New York Times đã mất 1/2 lượng truy cập vào trang chủ nytimes.com trong 2 năm

Theo số liệu biểu đồ được công bố trên BuzzFeed, tờ New York Times đã mất (giảm) đến 80 triệu người truy cập vào trang chủ (homepage) của trang nytimes.com trong 2 năm qua.

Con số này đúng bằng một nửa tổng lượng truy cập vào website của tờ báo này. Theo đánh giá của Derek Thompson, cây viết trên tờ The Atlantic, đây là một trường hợp mà trang chủ bị "mất giá" khủng khiếp nhất mà ông từng thấy.

"Trước đây, tin tức là đích đến, bạn phải đi lòng vòng tìm kiếm nó trên trình duyệt của mình. Giờ đây, bạn mới là đích đến, và những tin tức sẽ tự tìm đến bạn", một trích dẫn trên tờ Quartz đã viết.

Vậy, nếu những cú nhấp chuột không đến từ trang chủ, nó đang đến từ đâu? Câu trả lời là mạng xã hội (MXH). Facebook (FB), Twitter, Google+ và những phương tiện khác như các dịch vụ email và ứng dụng trò chuyện…

Ảnh
Báo điện tử sẽ ngày càng gắn bó và phụ thuộc vào MXH

Trang chủ rõ ràng đang chết dần trong khi trào lưu MXH đã đang lên ngôi. Theo đó, một trong những công cụ được các tòa soạn trọng dụng nhất bây giờ là công cụ phân tích hành vi độc giả.

Công cụ này giúp các biên tập viên biết được độc giả của họ đang đọc cái gì, đọc bao lâu và từ đâu mà họ biết đến bài viết… Điều này giúp ích vô cùng lớn cho người quản lí các ấn phẩm điện tử.

Một giả thuyết cho rằng sự lớn mạnh của xu hướng “làm báo cho mạng xã hội” và sự phát triển của các giải pháp phân tích dữ liệu sẽ làm cho các ấn phẩm tin tức ngày càng dễ dãi, gần gũi với độc giả hơn.

Đồng thời, xu hướng này cũng khiến cho các tờ báo ngày càng bị đồng hóa và trở nên giống nhau hơn.

Vì sao cái chết của trang chủ lại khiến báo chí trở nên dễ dãi hơn?

Bởi vì trang chủ phản ánh các giá trị của tờ báo trong khi Facebook và Twitter phản ánh sự quan tâm của các cá nhân độc giả.

Hầu hết, các độc giả “mì ăn liền” thời đại kĩ thuật số không mấy hứng thú với những tin tức có sức nặng nhưng lại rất nhạy với những thông tin giải trí, sự sợ hãi, giận giữ và những tin tức giật gân hay những câu chuyện lạ đời, vô thưởng vô phạt hoặc bóng bẩy khác. Các công ty mẹ của các ấn phẩm điện tử đơn thuần (không đi lên từ báo giấy hoặc không có báo giấy) rất giỏi trong lĩnh vực này. Đó là lí do chúng ta có BuzzFeed, một trang có tiềm lực kinh tế thực sự lớn mạnh, vốn bắt đầu chỉ với những hình ảnh và video về… chó mèo.

Và vì thế chúng ta có đủ loại thông tin dị thường về động vật, những câu đố nhảm, những bức ảnh phụ nữ khoe thân, những chuyện “đáng ra không nên nói” tràn lan trên nhiều mặt báo.

Bên cạnh đó, các tờ báo đang và sẽ trở nên ngày càng giống nhau, đặc biệt là các trang tin tức, báo điện tử miễn phí.

Khi tất cả các nhà xuất bản đều dùng những công cụ hướng đến mục tiêu phân tích giống nhau, họ sẽ cùng nhận về một kết quả tương tự nhau, ví như thông tin nào đang hot trên Twitter, trên Facebook, điều gì đang được tìm kiếm nhiều nhất… Lúc đã có kết quả, các tòa soạn sẽ nhanh chóng “có điều chỉnh” để thu về lượng độc giả tốt nhất cho mình.

Điều đó không có nghĩa là các báo hoàn toàn khác nhau hay không hề copy ý tưởng, chủ đề hay thậm chí là bài viết của nhau trước khi có MXH và các công cụ phân tích.

Sự xuất hiện và lên ngôi của hai thành tố này chẳng qua chỉ “giúp” cho quá trình đồng hóa diễn ra một cách “ngẫu nhiên, không cố ý” và nhanh chóng hơn mà thôi.

Xét một cách kĩ càng, “cái chết của trang chủ” đang nói lên nhiều điều. Nó đang làm chúng ta thay đổi cả trong cách sản xuất tin tức và tiếp nhận tin tức.

Những thay đổi này sẽ dẫn báo chí đi đến đâu, đó điều mà chúng ta mới chỉ đang bắt đầu khám phá.

Theo Infonet




Bình luận

  • TTCN (0)