Khai thác lỗ hổng HeartBleed, tin tặc có thể đánh cắp từ xa các dữ liệu nhạy cảm trong bộ nhớ. Ảnh minh họa. Ảnh: Internet.

Trong công văn đã nêu đích danh những phiên bản thư viện OpenSSL bị dính lỗ hổng Heartbleed là các phiên bản 1.0.1x bao gồm: 1.0.1, 1.0.1-beta1, 1.0.1-beta2, 1.0.1-beta3, 1.0.1a, 1.0.1b, 1.0.1c, 1.0.1d, 1.0.1e, 1.0.1f.

VNCERT cũng dẫn công bố của hãng Codenomicon về một số phiên bản hệ điều hành Linux có sử dụng các phiên bản OpenSSL bị lỗi cần cập nhật nâng cấp để đảm bảo an toàn khi sử dụng, gồm: Debian Wheezy (bản stable), Ubuntu 12.04.4 LTS, CentOS 6.5, Fedora 18, OpenBSD 5.3 và 5.4, FreeBSD 10.0, NetBSD 5.0.2, OpenSUSE 12.2.

VNCERT đánh giá đây là một trong những lỗi an toàn thông tin rất nghiêm trọng, phạm vi ảnh hưởng rộng, có khả năng gây mất thông tin trong nhiều ứng dụng tài chính, ngân hàng, thư điện tử... có sử dụng giao thức truyền tin siêu văn bản an toàn HTTPS sử dụng giao thức TLS của thư viện OpenSSL có lỗi để mã hóa dữ liệu trên đường truyền.

Theo khuyến cáo của VNCERT, muốn biết hệ thống có bị lỗi OpenSSL hay không, các cơ quan, tổ chức cần thực hiện lệnh “openssl version”, sau đó đối chiếu phiên bản OpenSSL do hệ thống trả về với danh sách phiên bản OpenSSL có lỗi.

Cách tốt nhất để khắc phục lỗi an toàn thông tin đặc biệt nghiêm trọng nêu trên là nâng cấp thư viện OpenSSL lên phiên bản mới nhất (hiện tại là phiên bản 1.0.1g). Bên cạnh đó, để ngăn chặn tin tặc lợi dụng khai thác thông tin, có thể áp dụng biện pháp cập nhật cơ sở dữ liệu của các thiết bị IPS hoặc IDS để phát hiện và ngắt truy cập tấn công khai thác điểm yếu lỗ hổng.

Theo ICTnews




Bình luận

  • TTCN (0)