Trong thời gian gần đây, cả hai chuẩn kết nối USB và Thunderbolt đều đã được các nhà phát triển nâng cấp lên phiên bản mới. Bản mới nhất của USB hiện nay là USB 3.1 mang tên SuperSpeed+, còn Thunderbolt cũng đã được nâng cấp lên v2 (Thunderbolt 2). Cả hai bản cập nhật đều nâng tốc độ tối đa của hai chuẩn kết nối lên gấp đôi, USB 3.1 (SuperSpeed+) đạt mức 10 Gbps và Thunderbolt đã đạt ngưỡng 20 Gbps. Thế nhưng vì sao USB mới là sự lựa chọn của tương lai, chứ không phải Thunderbolt?
Tính cởi mở
Tuy có đôi chút thua sút về tốc độ so với Thunderbolt, nhưng các mô tả kĩ thuật của USB SuperSpeed có sự cởi mở và linh hoạt hơn rất nhiều. "Công nghệ này sẽ sớm vượt ngưỡng 10 Gbps”. Rahman Ismail – một trong các kĩ sư của Intel từng phụ trách phát triển chuẩn USB 3.0 phát biểu. “Chúng tôi tin rằng mình đã nắm trong tay những gì cần thiết để sớm đưa giao thức này vượt qua cả mức 40 Gbps.”
Ngoài tốc độ truyền tải dữ liệu, Thunderbolt 2 còn có một lợi thế khác so với USB 3.1 là khả năng cấp nguồn 10 W – so với mức công suất 4,5 W mà USB SuperSpeed có thể mang lại. Tuy nhiên, thiết kế cho các cổng kết nối USB đang chuẩn bị đón nhận một nâng cấp mà hàng triệu người dùng trên thế giới đã luôn mong ngóng suốt những năm qua: cổng kết nối có thể cắm đảo/thuận tùy ý. Sự nâng cấp về cổng kết nối này, theo như các kĩ sư, cũng mở ra cơ hội cho phép giao thức USB xuất hiện trên các loại cáp kết nối có khả năng cung cấp năng lượng lên tới 100 W.
Cụ thể hơn, các kết nối USB trong tương lai sẽ được thực hiện qua cổng USB Type-C. Các chi tiết thiết kế được dự kiến sẽ hoàn thành ngay trong tháng 7 tới; tuy nhiên thiết kế mới cho cáp kết nối để đem lại công suất sạc gấp 10 lần Thunderbolt sẽ phải chờ tới khoảng đầu năm sau. Khi các thiết kế này được ứng dụng rộng rãi trên thị trường, một cáp USB SuperSpeed+ tiêu chuẩn sẽ có khả năng cung cấp năng lượng cho một ổ cứng gắn ngoài và thêm cả một Tivi 4K Ultra-High Definition – Jeff Ravencraft, người điều hành diễn đàn USB Implementer Forum cho biết.
Các sản phẩm đầu cuối hỗ trợ USB SuperSpeed+ 3.1 được dự đoán là sẽ bắt đầu ra mắt rộng rãi vào nửa đầu 2015, thậm chí có thể sớm hơn – ngay từ dịp Giáng Sinh – Ravencraft cho biết thêm. “Đây là cả một cuộc cách mạnh. Hãy nhớ lại những gì đã xảy ra với smartphone, các công ty đã đồng thuận trong việc sử dụng chuẩn chung Micro USB cho cổng sạc của mình. Người tiêu dùng không còn phải lo lắng về mớ bòng bong sạc – cáp – điện thoại riêng của từng hãng như ngày trước”.
"Thực trạng" và tương lai của Thunderbolt hiện nay
Apple từ trước đến nay vẫn luôn giữ vị trí là kẻ tiên phong ứng dụng kết nối Thunderbolt trên các sản phẩm desktop PC và laptop. Bắt đầu từ năm ngoài, HP cũng đã bắt đầu tích hợp cổng Thunderbolt song song với USB 3.0 trên một số máy chủ của họ, nhưng trên các sản phẩm bán lẻ dành cho người dùng cuối thì kết nối này vẫn ít xuất hiện.
Đa số ý kiến phân tích cho rằng, tương lai của Thunderbolt hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào “anh cả” Apple. “Nếu họ tiếp tục hỗ trợ Thunderbolt, thì nó sẽ tồn tại”. Brian O'Rourke, một chuyên viên phân tích các kênh kết nối có dây tại IHS phát biểu. “USB hiện đã xuất hiện trên hàng tỉ thiết bị, còn con số các sản phẩm có hỗ trợ Thunderbolt thì khiêm tốn hơn rất nhiều, chỉ vào khoảng vài chục triệu. Tăng thêm một chút tốc độ kết nối và bổ sung một vài tính năng xa xỉ cho Thunderbolt sẽ chẳng thể thay đổi được sự chênh lệch này”.
