Mua hàng online: Nhiều rủi ro
Trong vòng 10 năm nay, loại hình MSOL tăng trưởng cực mạnh. Theo Bộ Công Thương, ước tính doanh số thương mại điện tử tính riêng cho thị trường tiêu dùng của Việt Nam năm 2012 đạt 600 triệu USD, với tốc độ phát triển như hiện nay, dự báo đến năm 2015 doanh số thương mại điện tử (TMĐT) của Việt Nam sẽ đạt trên dưới 4 tỉ USD.
Với ưu điểm là nhanh chóng, thuận tiện, chi phí thấp nên loại hình MSOL ngày càng được giới trẻ ưa chuộng sử dụng. Việc MSOL có nhiều thuận lợi như nhanh chóng, giao hàng tận nơi, không mất thời gian đi lại…nhiều người tiêu dùng lựa chọn kênh này để mua sắm. Tuy nhiên, hình thức mua sắm này đang tiềm ẩn nhiều rủi ro về tài chính, chất lượng sản phẩm, về bảo mật thông tin từ sự gian lận của người kinh doanh.
Chị Hoa (ấp Hưng Lân, xã Bà Điểm, Huyện Hóc Môn, TP HCM) cho hay, do mới sinh con nhỏ và phải đi làm, chị đã chọn MSOL cho tiện. Song hình thức này có nhược điểm là sản phẩm mua không như hình ảnh, quảng cáo trên shop.
Không chỉ mua phải hàng kém chất lượng, người tiêu dùng còn gặp không ít trường hợp lừa đảo. Anh Lường Hữu Toán (Nguyễn Sơn, Q.Tân Phú – TPHCM) kể : “Là dân công trình nay đây mai đó nên mình không có thời gian rảnh. Chuẩn bị tới sinh nhật người yêu, tôi mua chiếc đồng hồ trên một website. Cửa hàng yêu cầu tôi gửi tiền trước rồi gửi sản phẩm. Không nghi ngờ, tôi chuyển 1 triệu cho họ. Nhưng tới hạn giao hàng, tôi vẫn không nhận được. Lên trang website phản ánh thì không có phản hồi lại”.
Chủ cửa hàng buôn bán oline tên Hường (Lê Trọng Tấn - Bình Hưng Hòa - Bình Tân - TP HCM) tiết lộ, hàng hóa trên mạng đủ kiểu, đủ loại, hàng có chất lượng thì ít mà hàng trôi nổi thì nhiều. Người bán và người mua không gặp nhau, chủ yếu giao hàng gián tiếp nên cũng không cần quan tâm nhiều, cứ bán cho ai được thì bán thôi.
Mua bán online người tiêu dùng dường như không được đảm bảo quyền lợi dành cho mình. Bởi thực chất, khi mua hàng qua mạng, đa phần người mua đều thực hiện thanh toán trước rồi sau đó lấy hàng hoặc nếu có sẽ thanh toán khi lấy hàng. Khi không ưng ý với sản phẩm đã mua thì chỉ được đổi lại hàng mà không có quyền từ chối trả hàng lấy lại tiền đã thanh toán.
Siết chặt quản lí kinh doanh online
Để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, năm 2013 Chính phủ đã ban hành Nghị định 52/2013/NĐ-CP và sau đó là Thông tư 12/2013/NĐ-CP về quản lí thương mại điện tử. Các văn bản được ban hành nhằm thiết lập hành lang pháp lí cho các giao dịch theo hướng tiện ích, minh bạch, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh.
Theo Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ Thông Tin (Bộ Công Thương), tính đến ngày 24/5 mới chỉ có gần 2000 doanh nghiệp sở hữu website thương mại điện tử bán hàng hoàn tất thủ tục thông báo trên trang web online.gov.vn. Tuy có 600 tên miền/website đã đăng kí trên cổng quản lí hoạt động thương mại điện tử này nhưng chỉ có chưa đến 200 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục đăng kí website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử.
Tại TP HCM, Sở Công Thương TPHCM cho biết, tính đến hết tháng 3/2014 có 86.000 website thương mại điện tử hoạt động. Như vậy, việc đăng kí thông tin trên của các doanh nghiệp còn hạn chế. Số lượng đăng kí còn quá nhỏ so với số lượng các website thương mại điện tử đang hoạt động hiện nay.
“Hiện nay, nhiều doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức có website thực hiện việc mua bán, trao đổi, kinh doanh chưa biết đến quy định phải thông báo hoặc đăng ki theo nghị định 52. Do vậy, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ thực hiện các biện pháp tuyên truyền đến các doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp biết nhưng không thực hiện sẽ có những biện pháp xử lí như phạt tiền, khóa tài khoản. Tại Cổng thông tin quản lí hoạt động thương mại điện tử www.online.gov.vn đã đưa ra các wedsite có hành vi vi phạm nên người tiêu dùng có thể vào đây kiểm tra để loại những website lừa đảo”, Bà Nguyễn Thị Hạnh - Trưởng văn phòng đại diện Cục Thương Mại điện tử tại TP HCM - cho biết.
Theo Báo Công Thương
Bình luận