Anh Kiều Thanh Tùng, một người chơi đồ cổ có tiếng tại TPHCM đồng thời là điều hành viên của diễn đàn Sl4x.com với "nickname" là NgoDuc, mới đây cũng đã chia sẻ hành trình chơi điện thoại cổ lắm gian nan nhưng cũng chất chứa nhiều niềm vui của mình.

Bắt đầu từ đam mê

Cũng giống như đam mê các món đồ cổ khác, chơi điện thoại cổ cũng cần có sự đam mê nhất định, không phải ai cũng có thể bước vào “sân chơi” này được.

Nói về sự khởi đầu, anh Tùng cho biết: “Mình bắt đầu tiếp xúc với điện thoại cổ từ một nhóm hưởng ứng phong trào chơi Siemens (vốn chủ yếu từ Hà Nội nhưng đã lan rộng vào TP HCM) từ 2006. Một anh bạn đã đem vào một lô khá nhiều điện thoại Siemens cũ và rao bán trên một trang web mua bán. Mình cũng tình cờ lạc vào đó và bắt đầu đam mê nó nên quyết định mua 1 cái về”.

Siemens SL45 là chiếc điện thoại cổ đầu tiên anh được tiếp xúc. Thường thì khi mua về, anh tìm hiểu rất kĩ chiếc điện thoại này rồi mới mua thêm chiếc khác. Anh nhấn mạnh rằng đây là điều cơ bản nhất cho mỗi người chơi nhằm nắm rõ những cái hay, cái “chất” của nó, từ đó tiếp tục tìm hiểu sản phẩm khác. Việc tìm hiểu có thể ở trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo chí, các chủ đề mà mình quan tâm trên các diễn đàn…

Như SL45, đây là chiếc điện thoại có khả năng phát nhạc đầu tiên trên thế giới và chép nhạc vào thẻ nhớ một cách dễ dàng. Tuy vậy, điểm ấn tượng nhất của dòng sản phẩm này là khả năng phát nhạc với một chất âm rất ấm, trầm và hay, cho đến tận bây giờ chưa có một sản phẩm nào có thể thay thế được chất âm độc đáo này trong lòng đại đa số người đã dùng SL45.

Từ dòng sản phẩm này đã thôi thúc anh bước vào con đường "săn điện thoại cổ".

Hành trình đòi hỏi sự kiên trì

Chơi điện thoại cổ thì không nên chơi một mình. Điều khó khăn trong đó là phải tìm ra những người dùng sở thích để lập thành một nhóm cùng chung đam mê, như vậy mới chia sẻ hết các kinh nghiệm hay những thiết bị mới. Anh Tùng cho rằng điều này cũng khó nhưng không phải là không làm được, nhất là thời đại Internet hiện nay.

Trước đây, sân chơi dành cho điện thoại cổ tại Việt Nam còn khá hiếm và chưa có một sân chơi nào cụ thể, chỉ có một số anh em cùng chơi với nhau trong hội SL45 và trong số đó, có vài anh em là lập trình viên. Và vì đam mê và mong muốn xây dựng lên một cộng đồng để anh em cùng có chỗ chơi và cùng chia sẻ kinh nghiệm, từ đó diễn đàn SL4x.com ra đời. Không chỉ là sân chơi cho những đam mê và cũng là nơi để anh em chơi đồ cổ tại VN có thể giao lưu, học hỏi và trao đổi các dòng máy cổ với nhau.

Ảnh
Bộ đôi điện thoại nghe nhạc đầu tiên trên thế giới được mua từ nước ngoài về.

Từ năm 2006 trở đi, phong trào săn điện thoại cổ tại Việt Nam đã không còn nữa, ngoài các cửa hàng, việc tìm ra một chiếc điện thoại cổ đáng để sưu tầm là rất khó khăn, có khi tìm mỏi mắt cũng không ra được. Kể từ đây, anh Tùng và một số bạn bè cùng đam mê đã mày mò tìm hiểu mua bán ở nước ngoài với những chuyện “dở khóc dở cười” xảy ra.

