1/4 học sinh trung học có nguy cơ nghiện smartphone
Trên mỗi chuyến tàu điện ngầm ở thành phố Seoul (Hàn Quốc), bạn sẽ bắt gặp các đám đông sinh viên, học sinh trung học vùi mặt vào những chiếc smartphone và dường như không quan tâm tới mọi thứ xung quanh.
Tại Hàn Quốc, quê hương của hãng điện tử nổi tiếng Samsung và là nơi có tốc độ truy cập Internet nhanh nhất thế giới, những người trẻ tuổi đang ngày càng chìm đắm vào những thú vui kĩ thuật số, tới mức Chính phủ Hàn Quốc bắt đầu lo ngại.
Theo một số nghiên cứu mới đây, ngày càng nhiều thanh thiếu niên Hàn Quốc có nguy cơ mắc chứng nghiện smartphone mà các nhà tâm lí học gọi là “nomophobia” (hội chứng bất an khi không tiếp xúc với điện thoại).
Theo Cơ quan Thông tin Xã hội Quốc gia Hàn Quốc (National Information Society Agency), cứ bốn học sinh trung học Hàn Quốc thì có một người đứng trước nguy cơ mắc chứng bệnh trên, gấp hai lần tỉ lệ 11% hồi năm 2013. Cơ quan này đã khảo sát 15.600 người dùng smartphone tuổi từ 10 tới 54.
Nghiên cứu này cũng phát hiện ra rằng 9% người trưởng thành có nguy cơ quá lệ thuộc vào smartphone. Theo một nghiên cứu của Chính phủ Hàn Quốc, những người có nguy cơ nghiện smartphone dành trung bình 5,5 giờ mỗi ngày cho chiếc điện thoại. Mỗi người dùng bình thường ở Hàn Quốc đang dành hơn 4 giờ mỗi ngày cho smartphone.
Sau khi khảo sát 5000 học sinh từ lớp 4 tới trung học, ngày 8/4/2014, chính quyền thành phố Seoul cảnh báo là 16% thanh thiếu niên thành phố đang có nguy cơ nghiện smartphone, trong đó 4% nằm trong nhóm “nguy cơ rất cao”.
Khoảng 70% dân số Hàn Quốc đang sử dụng smartphone, cao hơn đáng kể so với tỉ lệ 58% người Mỹ (tính tới tháng 1/2014) và 55% người Canada (2013).
Lí do dẫn tới thực tế này rất rõ ràng. Chính phủ Hàn Quốc đã tích cực thúc đẩy sự phát triển của mạng Internet như một phần chiến lược phát triển quốc gia. Hàn Quốc là nước đầu tiên tung ra mạng LTE-A hồi mùa hè năm ngoái. Hàn Quốc còn dự định ra mắt mạng 5G vào năm 2017, hứa hẹn cho phép tải về một bộ phim dài chỉ trong vòng một giây.
Chứng nghiện smartphone đang gây hại cho Hàn Quốc
Năm 2013, một cuộc khảo sát được tiến hành với gần 200 thanh thiếu niên Hàn Quốc cho thấy những người sử dụng thiết bị di động quá nhiều thường xuyên bị mất khả năng tập trung và thậm chí cảm thấy bị công kích, nhiều hơn hẳn những người ít khi dùng điện thoại. Theo nghiên cứu của Đại học Michigan, chứng ám ảnh phải kiểm tra điện thoại, đặc biệt trước khi đi ngủ, có thể gây mất ngủ.
Anh Hyuk-joo Yoon, một thanh niên Hàn Quốc 20 tuổi chuẩn bị bước vào hai năm nghĩa vụ quân sự bắt buộc, hi vọng sẽ tạo được tiền đồ tốt. Nhưng Yoon cho biết, kể từ khi anh cảm thấy khó rời mắt khỏi chiếc điện thoại, anh nhận thấy mình gặp khó khăn khi giao tiếp và tập luyện. Yoon chia sẻ: “Nó giống như tôi không thể tập trung vào việc gì”.
Các chuyên gia nói rằng những áp lực của cuộc sống sinh viên cũng làm gia tăng chứng nghiện smartphone. Ngoài ra, áp lực phải bằng bạn bằng bè và tác động xã hội cũng rất phổ biến ở xã hội Hàn Quốc.
Hàn Quốc nổi tiếng là một xã hội có áp lực cao. Học sinh ở đây thường xuyên cảm thấy căng thẳng trước áp lực phải đạt điểm số cao. Chúng phải tham gia các trung tâm luyện thi và có thể phải học tập quá sức vào ban đêm để chuẩn bị cho kì thi tuyển sinh đại học nghiêm ngặt.
Trong khi smartphone, với nguồn nội dung phong phú như game, âm nhạc, ứng dụng… có thể giúp học sinh thư giãn sau những giờ học căng thẳng, chúng cũng có nguy cơ làm giảm khả năng tập trung. Hơn nữa, smartphone còn là phương tiện để trẻ dễ dàng tiếp cận nội dung khiêu dâm và bạo lực.
Ngoài ra, trẻ dễ chịu áp lực phải sở hữu smartphone đời mới để không thua kém bạn bè. Những học sinh không dùng smartphone có thể bị cô lập.
Chính phủ bắt đầu hành động
Các quan chức Hàn Quốc đã thực thi lệnh “giới nghiêm” vào ban đêm đối với những game thủ máy tính dưới 16 tuổi. Hiện tại, chính quyền nước này cho biết họ có thể mở rộng lệnh giới nghiêm đối với người chơi game trên smartphone, và phát hành những ứng dụng có thể kiểm duyệt nội dung không phù hợp. Ngoài ra, chính phủ có thể sẽ cử các chuyên gia cai nghiện smartphone tới chia sẻ tại lớp học với sinh viên, học sinh.
Theo ICTnews
Bình luận