Lần đầu tiên trong lịch sử hình thành và phát triển ngành công nghiệp sản xuất điện thoại di động, doanh số bán ra tại những thị trường lớn như Nhật Bản và châu Âu bị sụt giảm, trong khi thị trường Mỹ tăng không đáng kể.
Theo thống kê của công ty nghiên cứu thị trường Gartner, so với cùng kỳ năm ngoái, lượng mobile phone bán ra từ đầu năm đến nay tại châu Âu giảm tới 16,4%, tại Nhật giảm 10%, còn ở Mỹ, tuy có tăng nhưng mức tăng chỉ là 2,4%.
Thị trường di động thế giới vẫn đạt mức tăng trưởng 14%, nhưng phần lớn là nhờ sự đóng góp của các khu vực đang phát triển như Ấn Độ, Trung Đông và châu Phi.
Gartner nhận định, tình hình kinh tế xấu đi tại Mỹ và châu Âu khiến khách hàng ở những thị trường này không muốn đầu tư quá nhiều vào điện thoại như trước kia. Thay vì những chiếc smartphone cao cấp, giờ đây họ chuyển sang mua điện thoại tầm trung rẻ tiền nhưng đầy đủ tính năng.
Động thái này của thị trường là một tin không mấy tốt lành cho Sony Ericsson, nhà sản xuất đã bị đẩy xuống vị trí thứ 5 trên thị trường điện thoại thế giới kể từ đầu năm nay bởi LG. Đối thủ đến từ Hàn Quốc đã hết sức thành công với những mẫu điện thoại màn hình cảm ứng, khi bán được tới 23,6 triệu sản phẩm trong quý I năm nay.
Samsung cũng là một thành viên tham gia tích cực vào cuộc chạy đua giữa những chiếc điện thoại có màn hình cảm ứng. Nhờ đó, họ giữ vững được vị trí thứ hai, sau Nokia và trên Motorola. Doanh số của Samsung trong quý I là 42 triệu sản phẩm, trong khi Motorola chỉ bán được 30 triệu máy trong ba tháng đầu năm.
Ông vua của thị trường điện thoại, Nokia đã bán được 115 triệu máy trong quý I năm nay, nâng thị phần lên mức 39,1% từ 35,5% trong năm ngoái, qua đó củng cố vững chắc thêm ngôi vị số 1 của mình.
(theo sohoa.net/Reghardware)
Bình luận