Huawei

Huawei là thương hiệu lớn tại thị trường Trung Quốc và nhiều nước trên thế giới. Theo xếp hạng mới nhất của Công ty Nghiên cứu thị trường Canalys, Huawei hiện đang đứng thứ 3 thế giới.

Tại thị trường điện thoại Việt Nam, hãng này chính thức tuyên bố “tham chiến” trong năm 2013 với trước mắt nhắm đến các dòng smartphone thuộc phân khúc tầm trung và bình dân, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện thoại cảm ứng đa chức năng, cấu hình cao và giá bán phù hợp với số đông người tiêu dùng Việt Nam.

Trao đổi với báo giới cuối tháng 4/2014, ông Yuan Song, Tổng Giám đốc Huawei Việt Nam đã tuyên bố hãng công nghệ này đặt tham vọng trong 1-2 năm tới sẽ chiếm lĩnh khoảng 10-15% thị phần smartphone tại Việt Nam.

OPPO

OPPO chính thức gia nhập thị trường điện thoại Việt Nam từ tháng 4/2013 với những sản phẩm chủ yếu nhắm đến đối tượng khách hàng trẻ tuổi.

Theo thông tin ông Đỗ Quang Kha, Giám đốc Kinh doanh của OPPO Việt Nam đưa ra tại thời điểm cuối năm 2013, mỗi tháng điện thoại này có tốc độ tăng trưởng sản phẩm thiêu thụ đạt 100% (theo một số nguồn tin, doanh thu của OPPO có tháng lên tới khoảng 30 tỉ đồng - PV), đồng thời mục tiêu của OPPO là trong vòng 3-5 năm tới sẽ nằm trong top 3 nhà sản xuất smartphone chiếm thị phần hàng đầu tại Việt Nam.

Lenovo

Nếu so với các thương hiệu điện thoại “đồng hương” Trung Quốc, Lenovo có “tuổi đời” vào Việt Nam sớm hơn cả (khoảng hơn 7 năm nay). Tuy nhiên, trong chừng ấy năm, do không có nhiều “cửa” ở phân khúc cao cấp nên Lenovo cũng chủ yếu cạnh tranh ở phân khúc tầm trung và giá rẻ.

Tại Việt Nam, trong suốt thời gian qua Lenovo gần như không tung ra nhiều hoạt động khuyếch trương thương hiệu, xuất hiện khá mờ nhạt so với nhiều thương hiệu điện thoại Trung Quốc mới nổi. Và nếu nhắc đến Lenovo, có lẽ số đông người tiêu dùng Việt Nam biết đến đây là thương hiệu kinh doanh máy tính nhiều hơn là mảng điện thoại.

Gionee

Ra mắt thị trường Việt Nam mới được vài tháng gần đây, Gionee được coi là “tân binh” so với các thương hiệu điện thoại Trung Quốc đang có mặt tại Việt Nam.

Tương tự như hầu hết các mẫu điện thoại Trung Quốc khác, thương hiệu này chạy theo xu hướng sản phẩm giá rẻ, cấu hình khủng. Gionee hiện đang bán ra thị trường Việt Nam nhiều sản phẩm với giá từ vài trăm nghìn đồng cho tới model cao cấp nhất giá gần 9 triệu đồng.

Haier

Thương hiệu điện thoại Trung Quốc Haier Mobile vào thị trường điện thoại di động Việt Nam từ tháng 10/2013.

Trưởng đại diện Haier tại thị trường Việt Nam, ông Đỗ Giang Vinh cho rằng, với chiến lược “phổ cập hóa smartphone tới người dân Việt”, Haier sẽ tung ra các sản phẩm với giá bán phù hợp với nhu cầu của đa số người tiêu dùng.

Phía Haier không nêu rõ mục tiêu đặt ra về thị phần nhưng nhận định, tại Việt Nam hiện vẫn còn khoảng 70% người dùng sử dụng điện thoại thông thường với tính năng chủ yếu là nghe gọi, nhắn tin. Do đó, cơ hội cho smartphone và cơ hội cho Haier vẫn rất tiềm năng.

Việt Nam hiện đang được coi là mảnh đất màu mỡ của các hãng điện thoại. Năm 2013, tổng giá trị nhập khẩu điện thoại các loại và linh kiện đã đạt trên 8 tỉ USD, có khoảng 17 triệu chiếc điện thoại di động (smartphone chiếm 7 triệu) đã được tiêu thụ.

Hãng nghiên cứu thị trường GfK dự tính, người Việt Nam chi ra khoảng 1 tỉ USD mỗi năm để mua sắm điện thoại mới. Cùng với những tên tuổi như Samsung (Hàn Quốc), Apple (Mỹ), Nokia (Phần Lan), HTC (Đài Loan… các thương hiệu điện thoại Trung Quốc đang ồ ạt đổ vào Việt Nam để giành giật thị phần.

Hiện nay, tuy chưa đặt chân vào Việt Nam, thế nhưng Xiaomi, một hãng điện thoại lớn đến từ Trung Quốc cũng đang nuôi tham vọng. Tại cuộc họp báo tổ chức tại Bắc Kinh cuối tháng 4 vừa qua, Tổng Giám đốc Xiaomi, Lei Jun nhấn mạnh trong năm 2014 sẽ đặt mục tiêu bán ra 40 triệu chiếc, và Việt Nam là một trong những thị trường được nhắm vào để thực hiện tham vọng của hãng.

Theo ICTnews




Bình luận

  • TTCN (0)