Apple, Google và Facebook đều muốn xây dựng một platform mới cho Internet. Cả ba tỏ rõ khát vọng trở thành kẻ thống trị thế giới web trong tương lai.
Platform, theo thuật ngữ công nghệ thông tin, là khung phần mềm hoặc phần cứng cho phép phần mềm của bên thứ 3 hoạt động trên đó. Các chuyên gia tại thung lũng Silicon đang háo hức theo dõi 3 trong số những công ty hùng mạnh nhất trong ngành IT là Apple, Google và Facebook “tranh ngôi bá vương”. Những người chiến thắng dựa trên các con số: bán được nhiều thiết bị nhất, mang lại tầm nhìn cho các nhà quảng cáo, kinh doanh các dịch vụ như nhạc, phim…
Tương lai của Internet là việc trả lời những câu hỏi: “chúng ta tiếp cận thông tin bằng cách nào?”, “chúng ta giao tiếp với nhau qua các hình thức gì?” và quan trọng nhất “ai là người kiểm soát Internet?”. Những câu hỏi này vẫn đang chờ câu trả lời.
Facebook “cởi mở”
Từ platform thu hút được sự chú ý lớn nhất của cư dân mạng vào thời điểm cách đây 1 năm khi người sáng lập Facebook, Mark Zuckerberg, công bố bắt đầu cuộc cách mạng. Anh từng phát biểu tại một hội nghị rằng "Các mạng xã hội hiện tại vẫn chỉ là platform khép kín. Hôm nay, chúng ta ở đây để thay đổi toàn bộ điều này”.
Đó chính xác là những gì xảy ra tại Facebook trong suốt năm qua. Tính đến ngày 1/6 vừa qua, tổng cộng có khoảng 24.000 chương trình đã sẵn sàng phục vụ những người sử dụng Facebook. Nếu để định nghĩa “một platform thành công” vào thời điểm hiện nay thì người ta có các tiêu chí: tầm ảnh hưởng của nó đối với đại đa số người sử dụng, không có nhiều ứng dụng gây phiền toái như chèn quảng cáo, thư spam chẳng hạn.
Trên thực tế, cách đây 1 tháng, Zuckerberg, 24 tuổi, đã tự hào “khoe” Facebook Connect, công nghệ cho phép người sử dụng đưa danh sách liên lạc lên các website có chứa các đoạn mã. Vài ngày sau khi Facebook Connect được công bố, Google cũng tung ra một kế hoạch tương tự có tên gọi... Friend Connect. Chính vì thế mà các nhà quan sát kết luận nếu có bất kỳ điều gì làm chậm bước tiến của Facebook thì đó chính là… Google.
Google nỗ lực kết nối
Giai đoạn phát triển web đầu tiên chỉ là đưa thông tin lên mạng, cung cấp cho mọi người cách thức tìm thấy và kết nối với những thông tin đó. Nhưng giai đoạn thứ hai (giai đoạn hiện nay) là kết nối người với người.
"Mạng xã hội là một platform hoàn toàn mới", ông Joe Kraus, người theo dõi từng động thái trên thương trường của Google, nói. Theo ông Kraus, chiến lược của Google là muốn tạo nên một liên minh mạng xã hội hùng mạnh, sử dụng những tiêu chuẩn mở mới hơn là giữ độc quyền như Facebook hiện nay. Với Google, như vậy có nghĩa là tạo cơ hội cho các nhà phát triển mở rộng những ứng dụng của họ. Chính vì thế mà việc kinh doanh cốt lõi của Google là tìm kiếm dựa trên sự chia sẻ và càng nhiều người sử dụng càng tốt. Đó là lý do tại sao “gã khổng lồ” này chi nhiều tiền bạc và thời gian trong việc xây dựng những ứng dụng mới, hữu ích và thú vị hơn.
