Vào thập niên 1980, tạp chí Byte là tờ báo mơ ước của giới "sành công nghệ". 30 năm sau, trong thời đại smartwatch bùng nổ, một bức ảnh trên bìa của tờ Byte tháng 4/1981 trở thành một kiệt tác nghệ thuật cho thấy khả năng dự đoán về công nghệ rất… kém cỏi của con người.
Những người ưa thích công nghệ vi tính từ thập niên 1970, 1980 chắc chắn sẽ không thể quên được các bức tranh rất ấn tượng của họa sĩ Robert Tinney trên bìa tờ Byte. Tất cả các tác phẩm của Tinney đều mang đậm tính tưởng tượng, tuyệt đẹp và đôi khi rất hài hước. Thực tế, khi thay thế các bức vẽ của Tinney bằng các bức ảnh chụp máy tính "thông thường", tờ Byte đã mất đi một phần tâm hồn rất "riêng" của mình.
Trong một lần lướt trên Internet, biên tập viên Harry McCracken đã vô tình tìm ra cuốn bìa của tờ Byte phát hành vào tháng 4/1981. Bức ảnh này sau đó đã được chia sẻ lên Twitter và nhận được hàng nghìn lượt thích, chia sẻ.
Dĩ nhiên, đây là một bức ảnh mang tính chất hài hước. Trong năm 2014, ý tưởng rằng một thiết bị điện toán đeo tay có cả ổ đĩa mềm (floppy), bàn phím QWERTY đầy đủ và màn hình văn bản bé tí xíu là một ý tưởng rất buồn cười. Trong năm 1981, ý tưởng này cũng chỉ là một trò đùa của Byte và Tinney: các biên tập viên của tờ tạp chí này vào thời điểm đó đã chỉ ra rất rõ ràng rằng không phải vô cớ mà chiếc đồng hồ "siêu thông minh" kia lại được chọn làm bìa cho một tập tạp chí phát hành vào tháng 4 (ám chỉ tới ngày Cá tháng Tư 1/4).
Song, 33 năm sau, bức tranh hài hước này vẫn có thể mang tới những cảm xúc công nghệ rất đặc biệt.
Trước hết, bức tranh này cho chúng ta thấy rằng smartwatch không phải là ý tưởng của thập niên 2010. Ngay từ năm 1981, các công ty công nghệ đã cố gắng tạo ra những chiếc đồng hồ thông minh đầu tiên: bức tranh của Tinney thực ra đã được xây dựng dựa trên ý tưởng của những sản phẩm thật. Trong số này có thể kể tới chiếc HP-01, một "trợ lí thông tin cá nhân" ra mắt vào năm 1977.
Đến thế kỉ 21, thị trường smartwatch đã tiến những bước rất dài. Song, "bài toán smartwatch" vẫn chưa được giải một cách triệt để: nhiều người vẫn không cần sử dụng tới đồng hồ thông minh trong cuộc sống hàng ngày. Bạn có thể hình dung ra bất kì một chiếc "máy tính viễn tưởng" nào và đặt nó lên một chiếc smartwatch. Đó chính là điều Tinney đã làm vào năm 1981.
Điều kì lạ thứ hai mà bạn có thể nhận thấy là dù công nghệ đã phát triển theo cấp số mũ trong vòng 33 năm vừa qua, những chiếc smartwatch hiện đại vẫn có rất vấn đề chung với ý tưởng của Tinney từ những năm 1980. Các mẫu đồng hồ thông minh hiện tại vẫn chưa có công nghệ màn hình tối ưu, chưa thể nhập liệu và lưu trữ dữ liệu dễ dàng như mong muốn. Ngay cả Pebble Steel, một trong những mẫu smartwatch tốt nhất trên thị trường hiện nay, vẫn có thiết kế quá giống với chiếc đồng hồ thông minh của Tinney (chỉ thiếu bàn phím QWERTY).
Cuối cùng và quan trọng nhất, chiếc smartwatch của Tinney là một ví dụ rất trực quan cho thấy vì sao (phần lớn) chúng ta đều rất kém cỏi trong việc dự đoán các công nghệ của tương lai. Chúng ta thường tưởng tượng ra rằng các sản phẩm tương lai sẽ rất giống với các sản phẩm hiện tại đang có mặt trên thị trường – những sản phẩm mà chúng ta biết rất rõ. Chúng ta đem chắp vá các ý tưởng lại với nhau, mang một ý tưởng rất hay lên một sản phẩm không-phù-hợp. Nói tóm lại, "giấc mơ" về các sản phẩm mới của phần lớn mọi người đều không đủ lớn.
Ví dụ điển hình cho nhận định này là chiếc iPhone đã khởi đầu cho trào lưu smartphone màn hình cảm ứng. Khi thông tin về việc Apple chắc chắn sẽ ra mắt một chiếc "iPhone" xuất hiện, Internet nhanh chóng xuất hiện các ý tưởng kì cục mô tả chiếc iPhone của tương lai. Các nhà thiết kế của Internet dựng ra những chiếc iPhone có hình dạng giống như điện thoại nắp gập, hoặc thậm chí là những chiếc iPod có hàng phím số rất lớn.
Số lượng các bản thiết kế ý tưởng của chiếc iPhone vào thời điểm đó là rất nhiều, nhưng chẳng ai hình dung ra được chiếc iPhone mà Steve Jobs đã dùng để thay đổi thế giới cả.
Cần phải nhắc lại rằng bức tranh mà Tinney dùng làm bìa tờ Byte vào năm 1981 là một bức tranh biếm họa hài hước. Song, sự thật là một nhà "tiên tri công nghệ" vào thời điểm đó có lẽ cũng sẽ hình dung ra một chiếc smartwatch tương tự một cách hoàn toàn nghiêm túc. Đây là chiếc PC của thập niên 1981, được thu nhỏ vào một chiếc đồng hồ đeo tay.
3 thập niên trước, bất kì ai nói đến dung lượng lưu trữ hàng gigabyte, các màn hình cảm ứng độ phân giải siêu cao, khả năng kết nối với bất kì một thiết bị điện toán nào trên toàn cầu hoặc các thiết bị cá nhân có thể vừa chụp ảnh, vừa nghe nhạc đều sẽ bị coi là một kẻ quá "mê mẩn" khoa học viễn tưởng. Ngay cả các đơn vị nghiên cứu nổi tiếng là sáng tạo như Trung tâm Nghiên cứu Palo Alto của Xerox vào thời điểm đó có lẽ cũng khó có thể hình dung ra được rằng các giao diện đồ họa hiện đại do họ khởi xướng sẽ được tích hợp vào những chiếc đồng hồ như Pebble hay Moto 360.
Đến ngày hôm nay, suy nghĩ về smartwatch của chúng ta bị bó buộc trong giới hạn rằng smartwatch sẽ là smartphone thu nhỏ. Đó là tất cả những gì chúng ta có thể nghĩ đến và cũng là giới hạn cho tất cả các sản phẩm smartwatch có mặt trên thị trường, từ Pebble cho tới Glaxy Gear. Song, bài học của quá khứ chỉ ra rằng: sự khác biệt giữa một chiếc đồng hồ thông minh "có thể thay đổi thế giới" (cho đến giờ vẫn chưa xuất hiện) so với một chiếc smartphone của năm 2014 có lẽ sẽ không hề nhỏ bé hơn sự khác biệt của chiếc iPhone so với chiếc máy tính cá nhân của năm 1981.
Theo VnReview/Time
Bình luận