Một trong các tính năng “xa xỉ” được nhắc đến trên Thunderbolt là khả năng cho phép truyền tải cả dữ liệu đơn thuần lẫn các tín hiệu hình ảnh trên một cáp kết nối duy nhất. (Xem hình minh họa bên dưới).
Intel cũng đã bổ sung tính năng tạo mạng kết nối ngang hàng (peer-to-peer) qua Thunderbolt 2. Điều này đồng nghĩa với việc người dùng có thể sử dụng cáp Thunderbolt để kết nối trực tiếp một máy PC truyền thống và máy Macs để truyền tải dữ liệu tốc độ cao thay vì phải qua ổ cứng trung gian hay các thiết bị mạng.
Bất kể các lợi thế của mình, lí do khiến cho độ phổ cập của Thunderbolt sẽ hầu như không bao giờ bắt kịp USB đơn thuần gói gọn trong 1 từ: giá. Cáp, cổng truyền tải cũng như các thiết bị đầu cuối có Thunderbolt đều có giá thành cao – O’Rourke cho biết. Trên hết, khả năng hỗ trợ Thunderbolt không được tích hợp thẳng vào các CPU trên PC và laptop phổ thông. Kết nối này cần được xử lí qua một con chip riêng biệt sẽ được nhà sản xuất gắn trên bo mạch chủ, điều khiến cho chi phí thiết kế lẫn sản xuất tăng lên đáng kể. Thiết kế của Thunderbolt vốn dựa trên 2 giao thức kết nối PCI Express (PCIe) và DisplayPort. Con chip xử lí của Thunderbolt sẽ quyết định lựa chọn sử dụng giao thức nào dựa theo chủng loại thiết bị đang kết nối với nó. DisplayPort đem lại khả năng hỗ trợ kết nối với các màn hình HD và 8 kênh HD audio. PCIe được sử dụng để truyền dữ liệu đơn thuần.
Intel nói gì?
Intel – cha đẻ của cả 2 chuẩn kết nối – cho biết USB và Thunderbolt vốn được tạo ra để bổ trợ cho nhau, chứ không phải để cạnh tranh; và hãng này cũng dự kiến sẽ tiếp tục theo định hướng này trong tương lai. Bất kể là vậy, trong mắt người dùng và cả nhiều nhà phân tích, sự khác biệt của hai chuẩn này đang ngày càng trở nên kém rõ rệt.
Ngoại trừ tốc độ kết nối cao, một trong các tính năng nổi bật nhất hiện nay của Thunderbolt là khả năng truyền dữ liệu cho nhiều thiết bị cùng lúc. Nói một cách đơn giản hơn, một cổng Thunderbolt duy nhất có thể được sử dụng để kết nối máy tính với nhiều màn hình, ổ gắn ngoài hay thậm chí nhiều máy tính khác nhau. Ravencraft phát biểu “Nói tới dạng kết nối này, những ai hiểu biết về mạng máy tính đều liên tưởng ngay đến hub”, đồng thời cho rằng với công suất nguồn và tốc độ kết nối mà USB SuperSpeed+ sắp mang lại, việc kết nối nhiều thiết bị qua một cổng USB duy nhất sẽ không còn là chuyện khó khăn. "Số lượng ứng dụng có thể sử dụng toàn bộ băng thông 20 Gbps của Thunderbolt là không nhiều. Điều thú vị nhất sẽ chỉ là kết hợp việc truyền dữ liệu tốc độ cao với truyền tín hiệu hình ảnh tới các TV phân giải cao trong cùng một thời điểm, sử dụng một cổng duy nhất, điều mà không phải ai cũng cần”.
Cho tới thời điểm này, có vẻ Intel vẫn hài lòng với việc xếp Thunderbolt vào nhóm công nghệ cao cấp. Miễn sao Apple còn muốn sử dụng nó, họ sẽ chẳng bận tâm nếu độ phổ cập của kết nối này kém xa bao nhiêu so với USB.
"Chúng tôi đã luôn lường trước rằng tỉ lệ chấp thuận của kết nối này sẽ kém hơn nhiều so với USB. Tuy nhiên, điều này cũng chẳng sao. Intel dĩ nhiên muốn cung cấp những nền tảng công nghệ mạnh mẽ giúp cải thiện trải nghiệm của khách hàng, nhưng đồng thời cũng hiểu rằng không phải ai cũng cần những gì mà Thunderbolt mang lại”, Ben Hacker, người quản lí việc lập kế hoạch và hoạt động của bộ phận Kết nối khách hàng tại Intel, phát biểu.
Theo Genk/Computerworld
Bình luận