Chiều ngày 30/5, tại vùng biển cảng Diêm Điền (tỉnh Thái Bình),tàu ngầm Trường Sa 01 đã chính thức được ra biển thử nghiệm dưới sự giám sát của lực lượng biên phòng.
Trả lời Zing.vn sáng 31/5, ông Nguyễn Quốc Hòa (chủ nhân tàu ngầm Trường Sa mini) cho biết, ông đã thu được rất nhiều kinh nghiệm sau lần thử nghiệm này.
“Mặc dù một vài sự cố đáng tiếc đã xảy ra, cuộc thử nghiệm vẫn thắng lợi đến 80%. Đặc biệt, sau lần đầu đưa tàu ra biển, tôi đã thu được rất nhiều kinh nghiệm cho các lần thực hành tiếp theo”, ông Hòa nói.
Chiều 30/5, trong suốt 4 giờ, tàu ngầm Trường Sa 01 của ông Nguyễn Quốc Hòa đã chạy khắp vùng biển thuộc cảng Diêm Điền (tỉnh Thái Bình), dù có lúc phải dừng lại để sửa chữa.
Lí giải các sự cố gặp phải trong lần thử nghiệm này, cha đẻ tàu ngầm Trường Sa mini cho biết, trước khi chính thức thử nghiệm, tàu đã được đưa ra biển “nhúng nước” để quen môi trường mới. Tuy nhiên, trong lúc cẩu phương tiện xuống nước, tàu đã va chạm với một tàu vận tải khác và bị gãy chân vịt.
“Khi vừa chạm mặt nước, tàu ngầm Trường Sa bất ngờ mất lái, lao vào tàu vận tải Thái Thụy 88 đứng cách đó ít mét”, kĩ sư Hòa kể. Cú va chạm mạnh khiến Trường Sa 01 bị cong bánh lái, chân vịt cong vênh, vỡ bánh răng. “Việc vỡ bánh răng chân vịt khiến tàu không thể tiến hành lặn, bơi”, chủ nhân tàu ngầm nói.
Chiều 30/5, sau khi sửa chữa xong sự cố, tàu ngầm Trường Sa chính thức được chủ nhân của nó tiến hành chạy thử trên biển. Chứng kiến sự việc, mọi người đều tỏ ra hồi hộp khi trong lúc bơi ra xa bờ, Trường Sa 01 trông như mất lái, nó quay tròn tại chỗ, hoặc chỉ chạy thẳng, lùi và không linh hoạt được.
“Ngay sau đó, nó lấy lại được phong độ, đè sóng, rẽ nước và tránh chướng ngại vật khá tốt. Do sóng to, triều cường mạnh nên tàu thường xuyên bị mất lái”, ông Hòa giải thích.
Người đứng đầu công ty cơ khí Quốc Hòa cho biết, ông hoàn toàn có thể cho tàu lặn sâu xuống đáy biển. “Tôi muốn đưa tàu chạy qua phao số 0 rồi tiến hành lặn. Khi đang tiến hành bơi đến phao số 15, tàu gặp sự cố chân vịt nên việc thử nghiệm buộc phải chấm dứt”, doanh nhân Hòa giải thích.
“Sau cuộc thử nghiệm, toàn bộ hệ thống kĩ thuật của con tàu đã bị hư hỏng rất nghiêm trọng. Việc khắc phục, sửa chữa sẽ mất khoảng 1 tháng. Sau lần này, tôi đã kiểm tra được khả năng con tàu, thu được nhiều kinh nghiệm để áp dụng thực hành trong thời gian tới”, tác giả tàu ngầm Trường Sa nói.
“Thời gian tới, tôi sẵn sàng bán cả công ty để đầu tư chế tạo tàu ngầm, giúp tôi hoàn thành giấc mơ”, ông Hòa khẳng định.
Theo Zing
Bình luận