Phát triển mô hình ICANN mới
Hội nghị kéo dài 2 ngày, tập trung thảo luận các vấn đề liên quan đến những nguyên tắc kiểm soát Internet cũng như vạch ra một phương hướng hoạt động nhằm đảm bảo an ninh, hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của công tác quản lí Internet. Sau những bê bối liên quan đến chương trình giám sát quy mô lớn của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA), Mỹ thông báo từ chối tiếp tục đảm nhận vai trò phụ trách giám sát Tổ chức cấp phát tên miền quốc tế (ICANN) khi hợp đồng kết thúc vào mùa thu năm 2015. Do vậy, tại hội nghị lần này, các đại biểu thảo luận khẩn cấp tìm cách hướng ICANN phát triển theo một mô hình mới sau khi Mỹ rút khỏi vai trò giám sát.
Tuy nhiên, vấn đề tranh luận hiện nay là nên duy trì mô hình quản lí “đa cổ đông” đối với Internet hay phát triển theo hướng cục bộ của từng quốc gia. Trong một tuyên bố đưa ra ngày 23/4, Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định Washington sẽ tiếp tục tìm kiếm sự hợp tác với hàng trăm đối tác khác tại NetMundial nhằm thúc đẩy phát triển mô hình quản lí “đa cổ đông” đối với Internet - một kiểu quản lí và đưa ra quyết định bằng hình thức đối thoại đa biên. Trước đó, một số nước như Trung Quốc và Nga cũng cho rằng việc giám sát các chức năng kĩ thuật của Internet cần được tiến hành bởi một nhóm các chính phủ hoặc một tổ chức liên chính phủ.
Nhiều nước muốn Internet cục bộ
Trong một động thái được đánh giá là sự chỉ trích mạnh mẽ nhất của cộng đồng quốc tế với chương trình gián điệp của Mỹ, Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã thông qua một nghị quyết nhằm bảo vệ quyền riêng tư đối với việc do thám bất hợp pháp vào cuối năm 2013. Nghị quyết do Đức và Brazil soạn thảo sau những tiết lộ gây chấn động của cựu nhân viên CIA Edward Snowden, kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên Liên hiệp quốc đảm bảo quyền riêng tư cho người sử dụng Internet và các hình thức thông tin điện tử khác. Nghị quyết này khẳng định, những quyền cơ bản của con người khi tham gia các hoạt động trực tuyến phải được đảm bảo, trong đó bao gồm cả quyền riêng tư.
Tuy nhiên, bất chấp sự ra đời của nghị quyết trên, mới đây Chính phủ Brazil đã quyết định loại bỏ hệ thống thư điện tử của Microsoft và hướng tới Internet cục bộ quốc gia, dạng Balkanization chứ không phải Internet toàn cầu.
Đức cũng đang lên kế hoạch dẫn dắt tạo ra Internet cục bộ quốc gia cho người dân Đức. Trong một lần phát biểu trước đây khi biết bị NSA nghe lén điện thoại, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nói: Hãy tưởng tượng “mạng của tất cả các mạng”, một Internet trải rộng toàn cầu, đang trở thành một cánh cổng rất lỏng lẻo.
Sự vi phạm của NSA đã đẩy các nước như Đức và Brazil buộc phải tự bảo vệ mình. Trong 28 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU), Đức đang dẫn đầu trong việc thúc đẩy các biện pháp bảo vệ các truyền thông Internet nội bộ khỏi những dịch vụ tình báo nước ngoài.
Còn tại Mỹ Latinh, một loạt các nước như Argentina, Venezuela, Ecuador, Panama, Costa Rica, Nicaragua, Honduras, Paraguay, Chile, Peru và El Salvador - từng là nạn nhân bị NSA do thám (theo tiết lộ của Edward Snowden) – cũng đã lên án mạnh mẽ hành động của Washington và cũng đã nhất trí xây dựng một kế hoạch chung nhằm đối phó với các hoạt động do thám của Mỹ, đồng thời tìm kiếm hướng phát triển Internet an toàn hơn.
Theo SGGP
Bình luận