Vào ngày 24/4 vừa qua, Thành Công Mobile đã cho ra mắt 2 smartphone với thương hiệu Việt Bavapen là B508 và B518.
Khi được hỏi về việc tại sao đến thời điểm này Thành Công Mobile mới chính thức nhảy vào phân khúc smartphone thương hiệu Việt giá rẻ, trong khi các hãng lớn như Samsung, Nokia và thậm chí Asus đang đẩy mạnh phân khúc này và sự cạnh tranh sẽ rất lớn.
Ông Nguyễn Quốc Bảo, Tổng giám đốc Thành Công Mobile cho biết, đúng là Nokia và Samsung hay các hãng lớn khác đang đẩy mạnh phân khúc này và theo ông Nokia, Samsung cũng đã “giết” rất nhiều hãng điện thoại thương hiệu Việt khác, làm cho họ đã phải từ bỏ thị trường. Cụ thể, cách làm của các hãng nước ngoài này là sẵn sàng đẩy giá sản phẩm xuống cực thấp, thậm chí là chấp nhận bán “lỗ” ở phân khúc tầm thấp, để ép chết các thương hiệu Việt, sau đó chiếm thế độc quyền và đẩy giá sản phẩm lên cao. Chính vì thế việc Thành Công Mobile ra mắt smartphone thương hiệu Việt vào thời điểm hiện tại, nhằm giúp người dùng có sự lựa chọn phong phú hơn, đặc biệt là về mức giá, và việc này sẽ khiến cho các hãng lớn như Nokia, Samsung…không độc quyền ở phân khúc tầm thấp để đẩy giá sản phẩm cao lên, người dùng sẽ được mua smartphone giá rẻ hơn.
Nhận định của ông Bảo có vẻ như đang đổ mọi tội lỗi cho Samsung và Nokia, nhưng theo những người am hiểu thị trường và ngành điện thoại di động cho rằng, đó là một nhận định có phần chủ quan và chưa chính xác. Bởi theo họ, thực tế các hãng điện thoại thương hiệu Việt đã “tự giết mình” nhiều hơn, vì chậm có sự thay đổi cũng như nắm bắt thời cơ.
Còn nhớ, khoảng thời gian 2009 – 2010, là thời “vàng son” của các hãng điện thoại thương hiệu Việt, khi họ thống trị ở phân khúc tầm thấp với 30 thương hiệu khác nhau, có thời điểm theo GFK thị phần của các hãng điện thoại này chiếm tới 30% số lượng điện thoại bán ra ở trong nước. Lí giải cho sự thành công này theo những người làm trong ngành là các công ty điện thoại thương hiệu Việt lúc đó, đã biết tận dụng việc các hãng lớn như Nokia hay Samsung, LG…chưa quan tâm đến phân khúc cấp thấp, 2 SIM, giá rẻ, chính vì thế họ có cơ hội và liên tục đánh mạnh vào phân khúc này.
Thế nhưng, niềm vui lớn cũng chẳng tày gang, bước sang năm 2011, Samsung, LG và đặc biệt là Nokia đã bất ngờ chuyển hướng, tập trung mạnh vào cả phân khúc cấp thấp và tiến hành dàn trải đều trên các phân khúc tầm trung…Và với thế mạnh của mình, họ nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường và ngay lập tức đẩy các hãng điện thoại thương hiệu Việt vào vòng lao đao, nhiều hãng ra đi ngay sau đó, có thể kể đến Hi-Mobile, Avio hay BluePhone...
Việc các thương hiệu Việt phải ra đi trong cuộc chiến này, thực tế do họ quá chậm thay đổi và nắm bắt cơ hội, họ đã quen với việc được “ăn sẵn” mà không quan tâm đến thị trường đã có những thay đổi lớn và người dùng cũng đã bắt đầu thông minh hơn trong chọn lựa của mình.
Và thực tế, chỉ có những công ty có kinh nghiệm, biết thay đổi và nắm bắt thời cuộc, hoặc là những công ty có hậu thuẫn lớn về tài chính mới tồn tại được. Mobiistar, Q-Mobile, Viettel hay FPT Mobile là những ví dụ điển hình. Trong đó, phải kể đến nhất là Mobiistar, so với các hãng còn lại tài chính họ không thể mạnh bằng, nhưng họ có kinh nghiệm và nhanh chóng thay đổi. Cụ thể, khi biết điện thoại phổ thông khó còn cạnh tranh được với các hãng lớn như Nokia, họ nhảy qua phân khúc tiền smartphone để tạo cho người dùng thói quen trước và ngay sau đó họ tiến hành đi thẳng vào phân khúc smartphone giá rẻ với các dòng sản phẩm đình đám như Touch S01, Touch LAI, Touch Bean…và giờ họ được xem là hãng điện thoại thương hiệu Việt có những bước tiến chắc chân nhất trên thị trường.
Chính vì thế, trong cuộc chơi trong ngành điện thoại di động, theo các chuyên gia, mọi người đều có cơ hội, tuy nhiên người biết nắm bắt mới có thể thành công, chứ không thể đổ lỗi cho những nguyên nhân ngoài chuyên môn được.
Theo ICTnews
Bình luận