Tính ứng dụng cao nhưng không có nhà đầu tư

Mới đây, Trung tâm Nghiên cứu và triển khai R&D (Khu công nghệ cao) và Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ĐH Quốc gia TP HCM) công bố sản xuất thành công chip cảm biến áp suất. Đây là con chip được sản xuất trên công nghệ vi - cơ điện tử đầu tiên tại nước ta. Theo Thạc sĩ Trương Hữu Lí, trưởng nhóm nghiên cứu, trong công nghiệp, chip này có tác dụng kiểm soát áp suất đường ống và khí gas; trong y tế, được dùng để đo huyết áp; trong đời sống có thể dùng trong các thiết bị đo mực nước như máy giặt, máy rửa chén, bồn nước… Ngoài ra, chip này còn được sử dụng để chế tạo thiết bị đo và lưu trữ thông tin mực nước, phục vụ chương trình thủy lợi, chống ngập úng...

Tuy vậy, Thạc sĩ Trương Hữu Lí hiện rất lo cho đầu ra của sản phẩm này, bởi thực tế, Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch đã từng nghiên cứu thành công sản phẩm thiết bị giám sát hành trình và đồng hồ điện kế điện tử từ cuối 2013. Tuy nhiên, đến nay, hai sản phẩm này vẫn chưa có nhà đầu tư để sản xuất đưa ra thị trường (dù có nhu cầu lớn).

Theo thống kê của Sở KHCN thành phố, đến nay Sở đã tổ chức xét duyệt hơn 180 đề tài nghiên cứu và nghiệm thu gần 130 đề tài. Tuy nhiên, số đề tài chuyển giao ứng dụng vào thực tế chỉ đạt 34%. Rõ ràng, đây là con số hết sức khiêm tốn so với tiềm năng phát triển của một trong những thành phố đứng đầu cả nước trong phát triển KHCN.

Và nhiều nghiên cứu... thiếu thực tế

Trong 6 chương trình đột phá thuộc Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI, ngành GTVT được giao nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh ứng dụng KHCN trong lĩnh vực chuyên ngành nhằm vừa chống kẹt xe vừa kết nối đồng bộ hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, đến nay việc ứng dụng vẫn còn rất hạn chế.

Theo Phó Giám đốc Sở GTVT thành phố Bùi Xuân Cường, ngành chức năng đã hoàn thiện và triển khai dự án "Trung tâm điều khiển giao thông", với tổng số vốn 187 triệu USD (tương đương khoảng 3.800 tỉ đồng) để tích hợp việc quản lí, điều khiển đèn tín hiệu giao thông, camera quan sát và bảng thông tin giao thông điện tử (BTTGTĐT) và sẽ lắp đặt trên khoảng 1500 giao lộ. Nhưng đến nay, ngành giao thông cũng chỉ mới lắp đặt có 17 BTTGTĐT cùng hơn 200 camera tại nhiều vị trí, chủ yếu khu vực nội thành.

Nguyên nhân, theo lãnh đạo Sở GTVT, ngoài việc thiếu vốn thì cơ bản vẫn là các đề tài nghiên cứu, ứng dụng KHCN chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, các nghiên cứu vẫn mang tính lí thuyết nhiều nên phần lớn việc lắp đặt sản phẩm từ KHCN chủ yếu dựa vào hàng ngoại nhập.

Trước thực trạng có đề tài KHCN ứng dụng cao lại không tìm được nguồn đầu tư, nhiều đề tài lại thiếu thực tế gây lãng phí lớn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Mạnh Hà cho rằng cần có sự hỗ trợ, định hướng từ các cơ quan chức năng, đặc biệt về cơ chế, chính sách đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực KHCN. UBND thành phố sẽ tập trung hỗ trợ, định hướng cho những công trình KHCN chiến lược, trọng điểm thiết thực với đời sống xã hội. Để làm được điều này, các doanh nghiệp cần phải tổ chức nghiên cứu kĩ về công nghệ và khả năng ứng dụng thực tế nhằm tránh lãng phí.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia nghiên cứu công nghệ cho rằng, thành phố cần thành lập bộ phận chuyên trách nghiên cứu, khảo sát nhu cầu thị trường đối với các công trình KHCN nhằm tránh việc đầu tư, nghiên cứu dàn trải,....

Theo Hà Nội Mới




Bình luận

  • TTCN (0)