Anh Tùng kể rằng ở một số nơi, như Đức chẳng hạn, người bán không ship về Việt Nam do tỉ giá đồng tiền của 2 nước thời đó. Với Việt Nam, khoảng mấy chục EURO là tương đối lớn nhưng với nước bạn, đó là số tiền “chẳng thấm vào đâu” và việc lười ship diễn ra. Đó là chưa kể việc mất đồ và phía bên bán phải đền hoặc gửi trả lại tiền. Anh đã phải giải quyết vấn đề này bằng cách nhờ bạn mua và chỉ nhận được ở những dịp bạn về nước.

"Có khi 1 sản phẩm đã thắng đấu giá, không chỉ nhờ vả bạn bè đang sống ở bên đó mua hộ và chờ đến 1 năm hàng mới về đến tay anh khi người đó về Việt Nam thăm nhà mới mang về được. Dù thế vẫn không nản và tiếp tục hành trình chơi đến nay." Anh Tùng cho biết thêm.

Nhắc về những kỉ niệm, con SL45 anh mua ở Arap Saudi là khá đáng nhớ. Ngày xưa, nước này không hỗ trợ nhận tiền qua PayPal và việc thanh toán tiền mua thiết bị khá khó khăn. Đôi khi mình đã thắng đấu giá được máy nhưng bên đó báo không nhận được tiền hoặc bên mình gửi muộn, có khi phải hơn 2 tháng, thậm chí là 3 tháng mới nhận được máy. Ngay cả khi chuyển tiền, thời gian lâu đã khiến anh lo lắng, sợ người bán sẽ bán cho người khác. Không chỉ đấu tranh về tư tưởng, tốn rất nhiều tiền điện thoại qua lại, "nhờ vả" sự trợ giúp từ các bạn bè chiến hữu, chiếc điện thoại này cuối cùng anh cũng đã sở hữu được nó. Khi nhận được, cảm giác của anh thực sự rất “khó tả”.

Chơi là phải đam mê

Theo anh Tùng, ngoài việc thiếu kinh nghiệm khi mới chơi, những khó khăn còn lại đều không là gì nếu đã đam mê. Anh kể đã có lần, anh lùng không có trong nước và phải ra nước ngoài ship hàng về.

Theo chia sẻ của anh, điện thoại cổ không chỉ là để trưng cho vui. Khi nhìn ngắm, ta phải thấy những điều mới lạ, những phong cách hay cá tính của từng hãng sản xuất hay thậm chí là “hồn dân tộc” gắn vào đó. Ví dụ như điện thoại do Pháp sản xuất sẽ toát lên đường nét quyến rũ, tinh tế và lãng mạn. Hay với điện thoại do Mỹ sản xuất sẽ thấy sự hiện đại, Thụy Điển với những đường nét “thực dụng”…

Ảnh
Siemens SX1 Mclaren Limited Edition là sản phẩm lấy theo tên đội đua xe F1 McLaren Mercedes.

Với nhiều người, việc sử dụng điện thoại cổ cũng là một cách để tạo sự khác biệt, cá tính đối với bên ngoài – nơi đang đầy rẫy các dòng smartphone hiện đại.

Chơi điện thoại cổ cũng phải có “level” riêng, đầu tiên là phải có máy, sau đó thì là máy đẹp, máy phải fullbox, tiếp nữa là số lượng giới hạn (limited edition)… anh tiết lộ thêm.

Những khó khăn hiện nay

Hiện các dòng smartphone ra mắt đã làm mai một đi những người thợ kinh nghiệm và lành nghề (hiện còn lại rất ít). Do đó, khi máy hư, các thợ sửa chữa hiện nay sẽ làm hỏng thiết bị bất cứ lúc nào (do không biết về công nghệ cũ). Đơn cử như pin chẳng hạn, hiện các dòng máy cổ nếu hư pin, việc kiếm lại sẽ rất khó khăn. Cách duy nhất là “độ” lại nhưng với những tay không lành nghề, nguy cơ “vứt vào sọt rác” là rất cao.

Với các dòng máy cũ, việc unlock thiết bị cũng khá khó khăn. Theo lời kể của anh Tùng, hiện tại tại TP HCM, hiện chỉ có khoảng 2 người có thể unlock được các thiết bị loại cũ. Một trong 2 người đó do có biến cố cũng đã từ bỏ. Do vậy những người am hiểu để có thể sửa chữa được là rất hiếm.

