Ông Trần Thế Trung, Viện trưởng Viện Công nghệ FPT.

Tháng 2/2014, Tập đoàn FPT được Cục Sở hữu Trí tuệ (SHTT) thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cấp và bảo hộ cho bằng sáng chế mang tên "Hệ thống nhận biết trạng thái các ngón tay di chuyển và nhấn trên vùng không gian ảo giới hạn". Đây là bước đầu tiên trong hành trình khẳng định năng lực nghiên cứu của FPT. Ông Trần Thế Trung đã có cuộc trao đổi với VnExpress về những bước đi tiếp theo trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D) của FPT sau cột mốc này.

- Ông có thể mô tả ngắn gọn về bằng sáng chế mới được cấp của FPT?

- Ông Trần Thế Trung: Sáng chế này giúp người dùng có thể để tay bên trên điều khiển từ xa của TV và nhìn thấy vị trí ngón tay trên màn hình TV nếu cần. Chẳng hạn khi trên màn hình hiển thị bàn phím, có thể thấy vị trí các ngón tay được thể hiện trên bàn phím này và khi ngón tay nhấn thì nút của bàn phím ở chỗ ngón tay sẽ được ấn. Như vậy cho phép mình gõ bàn phím nhanh bằng nhiều ngón tay, thay vì phải ấn các nút bé xíu trên điều khiển. Mình cũng có thể làm động tác di chuột, hay các động tác "chạm" nhiều ngón khác (như với màn hình iPhone), xoay, kéo thả, trượt ...

- Ông đánh giá gì về triển vọng ứng dụng thực tế và khả năng thương mại hóa của ý tưởng mới này?

- Sản phẩm này có triển vọng đưa vào thực tế thông qua những đơn vị sản xuất thiết bị tương tác người với máy. Tuy vậy, mục đích của sáng chế này là tạo tiền đề cho các cán bộ công nghệ FPT nhận thấy việc sở hữu sáng chế là trong tầm tay. Do đó, khả năng thương mại hóa chưa được quan tâm. Các sáng chế về sau sẽ chú trọng hơn tới khả năng thương mại.

- Đã có nhiều sáng chế trong lĩnh vực giao diện người dùng và máy tính, vậy sự khác biệt của bằng sáng chế này là gì?

- Giải quyết cùng bài toán, nhưng sáng chế của FPT đưa ra phương án sử dụng phần cứng đơn giản mà vẫn tăng được dễ dàng độ chính xác trong nhận diện các ngón tay, loại bỏ các yếu tố gây nhiễu đến từ các hình ảnh phông nền sau ngón tay.

- Microsoft, Apple, Google... có hàng nghìn bằng sáng chế trong khi FPT mới có bằng sáng chế đầu tiên, bước đi tiếp theo trong lĩnh vực R&D của FPT sau cột mốc này như thế nào?

Sau thành công này, việc tạo ra các sáng chế trở thành công việc hàng ngày của các chuyên gia công nghệ trong FPT. Số lượng sáng chế mà FPT tạo được lên kế hoạch tăng dần theo sự phát triển của công ty. FPT đã nộp 25 đơn xin cấp bằng sáng chế lên cục Sở hữu trí tuệ và sắp gửi thêm 18 đơn khác. Tỉ lệ sử dụng sáng chế vào hoạt động thực tiễn ở FPT trong năm 2013 là khoảng 30% còn trong Q1/2014 đang là 100%.

Tôi tin trong tương lai, FPT sẽ có bằng sáng chế được sử dụng rộng rãi ở tầm quốc tế. FPT đã trao đổi với một đơn vị chuyên đầu tư, môi giới vào tạo tính thanh khoản cho sáng chế trên thị trường toàn cầu. Qua những hợp tác như vậy, chúng ta có thể mua, bán, đăng kí, thuê, chia sẻ lợi ích từ sáng tạo công nghệ của bản thân và của các nhóm phát triển công nghệ khác nhau trên thế giới.

- Theo ông vì sao các doanh nghiệp Việt bị đánh giá là ít mặn mà trong việc đăng kí cấp bằng sáng chế?

- Các mạng kinh doanh truyền thống của doanh nghiệp Việt thường ít phụ thuộc vào khả năng độc quyền về công nghệ. Hơn nữa, rất nhiều công nghệ cần thiết cho kinh doanh đã được phát triển ở các nước lớn trên thế giới và nếu cần độc quyền khai thác thì doanh nghiệp Việt có thể thỏa thuận mua lại thay vì tự sáng tạo - đây là cách làm phù hợp. Chỉ một số ít công nghệ liên quan đến đặc thù của Việt Nam thì chưa được phát triển và nằm trong khả năng phát triển của doanh nghiệp Việt Nam và nếu những đơn vị mạnh có tầm nhìn chiến lược tốt thì có thể khai thác và phát triển.

Không có bằng chứng cho thấy người ở nước này kèm sáng tạo hơn người ở nước khác, người Việt có ít bằng sáng chế là vì nhu cầu chưa cấp thiết như nói ở trên và phương pháp luận sáng tạo chưa được phổ biến.

- Việt Nam vẫn đang có tỉ lệ vi phạm bản quyền lớn nhất thế giới, điều này có gây khó khăn gì cho các doanh nghiệp trong việc đăng kí bảo hộ sáng chế?

- Theo tôi là không, vì tỉ lệ vi phạm bản quyền lớn chứng tỏ nhu cầu cao của người dùng và đây mới chính là cơ hội lớn cho bảo hộ sở hữu trí tuệ.

Một chiến lược trong khai thác quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ là phải xây dựng thị trường trước, bằng cách cho người dùng được tiếp cận với sản phẩm công nghệ, rồi mới khai thác. Việc vi phạm bản quyền, dù là hành vi phạm pháp của người dùng, lại là một trong các phương án tạo dựng nhanh thị trường cho người sở hữu công nghệ. Khi thị trường đủ lớn, chắc chắn có thể khai thác được từ quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ nếu muốn.

- Các doanh nghiệp Việt Nam như FPT cần làm gì để nâng cao số lượng bằng sáng chế trong tương lai?

Không ngần ngại khai thác các sáng tạo công nghệ, dù nhỏ nhất, đã và đang có trong hoạt động phát triển sản phẩm hàng ngày của mình, để biến chúng thành các bảo hộ độc quyền công nghệ. Ngoài ra, chúng ta nên thử áp dụng các phương pháp luận sáng tạo đã có trên thế giới, đặc biệt để áp dụng trực tiếp cho những vấn đề công nghệ mà doanh nghiệp đang vấp phải từ hoạt động thực tế.

Tại FPT, chúng tôi vẫn đang thử áp dụng các phương pháp luận một cách có hệ thống để sáng chế, và kết luận quan điểm trên là chính xác hay không sẽ được công bố trong thời gian tới, khi có đủ nhiều sáng chế được tạo ra theo các phương pháp luận này.

Theo VnExpress




Bình luận

  • TTCN (0)