Sau một thời gian lắng dịu, game online bùng phát trở lại. Hàng ngàn bạn trẻ đang "cày" game online ngày đêm; nhiều bạn trẻ trốn nhà, trốn học, bỏ thi... chỉ vì "luyện" game online. Thế giới ảo đang tạo ra nhiều hậu quả thật đáng tiếc.
Game online không chỉ ở thành thị mà đã lan tới những vùng nông thôn. Nhiều phụ huynh càng lo hơn khi các trò chơi bắn súng xuất hiện có sức cuốn hút khá mạnh mẽ.
Hai năm trước đây, các game với những màn đấu súng FPS (First Person Shooter) trong Half Life, Counter Strike ngự trị tại các phòng game online. Nhưng sau đó sự lên ngôi của Boom, Audition… đã đẩy những game này xuống vị trí thứ cấp. Những chiến binh FPS với những cảnh bắn, giết dường như dần trở vào quên lãng thì bỗng dưng hồi sinh một cách đáng báo động trong mấy tháng gần đây.
Săn tìm và bắn giết
Đầu năm 2008, gần như cùng lúc ba "đại gia" trong thị trường game online VN đã tung ra ba game bắn súng bạo lực: "Biệt đội thần tốc" (VinaGame), "Đặc nhiệm anh hùng" (FPT Online) và "Đột kích" (VTC Game). Tuy khác nhau về cách chơi nhưng cả ba đều cùng có nguồn gốc từ Hàn Quốc, là loại game nhập vai trực tuyến để bắn và giết người!
Đầu tháng 3-2008, khi chính thức phát hành "Đặc nhiệm anh hùng" tại VN, FPT Online đã có một buổi trình diễn ngoài đường đầy "ấn tượng" ở Hà Nội và TP.HCM. Những chiếc xe jeep chở những đôi nam nữ ăn mặc đồ rằn ri, tay cầm súng giả diễu hành khắp các ngả đường nhằm tạo sự chú ý với người đi đường. Một số cô gái mặc đồng phục của game này cũng tản ra các ngả đường để phát tờ rơi. Những đứa trẻ trong các tiệm Internet được tận tình hướng dẫn chơi game và thậm chí còn được tập bắn súng ngoài đường. Tại các phòng game, hình ảnh những cô gái với quần áo bốc lửa, những chàng trai tay lăm lăm súng cũng được quảng cáo tràn ngập.
"Đột kích" của VTC Game được phát triển bởi NEOWIZ (Hàn Quốc) với tên gọi "CrossFire" thuộc thể loại game không có cốt truyện có sẵn. Tham gia game này, người chơi trong cùng bản đồ sẽ được chia thành hai nhóm để bắn giết lẫn nhau cho đến khi tìm ra đội chiến thắng hoặc thực hiện một nhiệm vụ nào đó. Phần thưởng cho mỗi trận chiến thắng hay hoàn thành nhiệm vụ là điểm GP (đơn vị tiền tệ của game) để có thể sử dụng mua các loại súng ống mạnh hơn trang bị cho nhân vật của mình. Ngoài ra, người chơi còn nhận được thêm điểm kinh nghiệm, tương ứng với số điểm đạt được trong game, tùy theo số người trong đội thắng để tăng cấp bậc.
"Càng giết nhiều người càng tốt"!
Cũng giống như "Đột kích", "Biệt đội thần tốc" và "Đặc nhiệm anh hùng" là thể loại game trực tuyến đều hỗ trợ tính năng đội nhóm - clan (ở một số game MMORPG thường gọi là bang hội, lãnh địa). Người chơi có thể tham gia những đội nhóm có sẵn hoặc tự tạo cho mình một đội nhóm mới. Khi nhập cuộc, người chơi sẽ nhìn bằng đôi mắt của một cảnh sát hoặc một tên khủng bố để đi săn tìm và bắn giết đối phương khác đội. Súng trong game vô cùng phong phú với hàng loạt tên gọi như AK 74, K1, MR 73… Các loại súng chính, súng phụ, áo giáp, mũ cối, bom, lựu đạn… được trang bị tận răng, nhưng nếu muốn có đòi hỏi người chơi phải đóng tiền để mua thẻ. Các game này được các công ty quảng cáo cho chơi miễn phí, nhưng thật ra người chơi vẫn bị "móc túi" vì thường phải mua thêm súng ống đạn dược để có thể tham chiến.
Cấp bậc và quân hàm là điều hầu hết game thủ tham gia quan tâm nhất vì nó thể hiện đẳng cấp trong giới. Trang web chính thức của các game này đều có những bảng xếp hạng "top đẳng cấp cao nhất" được cập nhật thường xuyên. Cấp bậc của "Đặc nhiệm anh hùng" được xếp hạng đến 75 cấp hàm khác nhau, từ hàm đầu tiên là đặc nhiệm dự bị cho đến đại tướng. "Để được thăng cấp, phải giết càng nhiều người càng tốt.
Người giết cảm thấy hả hê vì hạ được đối thủ, được tăng điểm kinh nghiệm, còn người bị giết chỉ còn biết văng tục, chửi thề vài tiếng rồi tiếp tục tìm cách giết lại" - Bi, một game thủ của "Đột kích", nói. Các game này đã "giảm sốc" bằng cách không để người bị bắn văng ra máu màu đỏ mà thay vào đó là một màu khác, nhưng cảnh tượng kinh hoàng của người người bị chết vì súng bắn vẫn được cho thể hiện một cách "chân thật" nhất.
Khẩu súng mang mã số P90 được "Đặc nhiệm anh hùng" rao bán "là một kiệt tác của FN, sử dụng loại đạn 5.7x28mm, đường kính nhỏ nhưng độ sát thương rất mạnh. Đặc biệt nó làm bộ giáp dày 200mm trở nên vô hiệu"! Dĩ nhiên đây là những khẩu súng "ảo", nhưng hình dáng cũng như việc mô phỏng cách nhả đạn và độ sát thương của nó trông rất thật. Song đó chỉ là một trong số hàng chục loại vũ khí "nóng" được rao bán dành cho các game thủ.
Với các game thủ, khi đã chọn mua một lọai vũ thì đương nhiên là phải nhả đạn xối xả lúc lâm trận. Những luồng đạn tuôn ra liên hồi cộng với âm thanh của súng ống khiến người chơi đắm mình với cảm giác ở những trận địa bắn, giết… Mạng "Đặc nhiệm anh hùng" có lưu những đoạn phim quảng cáo ngắn cho thấy khi lâm trận, các nhân vật trong trò chơi nhả đạn liên tục, vỏ đạn bay tung tóe. Mỗi khi nhân vật bị trúng đạn, máu me văng tứ tung… Còn "Biệt đội thần tốc" cũng giới thiệu những hình ảnh nhân vật game cầm súng ống thật hiện đại.
(Theo Tuoitre)
Bình luận
Không biết ai là tác giả bài này?
Nghe giọng điệu cứ như là mị dân vậy. Nếu chưa từng chơi qua mấy game này thì chắc tui tin sái cổ bài viết này quá.
Ông này có vẻ thù ghét mấy công ti phát hành game quá nhỉ.
Những game bắn súng kiểu vậy mang tính thể thao hơn là bạo lực. Tác giả đã viết quá lời rồi.