Trong thế giới net, nếu trước đây người ta chỉ biết dùng bản đồ để tìm đường, thì nay họ có thể tìm hiểu về tình trạng phạm tội ở từng khu vực, nghiên cứu thời tiết, chọn lựa trường học. Tất cả đều nằm trên các mạng.
Ở Mỹ, người ta có thể tìm các trạm đổ xăng, khách sạn, nhà máy thủy điện ở từng bang qua Google. James Lamb, một thanh niên mê vẽ trên hè phố (graffiti), còn lập ra một bản đồ ghi lại những bức vẽ trong thành phố để theo dõi những nơi nào còn trống và thông báo để những "họa sĩ" khác bổ sung.
Còn ở Việt Nam, họ có thể vừa tìm những địa danh trên bản đồ các thành phố, vừa xem ảnh chụp của những thành phố đó. Những thành viên của trang web này còn ghi chú lên bản đồ những tin tức vừa xảy ra. Người sử dụng có thể nhìn thấy ngay vị trí các tòa nhà ở Hà Nội bị ảnh hưởng do trận động đất và địa điểm vụ đắm tàu trên sông Sài Gòn hồi tháng năm.
Dần dà, ngành vẽ bản đồ không còn là đặc quyền của các cơ quan địa lý nữa. "Bản đồ trái đất đang ngày càng chi tiết hơn," ông John Hanke, giám đốc sản phẩm Google Maps, nói. Nghĩa là nếu rành rẽ hệ thống xe buýt của TP.HCM, bạn sẽ thấy chẳng khó khăn gì khi nhìn hình chụp từng con đường, click chuột để ghi dấu từng trạm xe buýt. Kết quả cuối cũng: bạn sẽ có một tấm bản đồ riêng về các tuyến xe buýt ở thành phố để chia sẻ nó với nhiều người khác.
Bản đồ trực tuyến đã hiện diện từ rất sớm trên Internet, nhưng chỉ khi các cỗ máy tìm kiếm cạnh tranh gay gắt để giành khách hàng, thì cuộc cách mạng trong ngành bản đồ mới diễn ra. Đó là hai năm trước, khi Google, Yahoo, Microsoft đồng loạt cho ra đời các công cụ bản đồ trực tuyến với khả năng hiển thị ảnh chụp vệ tinh chi tiết đến từng ngôi nhà. Và một điều mà không một bản đồ truyền thống nào làm được là chúng cho phép hàng triệu cư dân mạng tham gia chế ra đủ loại bản đồ khác nhau để phục vụ nhu cầu đa dạng của mình.
Trên trang web lưu trữ và chia sẻ hình ảnh Picasa của Google, người ta có thể kéo thả từng tấm ảnh vào bản đồ để ghi chú vị trí chụp ảnh. Trang Flickr, đối thủ của Picasa, cũng có chức năng tương tự. Điều này có nghĩa là với hàng triệu người cùng đánh dấu vị trí chụp ảnh và chia sẻ ảnh với nhau, bạn không cần phải ra Côn Đảo, Sapa hay bất cứ một nơi nào khác trên thế giới mới có thể biết được từng khách sạn, quán ăn, thắng cảnh tại nơi đó. Bạn chỉ cần dùng một phần mềm như Google Earth và kết nối vào nguồn dữ liệu của Flickr là đã có thể thấy cảnh chụp, lời nhận xét của mọi người về nơi đó.
Đó chỉ là khởi đầu của cuộc cách mạng bản đồ số. "Khả năng tạo ra những điều thú vị, khả năng kể chuyện của bản đồ trực tuyến là vô hạn," theo Dan Gillmore, giám đốc trung tâm Báo chí toàn dân (citizen media) của Đại học Harvard (Mỹ) cho biết. Nếu Wikipedia mở ra kỷ nguyên mà mọi người đều có thể tham gia viết báo, các công cụ trực tuyến chỉ mới hé mở cánh cửa những điều thú vị mà con người có thể làm khi kết hợp hình ảnh, chữ viết và âm thanh lên chiếc bản đồ.
(Theo TTO)
Bình luận