Rõ ràng, thị trường tablet đã tăng trưởng với tốc độ chóng mặt trong những năm vừa qua, song hiện tại thị trường này đã bắt đầu chững lại. Trong Q4/2013, sản lượng tablet đạt 76,9 triệu máy, tương đương với mức tăng trưởng 28,2% so với cùng kì năm 2012. Con số 28% là rất ấn tượng, song mới chỉ một quý trước đó, vào Q3/2013 thị trường tablet đã đạt mức tăng trưởng lên tới 87,1%, tức là gấp 3 lần so với Q4.

Nói tóm lại, thị trường tablet đang có các dấu hiệu chững lại sau một thời gian dài thăng hoa. Nguyên nhân nào đã và đang dẫn tới tình trạng này?

Lối mòn của tablet

Trong suốt thời gian qua, tablet đã luôn không ngừng phát triển để thỏa mãn mọi nhu làm việc cũng giải trí của người dùng. Với thiết kế gọn nhẹ dễ mang theo, màn hình cảm ứng trực quan, cấu hình không ngừng được nâng cấp với chip đa nhân, máy tính bảng đang đáp ứng tốt nhu cầu giải trí, nghe nhìn, duyệt web, chơi game, đọc sách, kết nối mạng xã hội,…

Hơn thế nữa đó là khả năng kết nối không dây ngày càng hoàn chỉnh với Wi-Fi đầy đủ chuẩn b/g/n, 3G/4G để người dùng linh hoạt kết nối mạng trong khi hầu hết laptop chỉ có Wi-Fi nên cần phải thêm phụ kiện nếu muốn dùng 3G. Tuy nhiên, qua nhiều năm phát triển, thiết bị này không để lại quá nhiều dấu ấn trong lòng những người yêu công nghệ ngoài việc tăng kích cỡ và độ phân giải màn hình.

Theo đó, ngoài việc thay đổi màn hình thì hầu như tablet vẫn không đưa ra được nhiều tính năng cũng như công nghệ mới. Cụ thể, nếu trước đây iPad có kích thước màn hình là 9,7 inch thì phiên bản mini giờ đây được rút gọn lại thành 7 inch và từng làm mưa làm gió trên thị trường máy tính bảng.

Còn gần đây là sự xuất hiện của bộ đôi Note PRO 12,2 inch và Tab PRO 12,2 inch của Samsung nhưng lại không được người dùng đón nhận. Câu hỏi đặt ra là có phải thị trường tablet đang trở nên bão hòa và thoái trào. Đáp án chắc chắn sẽ được đưa ra và ngày 13/5 tới đây, khi mà LG cùng lúc tung ra bộ 3 tablet G Pad 7 inch, 8 inch và 10,1 inch, trong bối cảnh người dùng đang "bội thực" với máy tính bảng

Công nghệ không có nhiều thay đổi

Ứng dụng là thành phần không thể thiếu cho trải nghiệm trên máy tính bảng. Chúng mở rộng khả năng sử dụng các thiết bị và giúp thu hút sự quan tâm của khách hàng. Ngoài ra, ứng dụng còn là lí do khiến khách hàng nâng cấp lên các phiên bản tablet mới hơn.

Tuy nhiên, các kho ứng dụng cho tablet như App Store, Android Market và Amazon App lại ngày càng tỏ ra nghèo nàn và "nhái lại" từ các ứng dụng của smartphone. Từ đó, các nhà sản xuất máy tính bảng đang dần đánh mất những trải nghiệm cần có dành cho người dùng hiện nay.

Thêm vào đó, một điểm hạn chế cho tablet đó là có quá nhiều sự cố bảo mật xảy ra với dòng thiết bị này. Máy tính bảng Android là một minh chứng rõ ràng trong năm vừa qua. Nếu không khẳng định được sự vượt trội về bảo mật của mình và khắc phục lỗ hổng này để lấy lại “tiếng tăm”, nhiều khả năng tablet sẽ bị chính người dùng tẩy chay trước khi bị “khai tử”.

