Chỉ tính trong tháng 4 và tháng 5/2014, trong cả nước đã có 5 cuộc hội thảo lớn nhỏ tại các thành phố lớn bàn về thực trạng vi phạm bản quyền. Kết quả của những hội thảo này, bao giờ cũng cho thấy tầm quan trọng của việc tôn trọng bản quyền, chỉ ra những thực trạng yếu kém trong việc thực thi luật bản quyền, sở hữu trí tuệ, mong chờ ý thức người dân, đề xuất những biện pháp kĩ thuật và lên tiếng đề nghị có một hành lang pháp lí tốt hơn để cải thiện tình hình.

Nhưng đó chỉ là trên lí thuyết. Cải thiện thực tế về lĩnh vực bản quyền tại Việt Nam là chuyện không dễ dàng gì.

Trong một cuộc hội thảo về chủ đề bảo hộ quyền tác giả trong không gian số do ĐH Luật TP.HCM và Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số Việt Nam vừa tổ chức, có ít nhất hai giám đốc doanh nghiệp kinh doanh ebook chính thức trên mạng tham dự thì cả hai đều cho rằng, việc xử lí về mặt kĩ thuật để bảo hộ quyền tác giả hiện nay chủ yếu là do các doanh nghiệp tự làm. Và nói một cách hình ảnh, theo ông Đồng Phước Vinh, Giám đốc công ty sách điện tử Trẻ, thì đó cũng chỉ là những “ổ khóa cho người ngay, chứ chưa ngăn chặn được kẻ gian”. Chưa có một mạng lưới giám sát và xử lí đồng bộ nào được lập ra để bảo vệ bản quyền, quyền lợi, sự công bằng trong kinh doanh trên mạng cho các doanh nghiệp.

Ông Jung Tea Sun, Tổng Giám đốc tập đoàn CJE&M Hàn Quốc tại Việt Nam, tại Hội thảo chủ đề Bảo hộ bản quyền trong lĩnh vực điện ảnh và truyền hình trong môi trường số vào cuối tháng 4 vừa qua tại TP HCM (do Cục Bản quyền tác giả, Hội Sở hữu Trí tuệ và Hội Truyền thông Điện tử TP HCM tổ chức) kể về kinh nghiệm của Hàn Quốc trong việc nỗ lực chống vi phạm bản quyền: đầu những năm 2000, nạn vi phạm bản quyền ở Hàn Quốc cũng phổ biến và “khó xử” không kém tình hình Việt Nam hiện nay. Mãi gần đây, năm 2011, Hàn Quốc có 2,7 tỉ vụ vi phạm bản quyền; năm 2013, giá trị các vụ vi phạm tác quyền lên đến 4000 tỉ won (khoảng 3,8 tỉ đô la Mỹ).

Điều đó buộc chính phủ Hàn Quốc quyết liệt tiến hành những biện pháp như thay đổi luật dựa trên những diễn biến trong đời sống công nghệ, tăng chế tài khi phát hiện vi phạm, thúc đẩy các vụ kiện bản quyền tới nơi tới chốn, xây dựng hệ thống nhận dạng vi phạm bằng cách quy định các website muốn hoạt động phải cài đặt một chương trình kiểm soát để có chế độ nhắc nhở, cảnh báo tự động với người cung cấp lẫn sử dụng khi có dấu hiệu vi phạm bản quyền. Và nhờ những căn cứ cụ thể đó, người dân ý thức hơn trong việc tôn trọng bản quyền, đặc biệt là bản quyền trong môi trường số.

Ảnh
Hiện nay tại Việt Nam chỉ có 5 nhà kinh doanh ebook chính thức qua mạng nhưng có hàng trăm trang web cho tải sách miễn phí phi pháp nhưng không bị quản lí. Ảnh: Nguyễn Vinh.

Rõ ràng, hệ thống pháp lí là quan trọng. Nhưng sự phát triển nhanh chóng của đời sống công nghệ đòi hỏi nhà soạn luật bản quyền trong không gian số phải theo sát và am hiểu để tìm ra nguyên lí căn bản nhất để có thể xây dựng hệ thống pháp luật khả thi và thuyết phục. Về phía tòa án và thực thi pháp luật trong lĩnh vực bản quyền cũng cần có chuyên môn công nghệ để có thể thụ lí những vụ việc phức tạp.

Riêng biện pháp kĩ thuật, có lẽ cần đến sự hoạt động tích cực của những hiệp hội nghề, trung tâm bản quyền với sự hỗ trợ của chính phủ để việc bảo hộ bản quyền được thực hiện một cách công khai và hiệu quả.

Nhiều doanh nghiệp xuất bản Việt Nam chia sẻ rằng họ cảm giác không được đối tác các nước tin tưởng khi đi giao dịch bản quyền, chỉ vì một điều đơn giản: tình trạng vi phạm bản quyền tại Việt Nam quá tệ hại. Sau mười năm gia nhập Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật, thị trường tác quyền Việt Nam vẫn còn là một ngoại lệ với nhiều biểu hiện hoang dã.

Không biết may hay rủi, Việt Nam là một thị trường nhỏ, nên các đối tác bên ngoài chưa muốn lên tiếng hay tiến hành các vụ kiện theo luật chơi chung!

Nhưng đầu tháng 5/2014, Hiệp hội Điện ảnh Mỹ gửi thư cho Bộ Thông tin Truyền thông Việt Nam yêu cầu có động thái can thiệp tình trạng vi phạm bản quyền những tác phẩm điện ảnh do các thành viên Hiệp hội này sản xuất đang được cung cấp trên những ứng dụng xem phim di động do người Việt thực hiện. Nhìn ở hướng tích cực, rất cần những tác động, áp lực đến từ bên ngoài để buộc những nhà làm luật, thực thi luật bản quyền tại Việt Nam nhất thiết phải có trách nhiệm và giải pháp cụ thể hơn để tích cực thay đổi tình hình. Đừng để những lời hay lẽ phải và cả những bức xúc chỉ được phát ra trong các phòng hội thảo đóng kín.

Trên bình diện giao lưu văn hóa trong sân chơi toàn cầu, tôn trọng bản quyền cũng là điều quan trọng hàng đầu để xác định thể diện của một quốc gia.

Theo SaigonTimes




Bình luận

  • TTCN (0)