Với lợi nhuận hàng nghìn tỉ đồng, các doanh nghiệp viễn thông có thể cân nhắc tính cước tin nhắn ủng hộ biển đảo Ảnh: Hoàng Nam.

Hàng triệu tin nhắn nghĩa tình

Tại thời điểm hiện nay, có hai chiến dịch nhắn tin cùng hướng về biển Đông đang được triển khai đồng thời, đó là Chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa“ (từ 11/4 - 10/6/2014) và Chương trình “Chung sức vì biển đảo quê hương” (từ 19/5 - 18/7/2014). Theo thông tin được cập nhật trên Cổng Nhân đạo quốc gia 1400, tính dến ngày 29/5, chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa” (nhằm giúp đỡ gia đình thân nhân liệt sĩ Trường Sa, Hoàng Sa) đã nhận được 262.268 tin nhắn SMS (mỗi tin nhắn đóng góp 14.000 đồng), tổng giá trị hơn 3,67 tỉ đồng. Chương trình “Chung sức vì biển đảo quê hương” đã nhận được 744.854 tin nhắn SMS (mỗi tin nhắn đóng góp 18.000 đồng), tổng trị giá hơn 13 tỉ đồng. Như vậy, tổng số tiền đóng góp của dân đối với hai chương trình nói trên đến ngày 29/5 là hơn 16,67 tỉ đồng.

Về quy định mức thu 300 đồng/tin nhắn qua Cổng Nhân đạo Quốc gia 1400, Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Lê Nam Thắng cho biết, phần tiền người dân đóng góp ủng hộ qua tin nhắn SMS sẽ chuyển trả nguyên vẹn cho các tổ chức đứng ra phát động quyên góp, còn về phía các doanh nghiệp viễn thông sẽ được thu đầy đủ cước SMS từ các tin nhắn ủng hộ theo giá cước được ban hành, đảm bảo doanh nghiệp có đủ chi phí hoạt động và có lợi nhuận một cách hợp lí.

Có thể nói, hiếm có chiến dịch nào nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ như hai chương trình hướng về biển Đông hiện nay, nhất là chương trình “Chung sức vì biển đảo quê hương”, người dân đã đóng góp hơn 13 tỉ đồng chỉ sau 14 ngày phát động. Bà Dương Bích Diệp - Giám đốc Cổng Nhân đạo quốc gia 1400 cho biết, trong tuần lễ thực hiện chiến dịch vừa qua, đã có rất nhiều thuê bao liên tục nhắn trên 100 tin nhắn, thậm chí trên 200 tin nhắn/số thuê bao, như đại diện một doanh nghiệp tư nhân ở Thủ Thừa, Long An đã nhắn tới 210 tin nhắn.

Mặc dù giá trị đóng góp của hơn 200 tin nhắn không phải quá lớn, chỉ gần 4 triệu đồng, song đáng ghi nhận, chủ thuê bao đã phải rất tâm huyết mới có thể dành thời gian, công sức để nhắn một lượng tin nhiều đến vậy! Cùng với nhiều hành động thiết thực khác trên nhiều mặt trận, từ chính trị, kinh tế, xã hội..., kết quả này càng thêm khẳng định, người dân cả nước đang đồng sức, đồng lòng vì chủ quyền dân tộc!

Nhà mạng đứng ngoài cuộc

Trong khi đó, theo quy định của Bộ Thông tin & Truyền thông, với mỗi tin nhắn ủng hộ, nhà mạng sẽ thu phí 300 đồng. Như vậy, tổng mức phí các nhà cung cấp dịch vụ thông tin di động thu về từ cả hai chương trình đến ngày 29/5 là hơn 302 triệu đồng. Trong đó, mạng thông tin di động Viettel đang dẫn đầu về lượng ủng hộ: 382.674 tin nhắn, tương ứng số cước thu về hơn 114 triệu đồng; Tiếp đến là mạng VinaPhone 310.189 tin nhắn, doanh thu hơn 93 triệu đồng; Mạng MobiFone 306.265 tin nhắn, thu về gần 92 triệu đồng... Ngoài ra, các mạng như VNMobile, GTel đóng góp từ vài ba nghìn tin nhắn mỗi mạng.

Chị Đỗ Thu Thủy, một thuê bao của Viettel - người đã nhắn 10 tin cho cả hai chiến dịch băn khoăn, trong khi các khách hàng sẵn sàng ủng hộ thì nhà mạng vẫn thu phí 300 đồng/tin nhắn cho cảm giác họ đứng ngoài chương trình ý nghĩa này, thậm chí có điều kiện tăng doanh thu nhờ chương trình này.

Mang băn khoăn này trao đổi với đại diện Viettel, vị này thông tin ngắn gọn, Viettel thu phí tin nhắn theo đúng quy định của Bộ Thông tin & Truyền thông. Cũng chung giải thích, mức thu 300 đồng/tin nhắn là theo quy định của Bộ Thông tin & Truyền thông, ông Đoàn Xuân Hợp - Phó phòng Kinh doanh VinaPhone phân tích thêm, VinaPhone và các nhà cung cấp dịch vụ chỉ thu về 60% trên mức thu nói trên tương ứng 180 đồng/tin nhắn, 120 đồng còn lại (40%) là trích cho Cổng nhân đạo Quốc gia 1400. “Khoản thu 180 đồng/tin nhắn này không đủ bù đắp cho các chi phí vận hành, triển khai chương trình đó, như chiết khấu cho đại lý; Thu cước, chi phí bán hàng... Thực tế, với mỗi tin nhắn của chương trình, chúng tôi còn phải bù xấp xỉ 1.000 đồng”, ông Hợp nói. Phó Tổng giám đốc MobiFone Nguyễn Đình Chiến cũng có lí giải tương tự.

“Việc thu phí tin nhắn của các nhà cung cấp dịch vụ thông tin di động là đúng theo quy định. Song với mức lợi nhuận từ vài nghìn tỉ đồng đến vài chục nghìn tỉ đồng mỗi năm, các nhà mạng nên cân nhắc việc thu cước tin nhắn với chương trình có ý nghĩa như hướng về biển đảo hiện nay”, chị Thủy nêu quan điểm.

Theo Giao Thông Vận Tải




Bình luận

  • TTCN (0)