Sự trỗi dậy của Phablet

Trong khi tablet đang ngày càng trở nên lạc lõng giữa thế giới công nghệ thì phablet lại vươn lên như một điểm sáng. Trước thời điểm năm 2010, trên thế giới thực sự chưa tồn tại bất kì định nghĩa nào về "phablet". Chỉ khi iPad 1 của Apple ra đời, châm ngòi cho sự bủng nổ của máy tính bảng thì người dùng mới nhận ra những ưu điểm của màn hình lớn và thực sự cần tới 1 dòng thiết bị có thể kế thừa giữa smartphone và tablet. Đó là lí do vì sao phablet hay còn gọi là những chiếc smartphone màn hình lớn đang trở thành xu thế hiện nay với kích thước màn hình lớn hơn 5 inch. Thậm chí, các nhà sản xuất còn mạnh dạn đưa phablet tới gần tablet hơn với những cỡ màn hình không tưởng như 6,44 inch của Xperia Z Ultra.

Có thể nói, phablet hầu như đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, lấp đầy khoảng trống giữa điện thoại và máy tính bảng, qua đó trực tiếp cạnh tranh thị phần với cả hai loại thiết bị trên. Một số những điểm mạnh của phablet so với máy tính bảng có thể kể ra như khả năng nghe gọi giống với điện thoại thông thường, màn hình đủ rộng nhưng cũng bỏ vừa túi, pin dung lượng cao phục vụ mọi nhu cầu sử dụng của người dùng như việc phablet Lumia 1520 sở hữu viên pin dung lượng lên tới 3400 mAh.

Tablet vẫn chưa thể thay thế PC

Đã từng có thời điểm, tưởng chừng như tablet sẽ có khả năng thay thế được PC. Tuy nhiên, sự thật không phải vậy. Dù cho những chiếc máy tính bảng ngày nay có được trang bị cấu hình hay cả màn hình khủng không kém gì một chiếc laptop nhưng hiệu năng cũng như khả năng tương tác vẫn thua kém máy tính thông thường. Trước đây, có người đã từng gọi phím ảo trên tablet là bước tiến quan trọng trong lịch sử công nghệ thế giới, tuy nhiên, điều này chỉ có thể đúng trong vài trường hợp.

Ngoài ra, đối với những công việc cần khả năng xử lí nhạy bén, yêu cầu thao tác chuột và bàn phím, tablet hoàn toàn trở nên vô dụng. Một minh chứng điển hình là bạn không thể đưa chiếc tablet cho 1 lập trình viên và yêu cầu anh ta lập trình trên thiết bị đó. Ngoài ra, các thao tác trên màn hình cảm ứng hiện nay còn khá hạn chế ngay cả khi có bàn phím gắn ngoài bởi chuột và bàn phím đem lại sự chính xác và tốc độ cao hơn rất nhiều.

Thêm vào đó, nền tảng hệ điều hành vốn không đa năng chỉ phục vụ cho di động như iOS, Android hay Windows Phone vẫn tỏ ra yếu kém hơn rất nhiều so với các phiên bản Windows "huyền thoại" trên PC. Tóm lại, ngoài khả năng di động tiện dụng và tính giải trí cao, máy tính bảng vẫn chưa thể hoàn toàn thay thế máy tính cá nhân như được kì vọng.

Tạm kết

Dù vào thời điểm hiện tại, tablet vẫn tỏ ra là 1 thiết bị hữu ích nhưng trong tương lai, nếu không có những thay đổi và cải tiến phù hợp, sớm muộn thiết bị này cũng sẽ phải khai tử trong thế giới công nghệ. Thêm vào đó, ngoài việc tăng kích thước màn hình hay độ phân giải như hiện nay, có lẽ các hãng sản xuất nên tập trung vào việc đổi mới thiết cũng như tích hợp thêm nhiều tính năng mới lạ cho tablet.

Theo Genk




Bình luận

  • TTCN (0)