Người Indonesia từ lâu đã vô cùng ưa chuộng BlackBerry. Hơn 2 năm trước, khi hãng điện thoại Canada giới thiệu sản phẩm mới kèm khuyến mãi giảm giá một nửa cho 1000 người mua đầu tiên, cảnh sát nước này đã phải đến để đảm bảo trật tự.
Dù vậy, vận may của BlackBerry tại đây cũng đến lúc thay đổi. Tuần trước, khi công ty bắt đầu bán Z3, người tiêu dùng phản ứng khá thờ ơ. Tuy nhiên, sự xuất hiện của Z3, mẫu smartphone cảm ứng giá 190 USD, báo hiệu con đường mới cho “gã khổng lồ” một thời này.
Cũng như nhiều hãng khác, BlackBerry giao phó việc chế tạo sản phẩm cho đơn vị khác song lần này, Z3 được thiết kế và phân phối bởi Foxconn, một tập đoàn Đài Loan, đối tác sản xuất iPhone, iPad của Apple.
Cái “bắt tay” giữa BlackBerry và Foxconn xảy ra vào đúng thời điểm “nước sôi, lửa bỏng” cho BlackBerry. Vài năm gần đây, doanh số thiết bị BlackBerry dù sụt giảm nhưng vẫn cần thiết cho sự sống còn của công ty, đặc biệt trong bối cảnh tân Tổng Giám đốc John Chen cố gắng chuyển trọng tâm sang dịch vụ và phần mềm. Thông qua thỏa thuận với Foxconn, ông Chen có thể có thêm thời gian cho những tính toán khác.
Trong một bài blog, BlackBerry cho biết nhu cầu Z3 tại Indonesia khá lớn và đã bán hết sản phẩm vào hôm 16/5 song không công bố số liệu cụ thể. Trong quý đầu năm 2014, công ty chỉ bán được 1,3 triệu điện thoại, thấp hơn nhiều so với 6 triệu máy của cùng kì năm 2013. Song nếu không có mảng thiết bị, BlackBerry chắc chắn sẽ có quy mô nhỏ hơn nhiều. Q1/2014, mảng này vẫn đóng góp 37% trong doanh thu 976 triệu USD. Q1/2013, con số này là 61% trong tổng số 2,7 tỉ USD doanh thu.
Dù Foxconn không thể làm gì giúp BlackBerry trở về thời hoàng kim, mối quan hệ sẽ xóa bỏ vài bất ổn tài chính cho ông Chen. Một phần lớn trong khoản lỗ 5,9 tỉ USD mà BlackBerry đối mặt trong năm 2013 chính là lượng hàng tồn kho và linh kiện điện thoại không cần thiết. Foxconn sẽ nhận lấy những rủi ro này.
Trong cuộc phỏng vấn gần đây tại Jakarta (Indonesia), người đứng đầu BlackBerry nói về giả thuyết của mình: “60 đến 70% linh kiện điện thoại là giống nhau. Những thứ chúng tôi đã đặt hàng và chưa sử dụng có thể được họ dùng ở chỗ khác. Nó có thể là trong máy in HP, Canon, máy tính Dell hay iPhone…”
Còn theo Michael Palma, chuyên gia phân tích về lĩnh vực sản xuất điện tử tại hãng nghiên cứu IDC, không còn phải bận tâm đến việc tập hợp linh kiện, BlackBerry sẽ được hưởng lợi từ năng lực mua sắm của Foxconn đồng thời hình dung rõ hơn về chi phí sản xuất cuối cùng. Ông đánh giá đây là động thái thông minh của BlackBerry.
Ngoài ra, Foxconn còn giúp BlackBerry rút ngắn chu kì phát triển sản phẩm. BlackBerry có truyền thống chậm phát triển sản phẩm mới, ví dụ rõ nhất là BlackBerry 10 liên tục bị trì hoãn.
Ông Chen cho biết nhân viên BlackBerry phát triển phần mềm cho Z3 và giám sát công việc của Foxconn về phần cứng trong 4 tháng. Theo ông Palma, Apple thường mất một năm để cho ra đời iPhone mới, còn nhiều công ty khác bắt đầu đi theo chu kì từ 3 đến 6 tháng.
Rõ ràng, trong mối quan hệ này, BlackBerry không phải đối tượng hưởng lợi duy nhất. Thực tế, BlackBerry giao dịch với công ty con của Foxconn là Foxconn International Holdings (F.I.H) vốn đang gặp trục trặc. Trong quá khứ, khách hàng chính của F.I.H là Nokia nhưng cũng dần bị khách hàng quay lưng. Từ đó, F.I.H chủ yếu phục vụ những hãng điện thoại nhỏ tại Trung Quốc. Do vậy, có thêm BlackBerry làm khách hàng mới là sự bổ sung không tồi.
Bất chấp thành công bước đầu của Z3, ông Chen khẳng định BlackBerry vẫn tiếp tục thiết kế phần cứng và phần mềm cho các mẫu điện thoại đắt tiền hướng tới thị trường châu Âu, Bắc Mỹ. Đối với sự xuống dốc của hãng tại Indonesia, vài nhà phân tích cho rằng lỗi phần lớn nằm ở BlackBerry. IDC ước tính thị phần của BlackBerry tại Indonesia chỉ là 4% trong quý đầu năm nay, giảm sâu so với 25% của một năm trước.
Dịch vụ nhắn tin miễn phí BlackBerry Messenger (BBM) vẫn được ưa chuộng tại đây song do BBM có mặt trên cả Android, iPhone, nhiều người Indonesia đã chuyển sang dùng Android để vừa dùng được BBM, vừa tận hưởng được lợi thế giá rẻ và hệ sinh thái ứng dụng phong phú hơn.
Z3 rẻ hơn các điện thoại BlackBerry trước đó nhưng chưa đủ. Nhiều thiết bị Android còn được bán với giá thấp hơn, khoảng 88 USD, chỉ bằng một nửa so với Z3. Ngay cả việc khắc chữ “Jakarta” ở mặt sau máy cũng chỉ là một chiêu trò tiếp thị nhỏ. Mong muốn hồi phục tại thị trường Indonesia của BlackBerry khó trở thành sự thực một khi giá bán còn cao hơn phần lớn điện thoại Android khác.
Theo ICTnews/NYT
Bình luận