Bên cạnh đó, điều khó nữa là phải tìm ra các thiết bị “đáng chơi” bởi như anh Tùng nói “chơi mãi một thứ cũng nhàm” hoặc “nhiều người thích dòng máy này hơn dòng máy kia”,…. Từ đó, những cái tên khác lại được tìm đến. Tuy nhiên, để tìm ra thiết bị mới, đòi hỏi người chơi phải nhanh nhạy: có thể nhờ sự tư vấn của những người có chuyên môn hay kinh nghiệm trên mạng nhưng tự lực cánh sinh vẫn là chính. Ngoài ra, giao lưu, mua bán thiết bị với những người trong nhóm với nhau cũng là cách hay để chơi điện thoại cổ.

Hiện nay, có rất nhiều trang web giới thiệu các dòng điện thoại từ xa xưa nhưng theo anh Tùng, đây là điện thoại “cỏ” chứ không phải đồ cổ, tức là điện thoại đã bị dựng lại. Lí do đưa ra theo anh cho biết, đã là đồ cổ thì phải hiếm, trong khi những trang mạng này bán tràn lan với chất lượng “có trời mới biết”. Do đó, những người chơi mới dễ dàng mắc lừa thủ đoạn này.

Ngoài ra, việc tìm kiếm thiết bị cổ cũng vô cùng khó khăn. Với những ai đã giữ được lâu mà còn mới thì họ hiểu giá trị thiết bị và không bán. Còn những ai không biết mà vẫn giữ được lâu thì chất lượng cũng đã xuống cấp trầm trọng, thậm chí chuẩn bị là “đồ bỏ đi” rồi.

Cuối cùng, khó khăn vấp phải là điều kiện kinh tế. Thường thì những ai có dư giả về tiền bạc mới đủ khả năng sưu tập và “chơi” với nghĩa thực sự.

Lời khuyên cho người chơi

Đầu tiên phải có sự đam mê, bởi đam mê thì người chơi điện thoại cổ mới thấy hết những tinh túy mà thiết bị mình đang cầm trên tay. Khi mới chơi, cũng không nên quan trọng sự độc, lạ, chỉ cần có là được. Hiện nay, lượng sinh viên tìm đến điện thoại cổ khá nhiều và đây cũng là đối tượng hạn chế về kinh tế nhất. Do đó, anh Tùng cho rằng cần “có” mới có thể tiến đến các “level” khác được.

Bên cạnh đó là sáng suốt trong khi sưu tập. Theo anh Tùng, hiện trên thị trường đầy rẫy các thiết bị được gắn mác là điện thoại cổ với những mức giá từ “thượng vàng đến hạ cám” và nếu không cẩn thận, những người mới chơi có thể mắc lừa bởi hàng dựng kém chất lượng.

Tiếp đó, theo anh “chơi là phải giao lưu”, trừ những người “lập dị”. Bởi một điều là việc trao đổi sẽ tăng tính trải nghiệm, nhất là với những người không dư giả nhưng muốn trải nghiệm hàng độc, hàng hiếm.

Người chơi cũng phải “có con mắt” nhìn trước, biết thiết bị này tương lai có “hot” hay không cũng là “chiêu” hay. Bởi nếu khi thiết bị đang đại trà sẽ có giá rẻ nhưng đến một thời điểm nào đó, khi lượng máy này không còn nữa, nó sẽ trở thành đồ “độc”.

Tiếp nữa là tìm hiểu khả năng tương thích. Có những dòng máy chỉ tương thích với công nghệ cũ mà không thể sử dụng với công nghệ mới hiện nay. Ví dụ như Samsung M100 là điện thoại nghe nhạc đầu tiên trên thế giới nhưng chỉ tương thích với các ứng dụng convert và chép nhạc chạy trên Windows 98. Hay như Sony MZ5 phải dùng cáp quang để truyền dữ liệu… Do đó, đòi hỏi người chơi phải mày mò tìm hiểu kĩ về thiết bị của mình.

Ngoài ra, nếu ai đam mê thì không ngần ngại tìm hiểu những thành viên lâu năm có kinh nghiệm , anh Tùng sẽ sẵn sàng cung cấp thông tin, máy móc hay tư vấn thông tin cho người mới bắt đầu. Nếu không biết, anh sẽ nhờ mối quan hệ của anh để giúp đỡ.

Theo Dân Trí




Bình luận

  • TTCN (0)