi nghiệp công nghệ.

Đến Hub.IT, một vườn ươm công nghệ từng rất thành công tại Singapore, đã có mặt tại Hà Nội, có thể bắt gặp rất nhiều nhóm và công ty khởi nghiệp khác nhau tập trung trong không gian kiểu “co-working” (cùng làm việc) để thảo luận, tham dự hội thảo, tọa đàm về ý tưởng và phát triển các dự án ứng dụng di động. Tương tự ở một không gian khác là Saigon Hub. Đến đây, không chỉ các công ty mới mà cả những nhà đầu tư đều có thể tìm kiếm những sản phẩm, dự án công nghệ tiềm năng để đầu tư, trong đó có nhiều mô hình về phát triển ứng dụng di động.

Theo một đại diện của Hub.IT, tiềm năng về thiết kế và phát triển ứng dụng di động của Việt Nam là rất lớn và thành công của Flappy Bird trong thời gian qua chỉ là hiện tượng bề nổi, mang tính chất như một cú hích lớn. Đằng sau đó, đã có không ít ứng dụng khác, không chỉ game, do người Việt Nam tạo ra dưới hình thức tự phát triển và gia công (outsourcing) cho các công ty nước ngoài.

Ảnh
Tựa game Flappy Bird của Việt Nam từng gây sốt toàn cầu.

Nếu Fuzel đã được nhắc đến là một sản phẩm có tính “quốc tế hóa” rất sáng giá của Việt Nam có thể hình dung với Instagram, thì hồi năm 2012, Facebook đã tiến hành thương vụ tỉ đô với ứng dụng xử lí ảnh này. Mới đây nhất, Facebook tiếp tục mang đến “cú sốc” lớn khi tuyên bố mua lại ứng dụng nhắn tin WhatsApp với giá 19 tỉ đô la Mỹ bằng cả tiền mặt và cổ phiếu. Trước đó, giới công nghệ cũng ngỡ ngàng khi tập đoàn bán lẻ Rukaten của Nhật thâu tóm Viber với giá 900 triệu đô la Mỹ. Tại Việt Nam, hiện có một trong những ứng dụng rất tiềm năng là Pic Chat với điểm nổi bật là cho phép người dùng hội thoại trực tiếp qua hình ảnh. Ứng dụng này đã được rót tới 1,5 triệu đô la Mỹ chỉ qua hai vòng mời gọi đầu tư từ bốn quỹ của Nhật và Singapore. Nhà phát triển ứng dụng này là Cinnamon, có văn phòng ở Hà Nội, cho biết số vốn này sẽ được dùng để phát triển sản phẩm tại các nước châu Á.

Những cơ hội mới đã đến với những người nhanh nhạy “mở cửa đón gió”, cho dù ở phía trước còn nhiều cơn bão cạnh tranh cùng những thách thức của nền công nghệ ứng dụng đang thay đổi đến chóng mặt!

Theo Saigomtimes




Bình luận

  • TTCN (0)