Các mạng xã hội là mối nguy đe dọa việc kinh doanh như thế; người sử dụng có xu hướng khai thác và giao tiếp chỉ trong phạm vi mạng của họ mà quên đi nhiều ứng dụng bên ngoài khác. Ví dụ như những khách hàng của Facebook đang chơi Scrabulous hoặc tag ảnh thì chắc chắn họ sẽ không sử dụng Google. Thay vào đó, họ thích khám phá những điều mới lạ thông qua bạn bè trong mạng hoặc thử những ứng dụng “nội bộ” như iLike, một dịch vụ giúp bạn tìm ra người có cùng sở thích âm nhạc với mình.
Để đáp trả, tháng 11 năm ngoái, Google chính thức bắt tay với OpenSocial, một liên minh gồm các đối thủ cạnh tranh của Facebook trong đó có MySpace, hi5 và Orkut - mạng xã hội của Google. Liên minh này ra đời nhằm tập hợp những ứng dụng mới nhất chạy trên các trang mạng xã hội, có nghĩa là, họ xây dựng một ứng dụng có thể áp dụng trên tất cả các mạng xã hội, dĩ nhiên trừ Facebook. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia băn khoăn rằng liệu việc Google nhảy vào “bữa tiệc mạng xã hội” có quá muộn hay không.
Tại sao iPhone lại là tâm điểm?
Tính toán của Apple lại đơn giản hơn nhiều: cho dù ai chiếm ưu thế trên mạng, Facebook, Google, cả hai hay một nhân vật nào đó, thì Steve Jobs chỉ muốn chắc rằng bạn sẽ sử dụng những thiết bị của ông để truy cập.
Cuối cùng thì phiên bản iPhone mới cũng được công bố. Chiếc điện thoại di động mà giờ đây người ta đã gán cho nó một biệt danh “máy tính trong lòng bàn tay" này sẽ là “người chỉ huy thế giới hậu PC". Theo các số liệu thống kê, những ứng dụng dành riêng cho iPhon được người sử dụng download hơn 200.000 lần kể từ ngày đầu tiên “chú dế” này trình làng.
Một trong những khả năng thiên bẩm của Jobs là luôn biết cách kết hợp những công nghệ nổi trội và biến chúng thành những “kho vàng dễ khám phá” đối với hầu hết người tiêu dùng: màn hình phẳng, phần mềm làm phim, wi-fi, máy chơi nhạc số, màn hình cảm ứng… - tất cả đều xuất hiện trên thị trường suốt 1 thập kỷ qua nhưng chưa hề mất đi ánh hào quang bởi chúng vẫn được sử dụng để phục vụ phần đông công chúng. Tương tự như thế với iPhone 2.0 của Apple.
Lại một lần nữa, Google, chiến binh đang đấu tranh tích cực tại nhiều mặt trận, là đối thủ cạnh tranh cứng đầu nhất của Apple. Google đang “cầm đầu” một liên minh nhằm xây dựng một hệ điều hành mở có tên Android - ứng dụng trong những chiếc điện thoại di động cũng như những thiết bị số thế hệ tiếp theo. Liên minh Open Handset có tổng cộng 34 thành viên trong đó có Motorola, LG Electronics, Samsung, China Mobile, Sprint Nextel và T-Mobile. Mặc dù CEO của Google là Eric Schmidt nằm trong ban giám đốc của Apple và mặc dù Jobs luôn chào mừng Google như một đối tác cung cấp ứng dụng trên iPhone nhưng Apple vẫn không hề được nhắc đến trong liên minh này.
Google khẳng định chiếc điện thoại di động chạy hệ điều hành Android đầu tiên sẽ sớm ra mắt trong nửa cuối năm 2008 gần thời điểm iPhone 2.0 trình làng. Theo lời những nhà phát triển của Google thì đây không chỉ là những chiếc điện thoại trang bị màn hình cảm ứng, máy đo cảm xúc người sử dụng mà còn tích hợp được hơn 1.800 ứng dụng từ những trang web phổ biến trong đó có Facebook và YouTube.
(Theo Dantri/Time)
Bình luận