Theo đó, 5 CSDLQG bao gồm gồm Dân cư, Doanh nghiệp, Tài chính, Đất đai, Thông tin thống kê kinh tế - xã hội. Đại diện Bộ Y tế đề xuất ưu tiên thêm CSDLQG về bảo hiểm y tế.
Định hướng lập các đề án CSDLQG là nội dung được bàn thảo nhiều nhất tại phiên họp Hội đồng Giám đốc CNTT của cơ quan Nhà nước năm 2014 diễn ra sáng nay, 8/4/2014, ở trụ sở Bộ TT&TT dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng.
Theo thống kê của Cục Tin học hóa, các Bộ, ngành đã, đang và sẽ có kế hoạch triển khai xây dựng tới 226 CSDL. Trong đó, 32 CSDL được xác định là CSDLQG trong các văn bản quy phạm pháp luật từ cấp Thủ tướng Chính phủ trở lên. Tuy nhiên, hầu hết các dự án CSDL đều đang trong tình trạng chậm triển khai, chủ yếu do thiếu kinh phí khi kinh phí cấp nhỏ giọt từng năm. Mặt khác, lại có hiện tượng nhiều CSDL được triển khai riêng lẻ để đáp ứng nhu cầu quản lí, dẫn đến hiện trạng khó kiểm soát, thiếu trọng tâm.
Cục trưởng Cục Tin học hóa Nguyễn Thành Phúc nhấn mạnh: “Chỉ riêng thời gian gần đây, Văn phòng Chính phủ đã nhận được rất nhiều đề xuất từ các Bộ, ngành về việc xây dựng các đề án CSDLQG. Trong bối cảnh ngân sách eo hẹp, Chính phủ đã yêu cầu Bộ TT&TT chủ trì xây dựng báo cáo về định hướng lập các đề án CSDLQG ưu tiên trước mắt để báo cáo Ủy ban Quốc gia về ứng dụng CNTT. Cục Tin học hóa đã đề xuất một số tiêu chí xác định CSDLQG về đưa ra 5 CSDLQG thuộc diện ưu tiên trong giai đoạn 2015 - 2020”.
Theo đề xuất của Cục Tin học hóa, Danh mục CSDLQG cần được ưu tiên triển khai trong giai đoạn 2015 - 2020 gồm 5 CSDLQG về Dân cư, Doanh nghiệp, Tài chính, Đất đai, Thông tin thống kê kinh tế - xã hội.
Tiêu chí được dùng để xác định Danh mục CSDLQG ưu tiên trong giai đoạn 2015 - 2020 là: lưu trữ thông tin quốc gia, có quy mô lớn, tầm quan trọng ảnh hưởng đến chính trị, sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; dữ liệu được dùng chung, chia sẻ giữa các Bộ, ngành, địa phương; có phạm vi đối tượng, thuộc tính dữ liệu phủ rộng toàn quốc; làm hạ tầng thông tin, tạo nền tảng cho các hệ thống thông tin khác hoạt động và phát triển,… Quá trình khai thác, chia sẻ dữ liệu từ các CSDLQG phải chú trọng việc tránh xây dựng CSDL mới lặp lại thông tin, dữ liệu đã có trong CSDLQG, có thể xây dựng thêm cổng thông tin điện tử của các CSDLQG để phục vụ nhu cầu khai thác, chia sẻ thông tin...
Cùng với Danh mục CSDLQG ưu tiên trong giai đoạn 2015 - 2020, Cục Tin học hóa cũng đã đề xuất cụ thể trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng, quản lí, vận hành, khai thác, chia sẻ các CSDLQG. Cụ thể, Bộ Tài chính xem xét xây dựng quy định về phí, lệ phí (nếu có), Bộ TT&TT xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về tăng cường kết nối, liên thông giữa các CSDLQG; Bộ Công an xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo an toàn, an ninh của các CSDLQG. Đặc biệt, các Bộ, ngành, địa phương liên quan đều phải rà soát quy trình nghiệp vụ, ứng dụng CNTT, lên kế hoạch sử dụng CSDLQG, xây dựng quy chế nội bộ kết nối sử dụng các hệ thống thông tin vào CSDLQG.
Dù vẫn còn nhiều băn khoăn về nội hàm của khái niệm CSDLQG cũng như một số vấn đề khác liên quan đến trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai xây dựng các CSDL, nhưng các thành viên tham gia phiên họp Hội đồng Giám đốc CNTT của các cơ quan Nhà nước sáng nay đều thống nhất về sự cần thiết phải ban hành Danh mục các CSDLQG ưu tiên trong giai đoạn 2015 - 2020.
Đại diện Bộ Y tế đề xuất bổ sung vào danh mục ưu tiên CSDLQG về bảo hiểm y tế bởi Nghị quyết mới đây của Quốc hội đã giao Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đến năm 2018 phải có CSDLQG về bảo hiểm y tế, kết nối liên thông các phần mềm khám chữa bệnh của các bệnh viện trên toàn quốc, kết nối liên thông trong việc thanh quyết toán bảo hiểm y tế, giám định y tế.
Với vai trò Chủ tịch Hội đồng, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng cho biết sau phiên họp hôm nay, Bộ TT&TT sẽ tiếp thu ý kiến của các Giám đốc CNTT và đưa vào báo cáo tư vấn, tham mưu cho Ủy ban Quốc gia về ứng dụng CNTT cũng như Thủ tướng để tập trung chỉ đạo ưu tiên những CSDLQG có tính chất nền tảng nhất, phục vụ cho nhiều Bộ, ngành và cộng đồng xã hội trong giai đoạn 2015 - 2020. Với những dự án, đề án CSDL khác không có trong Danh mục nhưng đã được phê duyệt triển khai thì vẫn sẽ tiếp tục được triển khai để đáp ứng nhu cầu quản lí và hoạt động của các Bộ, ngành địa phương.
Đại diện Cục Tin học hóa cho biết trong quá trình nghiên cứu xây dựng Danh mục CSDLQG ưu tiên đã tham khảo kinh nghiệm quốc tế của một số quốc gia có điều kiện khá tương đồng với Việt Nam.
Chẳng hạn, tại Hàn Quốc, việc triển khai CSDLQG được tiến hành từ những năm 1978 - 1987, giai đoạn đầu xây dựng Chính phủ điện tử, đến nay cũng chỉ chọn ra một số CSDL trọng điểm để Chính phủ tập trung đầu tư như Dân cư, Bất động sản, Phương tiện giao thông, Việc làm, Hải quan, Số liệu thống kê kinh tế. Tại Đài Loan, đã hình thành cổng kết nối tập trung để khai thác, chia sẻ dữ liệu từ các CSDL trọng điểm gồm Doanh nghiệp, Quản lí đất đai, Dân cư, Phương tiện giao thông, Thuế và Thông tin địa lí.
Còn tại Philipines, các CSDL trọng điểm gồm Dân cư, Bất động sản, Phương tiện giao thông, Thông tin dữ liệu thống kê đều tuân thủ chuẩn hóa thống nhất cũng như những nguyên tắc của hệ thống chia sẻ dữ liệu quốc gia.
Theo ICTnews
Bình luận