Robot tự nhân bản RepRap (phải) và “Kẻ hủy diệt” trong phim Terminator (trái).

Tại Festival Khoa học ở Cheltenham (Anh) diễn ra từ ngày 4 đến 8/6, nhóm nghiên cứu của tiến sĩ A. Bowyer thuộc Đại học Bath (Anh) công bố mô hình RepRap (Replicating Rapid-prototyper – nguyên mẫu nhân bản nhanh), robot thế hệ mới có khả năng tự nhân bản một loạt bộ phận 3 chiều.

Khách tham quan festival này có thể lần đầu tiên nhìn thấy những RepRap “cha mẹ” và “con” cùng hoạt động.

Sử dụng kỹ thuật có tên “chế tạo bổ sung”, RepRap hoạt động như máy in nhưng thay vì phun mực lên giấy, nó phun mực xuống những lớp nhựa mỏng cứng. Những lớp nhựa này được dùng tạo những vật thể 3 chiều. RepRap từng chế được những vật dụng bằng nhựa như tay nắm cửa, giày, móc áo và hiện thành công trong nhân bản tất cả vật thể 3 chiều. Vik Olliver ở Auckland (New Zealand) đã cho in và lắp ráp một RepRap, rồi RepRap này lại tự nhân bản các bộ phận y hệt để tạo thêm... RepRap khác. Trong 25 năm qua, những máy in 3 chiều đã được bán trên thị trường và được các hãng xe hơi sử dụng nhưng RepRap là chiếc máy đầu tiên có thể “in” ra chính mình.

Theo tiến sĩ Bowyer, khác với con người không thể tự nhân bản nếu không được cung cấp các amino acid, poly saccharide và chất béo ở những dạng phức tạp, RepRap có thể tự nhân bản tất cả bộ phận quyết định hình thể và làm nó hoạt động cơ học được. Chỉ cần các nhà khoa học “đóng góp” thêm các chip điện tử, đai ốc và bu lông, cùng một vài thứ khác... Mục tiêu kế tiếp của nhóm nghiên cứu là chế tạo một chiếc máy có thể tự tạo được hệ thần kinh và bộ não.

RepRap là thành quả tiếp sau công trình của nhóm tiến sĩ Hod Lipson ở Đại học Cornell, New York (Mỹ) chứng tỏ tự nhân bản cơ học là khả thi và không còn là đặc quyền của các loài sinh vật. Nhóm này đã chế tạo một thiết bị tự động có thể tự thiết kế, tự lắp ráp và thậm chí tự hủy diệt.

Trong lúc đó, nhiều nhà khoa học khác đang nghiên cứu loại robot hoạt động độc lập bằng cách cho chúng nạp năng lượng từ “thức ăn” như cà rốt và phân trộn. Nhóm của giáo sư Chris Melhuish ở Phòng Thí nghiệm robot tại Bristol (Anh) đã chế tạo robot Ecobot II có thể ăn xác ruồi muỗi hay thực vật và đang phát triển robot biết “bài tiết”.

Tuy nhiên, khi những khả năng đó được hợp nhất trong một chiếc máy, chắc chắn nó sẽ được chào đón không chỉ như một kỳ công mà với nhiều lo ngại rằng các “siêu robot” này có thể gây tai họa cho con người như trong phim Terminator?

(theo SGGP/Telegraph)




Bình luận

  • TTCN (0)