Trong 4 năm qua, các nhà sản xuất máy tính xách tay đã làm mọi cách để thay đổi mẫu mã của sản phẩm. Từ thiết kế nhỏ gọn hơn (Netbook), mỏng hơn (Ultrabook) đến các kiểu máy tính chuyển đổi, lật, xoay màn hình, tách rời bàn phím... Màn hình cảm ứng cũng trở thành một chuẩn mới trên laptop khi Windows 8 xuất hiện.

Đâu là nguyên nhân khiến cho Apple, một trong những hãng công nghệ tiên tiến nhất lại muốn "đóng băng" sản phẩm của mình và nằm ngoài các tiến bộ của công nghệ mới?

Trả lời cho câu hỏi này, Trưởng bộ phận Phân tích máy tính của PC Magazine Labs, Joel Santo Domingo cho rằng Apple nhận thấy thiết kế của họ cách đây 4 năm đã đáp ứng được nhu cầu của người dùng và không cần thiết cải tiến.

Bộ khung của MacBook Air được thiết kế để đủ chứa bo mạch chủ, bộ nhớ hệ thống, đĩa Flash và pin đủ để chạy trong 10 tiếng.

Phiên bản 11 inch có kích thước hoàn hảo của một laptop gọn nhẹ, có thể sử dụng cơ động như các máy tính bảng kích thước chuẩn. Trong khi đó, phiên bản 13 inch vẫn là một trong những máy tính xách tay nhỏ gọn và thiết kế đẹp nhất thị trường. Cả hai phiên bản đủ mạnh để chạy tất cả các ứng dụng văn phòng phổ biến và ứng dụng đa phương tiện như Photoshop và Final Cut Pro.

Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất là người tiêu dùng tiếp tục chấp nhận và hài lòng với thiết kế hiện tại của MacBook Air.

Việc cần rất nhiều thời gian để thay đổi thiết kế của dòng sản phẩm cũng là một đặc điểm truyền thống của Apple, MacPro là một ví dụ.

Sản phẩm này đã được cập nhật mới vào năm ngoái với những thay đổi lớn. Trước đây, MacPro xuất hiện với tên gọi Apple Power Mac G5 vào năm 2003 và đem đến những bước thiết kế đột phá ở thời điểm đó với logo cái táo cắn dở ở mặt bên, phía trước và sau là lưới thoáng khí.

Sau 3 năm, Power Mac G5 được cải tiến và có tên gọi mới Mac Pro. "Nội thất" được tân trang, một số cổng thay đổi, nhưng về cơ bản vẫn giữ thiết kế cũ.

Trong 6 năm sau đó, Apple tiến hành nâng cấp cấu hình phần cứng và phần mềm cho Mac Pro, nhưng thiết kế vẫn được giữ nguyên.

Mãi đến năm ngoái, "ngoại hình" của Mac Pro mới được tân trang lại và hoàn toàn không giống bất cứ máy tính để bàn nào trên thị trường hiện nay.

Trở lại với MacBook Air, sau 4 năm, có thể nhiều người cho răng thiết kế của năm 2010 đã "cổ xưa", tuy nhiên sản phẩm này vẫn còn nhiều đặc điểm ưu việt. Màn hình cảm ứng đối với máy Mác sẽ là vô nghĩa, trừ phi Mac OS X được thiết kế lại để hỗ trợ tính năng này. Độ phân giải 1366 x 768 pixel trên màn hình 11 inch vẫn đang là chuẩn phân giải phổ biến trên máy tính Windows. Nếu như mang độ phân giải Full HD hoặc cao hơn lên màn hình 11 inch, kèm theo giá bán đội lên 1.200 USD thay vì 899 USD như hiện tại thì "cải tiến" này không thực sự mang lại lợi ích.

Kết thúc bài viết của mình, Joel Santo Domingo cho rằng ngay cả việc nâng cấp màn hình MacBook Air lên độ phân giải Retina vào thời điểm này cũng không thực sự cần thiết. Điều mà ông quan tâm là làm thể nào để MacBook Air có thể giữ được thời lượng pin như hiện tại nhưng vẫn đáp ứng các hiệu suất cao hơn khi được nâng cấp phần mềm, còn về thiết kế, như hiện tại là đã tuyệt vời!

Theo PC Magazine




Bình luận

  • TTCN (0)