Lãnh đạo Bộ TT-TT tổ chức các cuộc tham vấn chuyên gia và lắng nghe những ý kiến đóng góp vào đề án Ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước. Ảnh: HS.

Được coi là chương trình hành động tiếp theo và thay thế Đề án 112, một dự thảo có tên "Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2009 - 2010 và Tầm nhìn Chính phủ điện tử Việt Nam", do Bộ TT-TT chủ trì sẽ được trình Chính phủ trong tháng 6/2008.

Thực hiện Nghị định 64/2007 của Chính phủ về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước (CQNN) và theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân hồi tháng 1/2008, Bộ TT-TT được giao chủ trì xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động CQNN, giai đoạn từ 2008 - 2010. Giai đoạn 1, "Kế hoạch ứng dụng CNTT trong CQNN năm 2008" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bằng quyết định 43/2008 ngày 24/3/2008 và hiện các cơ quan, tỉnh thành đang theo sát triển khai kế hoạch này.

Thông tin mới nhất mà VietNamNet có được, dự thảo "Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động CQNN giai đoạn 2009-2010" đã hoàn thiện và sẽ trình lên Chính phủ vào giữa tháng 6 này.

Ứng dụng CNTT trong CQNN, hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam là một quá trình lâu dài. Sau sự đổ vỡ của Đề án 112 - một đề án cần thiết về mục tiêu nhưng thất bại trong cách thực hiện, những kế hoạch tiếp theo đặt ra cho vấn đề ứng dụng CNTT trong CQNN và phát triển Chính phủ điện tử ở VN dường như đang đi những bước thận trọng hơn.

Theo ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Ứng dụng CNTT, Bộ TT-TT, việc xác định một giai đoạn ngắn 2009 - 2010 cho kế hoạch triển khai ứng dụng CNTT sẽ xác thực hơn, hiệu quả hơn và phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2006-2010 của đất nước.

Hiện trạng...

Sau khi kết thúc Đề án 112, hệ thống mạng truyền số liệu trong các cơ quan Đảng, nhà nước, tư trung ương tới các UBND tỉnh, các bộ, ngành đã được trang bị đầy đủ. Dự kiến, việc mở rộng mạng tới các quận, huyện, sở ban ngành cũng sẽ hoàn thành trong năm 2008 này.

Theo điều tra của Bộ TT-TT, tỷ lệ máy tính/cán bộ công chức là khoảng 68% tại các bộ, cơ quan ngang bộ, và 40% tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Các hệ thống thông tin ở các bộ, ngành, địa phương chủ yếu là để phục vụ trao đổi thông tin nội bộ.

Tới thời điểm này,cả nước có 58 tỉnh thành phố đã có trang thông tin điện tử để cung cấp thông tin cho người dân, trừ các tỉnh: Quảng Ninh, Đắk Nông, Lai Châu, Yên Bái, Hòa Bình, Điện Biên; 20/22 bộ, cơ quan ngang bộ các trang thông tin điện tử.

Có thể thấy, CNTT đã được ứng dụng khá rộng rãi trong các cơ quan nhà nước nhưng mới chỉ phổ biến ở các ứng dụng nhỏ, độc lập, ngoại trừ một số ngành như: tài chính, ngân hàng và 1 thành phố tiêu biểu là TP.HCM.

...và mục tiêu

Chỉ đạo cấp bách của Chính phủ cho biết: Cần từng bước ứng dụng rộng rãi CNTT trong tất cả các cơ quan nhà nước, là một nội dung của cải cách hành chính, gắn liền hoạt động của Chính phủ với người dân, tiến tới hình thành chính phủ điện tử ở VN.

Bộ TT-TT tiếp nhận đề ra và vạch ra từng giai đoạn cụ thể, gần nhất là đến năm 2010:

- Ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước để chuyển dần thói quen làm việc dựa trên công văn, tài liệu giấy sang phong cách làm việc điện tử, trên môi trường nối mạng và hệ thống thông tin trợ giúp.

- Tạo môi trường làm việc điện tử trong phạm vi từng cơ quan; lưu trữ và số hóa công văn, tài liệu; xây dựng cơ sở dữ liệu nội bộ; các cơ quan chính phủ bước đầu điều hành qua mạng một số dịch vụ cơ bản, sử dụng thư điện tử để trao đổi giữa các cơ quan…

- Cung cấp một số dịch vụ hành chính công trực tuyến phục vụ người dân và DN…

Mục tiêu đến năm 2015 và 2020 cũng được đề ra với những yêu cầu cao hơn của việc ứng dụng CNTT và hoàn thiện mô hình chính phủ điện tử. Tuy nhiên, để những kế hoạch này có thể thực hiện được, chính Bộ TT-TT và các bộ, ngành, các tỉnh, thành phải rất nỗ lực, phối hợp nhuần nhuyễn; cần sự ủng hộ và chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, các Phó thủ tướng; và quan trọng nữa là nhận thức đúng đắn của các doanh nghiệp, ý thức và trách nhiệm của mỗi người dân.

Theo Vietnamnet



Bình luận

  • TTCN (0)